Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Triệu phú Jrai trên vùng đất bazan

Thứ tư, 19/02/2014 - 07:40

(Thanh tra)- Dám nghĩ, dám làm, dám mạnh dạn bước qua những hủ tục lạc hậu để thay đổi nếp nghĩ của bà con dân làng và hơn hết là tìm kiếm cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ đôi bàn tay và khối óc của mình, đó chính là hành trình làm giàu của ông Rơ Mah Tham, một nông dân người Jrai ở làng Sung Le 1, xã Ia Kla, huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.

Dám nghĩ, dám làm, tìm tòi kinh nghiệm trong sản xuất, Rơ Mah Tham đã thành triệu phú vùng biên. Ảnh: Trung Đức

Mồ hôi vương nương rẫy

Hơn 20 năm trước, theo phong tục của người dân tộc Jrai, ông được bà Rơ Lan Hlý “bắt” về làm chồng. Ngày ra riêng, vợ chồng ông không có gì ngoài hai bàn tay trắng. Không có đất đai sản xuất, đôi vợ chồng trẻ đành đi cày thuê, cuốc mướn làm kế sinh nhai. Mặc dù quần quật làm việc nhưng gia đình ông cứ thiếu trước, hụt sau. Rồi đứa con đầu lòng chào đời, sau niềm vui đón chào thành viên mới, vợ chồng ông lại đối mặt với nhiều nỗi lo toan, khó khăn chồng chất. Thương con, gia đình bà HLý đã cho vợ chồng ông mượn 3ha đất để sản xuất. Ngày đó, bà con trong làng chỉ biết trồng cây lúa, cây bắp và gia đình Rơ Mah Tham cũng không ngoại lệ. Đất đai nằm ở vị trí khô cằn, thiếu nguồn nước tưới, trong khi phương thức canh tác chủ yếu là chọc tỉa nên ruộng lúa, rẫy bắp nhà ông liên tục mất mùa. 

Nhìn nhiều hộ người Kinh sống gần làng cũng làm nương rẫy nhưng lại có cuộc sống sung túc, ông lân la làm quen và lần đầu tiên ông biết đến cây điều, một loại cây “xóa đói, giảm nghèo”. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Rơ Mah Tham quyết định chuyển đổi diện tích đất đang trồng lúa, trồng bắp sang trồng điều. Bán bao lúa cuối cùng trong nhà lấy tiền mua hạt điều giống, ông mày mò trỉa hạt…

Hơn cả mong đợi, ngay vụ đầu tiên, gia đình ông thu về hơn 50 triệu đồng. Sau khi trang trải nợ nần, mua sắm nhiều thứ cho gia đình mà vẫn còn dư ra một số tiền, Rơ Mah Tham quyết định mua thêm đất mở rộng diện tích sản xuất. Cứ như thế, diện tích đất nhà ông càng ngày càng nảy nở. Ngoài điều, ông còn học cách trồng thêm cà phê, cao su, hồ tiêu, mì… là những loại cây mang lại giá trị kinh tế cao.

Quả ngọt trên đất bazan


Không biết có phải do ông mát tay hay do “đất không phụ công người”, mà những dải đất qua tay ông đều biến thành nương rẫy trĩu quả, xanh ngắt, trù phú... Lý giải về điều này, Rơ Mah Tham cho biết: “Nương rẫy, cây cối là tâm huyết của cả đời mình, nên mình dành hết tất cả thời gian cho nó. Vì vậy, khi cây bị sâu rầy tấn công, mình dễ dàng phát hiện và chữa trị ngay. Có mùa trời hạn, giếng khô cạn đáy, vợ chồng mình phải liên tục đi gánh nước về tưới, cứ cứu được cây nào thì tốt cây đó. Vất vả lắm”.


Đến nay, mô hình trồng trọt đa canh của Rơ Mah Tham đã được đầu tư khá lớn. Ông cho biết: “Tôi thấy người ta trồng điều hiệu quả nên học tập làm theo, cũng cuốc đất trồng được 6ha điều, 4ha cao su, 1,4ha cà phê, hơn 500 trụ tiêu… Gia đình tôi đã thật sự thoát nghèo rồi”. Ấy là cách nói khiêm tốn của Rơ Mah Tham, chứ thực sự, với nguồn thu nhập ổn định từ điều, cà phê, cao su… mỗi năm, vợ chồng ông thu về cũng hơn 300 triệu đồng, chưa kể vườn tiêu và lứa cao su mới sắp thu hoạch... Bà con trong vùng ai cũng nể phục, gọi ông là “nông dân sản xuất giỏi nhất làng”.  

Không chỉ vun vén phát triển kinh tế gia đình, Rơ Mah Tham còn đem hết kinh nghiệm, kiến thức về cách trồng cao su, cách bón phân cho cà phê, tiêu... chỉ cho bà con trong làng. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của ông, nhiều hộ gia đình đã từng bước thoát khỏi đói nghèo.

Có trong tay một cơ ngơi khiến nhiều người mơ ước, nhưng Rơ Mah Tham vẫn chưa thôi ngừng nghỉ. “Sắp tới, mình sẽ mua thêm đất trồng hồ tiêu, nếu thuận lợi thì sẽ đầu tư trồng với số lượng lớn. Vừa rồi, mình cũng đã thuê 1,6ha đất, vụ sản xuất 2014 mình sẽ trồng mì. Đất đai còn nhiều, chỉ sợ sức mình không làm nổi thôi…”, Rơ Mah Tham trải lòng về những kế hoạch sắp tới của mình với giọng điệu lạc quan, tin tưởng.

Mỗi ngày lên rẫy, Rơ Mah Tham đều tự mình điều khiển xe công nông chở theo cơm nước, phân bón, cày cuốc… và ở đó tới khi mặt trời khuất sau núi, mới chịu về nhà. Mùa nào việc đó, hết thu hái cà phê, cạo mủ cao su, rồi nhặt hạt điều…, thành quả lao động và những giọt mồ hôi của Rơ Mah Tham đã được đền bù bằng cuộc sống sung túc và một gia đình hạnh phúc. Noi gương cha, con cái của ông đều rất chăm chỉ, ngoan ngoãn, học hành đến nơi đến chốn.

Ông Ksor Jao, Chủ tịch UBND xã Ia Kla vui vẻ cho biết: “Rơ Mah Tham là niềm tự hào của chúng tôi. Không chỉ làm ăn giỏi, chăm lo cho cuộc sống gia đình, ông ấy còn giúp đỡ những người xung quanh. Nếu bà con mình ai cũng biết nghĩ, biết làm giàu cho gia đình và giúp đỡ người khác làm kinh tế thoát nghèo như ông Rơ Mah Tham, thì buôn làng sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.

Trung Đức

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.

Nam Dũng

14:11 15/12/2024
Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm