Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 16/09/2015 - 06:19
(Thanh tra) - Tình trạng khai thác vàng trái phép tại huyện Quế Phong luôn là vấn đề “nóng”. Chính quyền từ các cấp cơ sở đến tỉnh Nghệ An đã nhiều lần vào cuộc “truy quét”, thế nhưng, tình trạng trên không những không chấm dứt mà còn diễn biến phức tạp hơn.
Núi đồi, khe suối tan hoang. Ảnh: Lương Ý
Tan hoang Cắm Muộn
Chúng tôi có mặt tại huyện Quế Phong, do thời tiết không mấy thuận lợi, những cơn mưa cuối tháng 8 ở miền núi càng lúc càng nặng hạt, vì thế con đường đi vào bản Cắm thuộc xã Cắm Muộn (nơi “vàng tặc” đang hoành hành) càng trở nên khó khăn. Mặc dù chỉ cách trụ sở UBND xã vài ki lô mét nhưng phải mất cả tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến được bản Cắm.
Máy múc và sàng chớp khai thác vàng trái phép của ông Lô Văn Bảo đang làm tan hoang quả đồi. Ảnh: Lương Ý
Hiện ra trước mắt là dòng chảy của khe Què, nơi có hàng chục tốp đang khai thác vàng. Hầu hết các đối tượng này đều là người dân gốc bản Cắm. Phải nói một điều rằng nạn khai thác vàng ở đây diễn ra hết sức ồ ạt, quá sức tưởng tượng. Tiếng người gọi nhau í ới... xen lẫn với tiếng ồn của hàng chục máy nổ đang đào khoét khe suối để đãi vàng. Cả một vùng đất rộng lớn ở cạnh khe suối bản Cắm không khí rất náo nhiệt như một “đại công trường” khai thác khoáng sản.
Trước sự xuất hiện của người lạ, các đối tượng đều dừng công việc khai thác lại, một số nhanh chân trốn vào các lùm cây...
Cách đó vài trăm mét là máy múc của ông Hồ Xuân Tuấn (ở Quỳ Hợp) cũng đang khai thác vàng trái phép. Ảnh: Lương Ý
Tránh “rút dây động rừng” cũng như để đảm bảo an toàn trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi tỏ ra thân thiện hỏi một đối tượng: “Chúng tôi dưới Diễn Châu lên tìm mua đất làm vàng, anh có biết chỗ nào người ta cần bán đất không?”. Nghe xong, người này tỏ ra khá vui vẻ rồi thản nhiên đáp: “Tôi cứ tưởng các chú là công an hay cán bộ môi trường, tưởng gì chứ mua đất ở đây dễ lắm. Hầu như chỗ nào cũng có vàng”(?).
Thấy khách có vẻ chưa tin, một người khác tiếp lời: “Các chú cứ đi vào trong khe Nà Khía mà mua đất làm vàng, nghe nói ông Bảo với ông Tuấn khai thác được nhiều lắm. Vàng tính bằng cân, vì 2 ông đấy có máy múc nên khai thác dễ hơn. Các chú cứ men theo con khe có màu nước đục này thì đến nơi, mấy hôm nay mưa to nên đường trơn xe máy không đi được mô”.
Cần phải nói thêm rằng, khu vực các đối tượng này đang khai thác vàng là đất ruộng lúa của người dân bản Cắm (cách trụ sở UBND xã chỉ vài ki lô mét). Tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra từ năm này qua năm khác, khiến cho cả một vùng đất rộng lớn tan hoang. Ruộng lúa bị thu hẹp. Những hầm hố "vàng tặc" để lại sâu hoắm, nhan nhản như hố bom, xơ xác, thảm hại.
Nước thải tràn xuống khe suối gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Lương Ý
Dân bán cả ruộng cho “vàng tặc”
Theo sự chỉ dẫn trên, chúng tôi men theo con khe nhỏ, đi được khoảng 30 phút thì dường như hoàn toàn mất phương hướng. Do địa bàn toàn là rừng núi, khe suối lại có nhiều ngã rẽ, cộng thêm trời mưa nên màu nước ở con suối này đều là màu đục, khiến cho quá trình tìm đến khu vực “vàng tặc” đang khai thác càng trở nên khó khăn.
Đang loay hoay, chúng tôi gặp một đôi vợ chồng trẻ bế con đi hướng ngược lại. Thấy chúng tôi, đôi vợ chồng liền hỏi: “Lính mới của ông Tuấn hả, cứ đi thẳng rồi rẽ trái là đến. Đi nhanh chân lên, còn kịp ăn cơm trưa với anh em trong đó”.
Giữa núi rừng hoang vắng lại "mọc" lên nhiều quán tạp hóa để phục vụ "vàng tặc". Ảnh: Lương Ý
Cuối cùng chúng tôi cũng “xâm nhập” thành công vào doanh trại của “vàng tặc”. Trước mặt chúng tôi là chiếc máy múc đang cố vươn “cánh tay” khổng lồ đào bới trên ngọn núi cao gần trăm mét. Phía bên dưới các máy nổ đang thi nhau dùng “vòi rồng” hút nước lên qua “hồ trung chuyển”. Sau đó, dùng một máy hút nước nữa mới hút nước lên đến sàng đãi vàng vì địa điểm khai thác có độ cao rất lớn. Phía bên dưới quả đồi, một máy múc khác đang thực hiện đào khoét đãi lấy vàng.
Quá trình khai thác vàng của các “vàng tặc” ở đây diễn ra rất công khai. Tại khu vực Ná Khía này có đến 3 chiếc máy múc đang đào vàng trái phép. Hai chiếc máy múc màu vàng do ông Lô Văn Bảo làm chủ, máy còn lại màu xanh do ông Hồ Xuân Tuấn làm chủ.
Có một điều hết sức kì lạ là giữa mênh mông núi rừng lại mọc lên mấy quán tạp hóa và giải khát. Dù không đề biển quảng cáo, nhưng chỉ nhìn qua thôi, chúng tôi cũng nhận ra ở đây không thiếu một thứ gì. Từ bia, nước giải khát, cà phê...cho đến bánh kẹo. Đương nhiên, những quán hàng tạp hóa này “mọc” lên là để phục vụ cho nhu cầu của các “vàng tặc”. Điều này đồng nghĩa với việc hoạt động khai thác vàng trái phép tại địa điểm nói trên đã diễn ra từ rất lâu cũng như công khai giữa thanh thiên bạch nhật mà không hề bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
Thấy chúng tôi, ông chủ quán nhanh nhẹn mời chào: “Các chú vào mua đất phải không, vừa rồi tôi mới nghe người dân ở ngoài bản nói”.
Thấy khách có vẻ phân vân, chủ quán nói tiếp: “Cứ uống nước đi các chú, đây là đất nhà tôi. Phía dưới quả đồi nơi máy múc màu vàng đang làm, trước đây là ruộng bậc thang. Mấy năm trước, vợ chồng tôi trồng lúa đủ ăn thôi, may có mấy anh vào làm vàng mua, gia đình tôi giờ khấm khá hơn. Ruộng tôi bán lại cho ông Lô Văn Bảo người bản Cắm. Ông ấy khai thác được nhiều vàng, nên giờ mua thêm hai máy múc về làm từ nhiều năm nay. Máy múc màu xanh là của anh Hồ Xuân Tuấn người Quỳ Hợp. Nghe nói anh Tuấn vào làm ăn phất lắm”.
Ngoài ra, người đàn ông này, chỉ cách “lo lót” với cơ quan chức năng để được khai thác và yên ổn làm ăn.
Khó xử lý?
Đi tìm câu trả lời tại sao nạn khai thác vàng trái phép đang diễn ra công khai nhưng lại không hề có sự vào cuộc để xử lý dứt điểm của cơ quan chức năng, PV trao đổi với ông Lô Minh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn thì được cho biết: “Tình trạng khai thác vàng trên địa bàn xã là rất phức tạp, các đối tượng “vàng tặc” hết sức tinh vi nên khó có thể chấm dứt được”(?).
Hàng chục tốp khai thác vàng trái phép tại bản Cắm, xã Cắm Muộn. Ảnh: Lương Ý
Khi chúng tôi đặt câu hỏi về nạn khai thác trái phép theo như phản ánh là đã diễn ra trong thời gian rất dài, tại sao UBND xã không có biện pháp xử lý dứt điểm?. Ông Tùng trả lời: “Chúng tôi đã vào cuộc xử lý nhiều lần, có văn bản xử lý rất nhiều trường hợp và nhiều đối tượng khai thác vàng trái phép trên địa bàn. Về trường hợp của ông Bảo và ông Tuấn, xã cũng đã có Quyết định thành lập đoàn kiểm tra”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi ngỏ ý muốn tiếp cận văn bản này thì ông Tùng lại không có, với lý do: “Văn bản đó bên địa chính xã đang cầm, có gì chúng tôi sẽ sớm giải quyết”.
Hiện tượng khai thác vàng trái phép tại huyện Quế Phong đang diễn ra công khai, ồ ạt. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng lại chưa xử lý dứt điểm. Môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, tài nguyên quốc gia bị thất thoát, an ninh trật tự địa phương bị đảo lộn. Vì vậy, nguyện vọng của người dân là các cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng vào cuộc, có biện pháp xử lý mạnh tay, triệt để, trả lại cuộc sống bình yên cũng như môi trường trong lành cho người dân nơi đây.
Lương Ý
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024(Thanh tra) - Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, chiều 13/12/2024, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đặng Khánh Toàn đã đi thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng ở thành phố Nam Định và huyện Nam Trực.
Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Đức Tài
11:04 13/12/2024N. Phê
10:24 13/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình