Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vì sao số lượng thuê bao 2G giảm rất chậm?

Hoàng Nam

Thứ năm, 07/03/2024 - 11:14

(Thanh tra)- Ngày 6/3, trả lời báo chí về việc dừng phát sóng thuê bao 2G, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết, dù các doanh nghiệp viễn thông đã báo cáo về kế hoạch dừng công nghệ 2G, nhưng trung bình mỗi tháng, số lượng thuê bao 2G chỉ giảm có 1%.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, trả lời báo chí về việc dừng phát sóng thuê bao 2G vào ngày 6/3. Ảnh: Thảo Anh

Từ ngày 1/3/2024, các nhà mạng không cho phép nhập mạng mới các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G không thuộc danh sách các máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy. Theo đó, các mẫu điện thoại chỉ hỗ trợ kết nối mạng 2G không nằm trong danh sách các “thiết bị đầu cuối di động 2G đã được cấp giấy chứng nhận hợp quy” sẽ bị ngắt sóng. Việc ngắt toàn toàn sóng 2G sẽ bắt đầu được thực hiện từ tháng 9/2024. Tại Việt Nam, hiện có khoảng hơn 4.000 mẫu điện thoại 2G đã được cấp giấy chứng nhận hợp quy.

Lý giải nguyên nhân của hiện tượng thuê bao 2G giảm rất chậm, theo ông Nhã, tính đến tháng 9/2023, Việt Nam có 15 triệu thuê bao 2G, trong khi đó, hàng tháng vẫn có khoảng 300 nghìn thuê bao chỉ có đầu cuối 2G hòa mạng mới.

Theo thống kê của Cục Viễn thông, trong 3 ngày đầu tháng 3, có khoảng 5.400 máy thuê bao 2G đã không được hòa mạng theo nội dung Thông tư 43/2020/TT-BTTTT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - phần truy cập vô tuyến.

"Để các thuê bao sử dụng thiết bị đầu cuối 2G tiếp tục giảm nhanh hơn, Cục Viễn thông mong muốn nhận được sự phối hợp tuyên truyền của các cơ quan báo chí về các nội dung trong Thông tư 43/2020/TT-BTTTT, để người dân nắm rõ việc các thiết bị đầu cuối 2G (điện thoại phím bấm) chỉ sử dụng tính năng 2G thì sau ngày 1/3/2024 không được hòa mạng mới nữa", ông Nhã đề nghị.

Đối với các thuê bao sử dụng điện thoại phím bấm nhưng có công nghệ 4G (do nhu cầu của người sử dụng cần thời lượng pin lâu hoặc chỉ cần những chức năng nghe - gọi đơn giản) thì vẫn được hòa mạng mới bình thường.

Cục Viễn thông cùng các nhà mạng sẽ cùng rà soát lại kế hoạch, đánh giá thực trạng và xem xét các giải pháp như truyền thông, hỗ trợ cước, chuyển đổi thuê bao sử dụng thiết bị 2G sang thiết bị 4G, điện thoại thông minh để người dân tiếp cận và khai thác những ứng dụng, tiện ích thông minh trên thiết bị di động.

Về việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, ông Nhã cho biết, hiện nay, 100% số thuê bao di động ở nước ta (khoảng 127 triệu thuê bao) đã được chuẩn hóa thông tin với cơ sở dữ liệu dân cư. Tuy nhiên, các cuộc gọi lừa đảo, cuộc gọi rác… vẫn xảy ra và chưa được xử lý triệt để. Bộ Thông tin và Truyền thông đang hướng đến mục tiêu mới, đó là dừng phát triển thuê bao ở các đại lý (số lượng thuê bao phát triển mới đã giảm khoảng 30%), tập trung phát triển thuê bao chính chủ thông qua việc đăng ký trực tuyến. Việc này giúp cho các nhà mạng vẫn tiếp tục phát triển được thuê bao mới, đồng thời đảm bảo thông tin thuê bao được chính xác và tiến tới là chính chủ. Khi các thông tin thuê bao là chính chủ, thì các hành vi lợi dụng hoạt động viễn thông để lừa đảo, quấy rối, trục lợi, vi phạm pháp luật sẽ được ngăn chặn, kiểm soát tốt hơn.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.

Trung Hà

15:05 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm