Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Thứ sáu, 07/12/2018 - 06:24

(Thanh tra)- Trước sự lộng hành của các đối tượng có hành vi tận diệt nguồn lợi thủy sản, tỉnh Quảng Ninh đã “mạnh tay” trong việc xử lý. Tuy nhiên, trên thực tế, địa phương vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trong vấn đề nhân lực, trang thiết bị và chế tài xử lý vi phạm...

Công an huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh thu giữ các phương tiện đánh bắt thủy sản trái phép. Ảnh: Internet

Phát hiện 2.586 vụ vi phạm

Trong năm, toàn tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện 2.586 vụ vi phạm trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xử phạt gần9,6 tỷ đồng; tịch thu 415 kích điện, gần 6.200m dây điện, hơn 18.400m ống dẫn khí; 213 máy nén khí, 389 bộ đồ lặn, 6.211 lồng bát quái; đã tiêu hủy và tiếp tục tạm giữ, bàn giao xử lý 16 phương tiện...

Cùng với việc tăng cường công tác xử lý vi phạm, tỉnh cũng đã tổ chức đào tạo cho gần 300 cán bộ về thực thi quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tổ chức ký 2.947 cam kết thực hiện không mua bán, vận chuyển, sử dụng ngư cụ, công cụ cấm.

Đồng thời, yêu cầu các tổ chức, cá nhân không được thực hiện hoạt động khai thác thủy sản dưới mọi hình thức tại các điểm tổ chức cho khách tham quan du lịch, hang động, bãi tắm, luồng đường thủy, tuyến du lịch và tại khu vực Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Khuyến khích người dân, chủ phương tiện báo tin, tố giác các hoạt động vi phạm. Sau 1 năm hoạt động, đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên toàn tỉnh đã nhận được gần 200 tin báo. Qua đó, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 37 trường hợp sử dụng nghề cấm trong khai thác thủy sản và kịp thời ngăn chặn nhiều trường hợp khác.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đã xây dựng phương án chuyển đổi nghề đối với các tàu thuyền công suất nhỏ hoạt động ven bờ; đào tạo nghề cho những ngư dân muốn chuyển hẳn sang nghề khác. Đối với những ngư dân vẫn muốn bám biển, ngoài vận động quay về nghề lưới truyền thống, sẽ động viên ngư dân tham gia tổ hợp tác để cùng góp vốn đóng tàu tiếp tục vươn khơi xa đánh bắt...

Nhiều "rào cản"

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh đánh giá, trong những năm qua, nhận thức của đông đảo ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái thủy sinh đã có sự chuyển biến rõ rệt. Tình trạng sử dụng các ngư cụ cấm, ngư cụ khai thác mang tính tận diệt đã từng bước được kiểm soát, không còn phổ biến, tràn lan như trước.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong việc xử lý vi phạm là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn chồng chéo, chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, nhân lực cũng như trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Cũng theo ông Giang, tỉnh Quảng Ninh có tới trên 20% tàu thuyền tham gia khai thác thủy sản không có đăng ký, đăng kiểm và mỗi năm có khoảng 1.000 tàu cá của các tỉnh ngoài tham gia khai thác ở ngư trường Quảng Ninh, điều này gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các vi phạm.

Ngoài ra, vẫn còn một bộ phận ngư dân tiếp cận thông tin về các quy định, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn hạn chế, dẫn đến tình trạng phản ứng, trốn tránh, chống đối, không hợp tác khi bị phát hiện, bắt giữ.

Các quy định của pháp luật còn thiếu, một số chưa theo kịp với thực tế phát triển nghề khai thác thủy sản; trình tự, thủ tục xử lý tang vật theo quy định còn phức tạp, kéo dài. Đặc biệt, mức quy định xử phạt hiện nay quá nhẹ, không đủ để răn đe những đối tượng vi phạm...

Trước "bài toán khó" trong việc quản lý tình trạng khai thác thủy sản tận diệt, thiết nghĩ, cùng với công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm, tỉnh Quảng Ninh cần tăng cường hơn nữa việc quản lý các nguồn cung cấp thuốc nổ, cung cấp phương tiện đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt và xử lý nghiêm những kẻ buôn bán trái phép.

Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục và quan trọng hơn cả là có chính sách an sinh xã hội, giúp đỡ ngư dân nghèo vốn liếng làm ăn, chuyển đổi nghề nghiệp, thay đổi cuộc sống... Có như vậy, "bài toán khó" mới thực sự có lời giải.

Trọng Tài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm