Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tìm về Pà Cò

Minh Nguyễn

Thứ năm, 20/10/2022 - 07:00

(Thanh tra) - Trở lại các bản làng vùng cao Pà Cò, huyện Mai Châu, Hòa Bình, vào thời gian này, chúng tôi có nhiều ghi nhận về sự đổi thay từng ngày đang diễn ra nơi đây. Những nương thuốc phiện xưa đã được trồng rừng phòng hộ, chè đặc sản cùng vườn cây sai trĩu quả; những trang trại gia súc mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cuộc sống mới ở Pà Cò. Ảnh: Minh Nguyễn

Cuộc sống của bà con nơi đây đã no ấm đủ đầy, trẻ em được đi học, nhiều nông dân đã trở thành triệu phú, tỷ phú… Những kí ức về một điểm nóng từng nhức nhối với nạn trồng cây thuốc phiện, rồi buôn bán, tàng trữ trái phép ma túy ma túy của vùng Tây Bắc đã lùi xa.

Một thời để nhớ

Pà Cò là xã vùng cao thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, với dân số phần lớn là đồng bào dân tộc Mông. Nhiều năm về trước, đây là địa bàn được xem là “thủ phủ” của thuốc phiện, tỷ lệ hộ nghèo cao; hạ tầng kinh tế, xã hội nhiều khó khăn. Nhận thức về pháp luật của nhân dân còn thấp, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tội phạm ma túy diễn biến phức tạp.

Từ những năm 1990 đổ về trước, vùng đất xã Pà Cò có rất nhiều diện tích trồng cây thuốc phiện. Cây thuốc phiện trồng khắp nơi, trên nương, dưới ruộng và quanh vườn nhà. Loại cây này đã đẩy các thanh niên trai tráng trong bản rơi vào vòng lao lý, nghiện ngập, khiến nhiều gia đình tan cửa, nát nhà. Cây thuốc phiện dễ trồng, bán được nhiều tiền nên nhiều diện tích nương rẫy đều bị bỏ bê, không ai nghĩ đến chuyện phải trồng cây gì khác ngoài cây thuốc phiện.

Hằng năm, trung bình mỗi hộ thu hoạch được 3 - 4kg thuốc phiện, cá biệt nhiều hộ ở bản Pú Chắn còn thu được 5kg nhựa thuốc phiện. Thời bấy giờ, 1kg thuốc phiện bán được 300.000 đồng. Mỗi khi bản có đám giỗ, đám cưới là bàn đèn được ngả ra la liệt. Người già, người trẻ nằm san sát, chân co chân duỗi bên bàn đèn. Thuốc phiện làm cho tinh thần mọi người mụ mẫm, ăn rồi chỉ thích ôm bàn đèn chứ không muốn lên nương, lên rẫy. Cây ngô, cây lúa... bà con cũng chẳng ngó ngàng tới vì thích cái gì là mang thuốc phiện xuống chợ đổi. Cuộc sống tưởng như dư dả, nhưng nó lại là cơn sóng ngầm đẩy bao hộ dân rơi vào cảnh nhà tan, cửa nát vì có người nghiện.

Những năm 1993, chính quyền Pà Cò đã bắt đầu có những giải pháp để phá bỏ cây thuốc phiện trên những mảnh nương vườn của gia đình; trực tiếp đến từng hộ dân tuyên truyền về tác hại trồng cây thuốc phiện, động viên gia đình đưa người nghiện đi cai nghiện tại cộng đồng.

Cùng với đó, cán bộ địa phương đã đề xuất thành lập dòng họ tự quản về an ninh trật tự.

Có những lãnh đạo xã đã tự soạn quy ước bằng tiếng Mông, mở các hội nghị, mời những người già có uy tín trong dòng họ để thảo luận quy ước đó và đưa vào thực hiện. Mục đích là bài trừ tệ nạn ma túy, nạn tảo hôn và tệ nạn mê tín dị đoan, đối với những trường hợp manh động, cầm đầu và tham gia mua bán, sử dụng ma túy đều bị dòng họ lên án, tố cáo và bị bắt giữ. Với những đối tượng bị lôi kéo, trưởng các dòng họ sẽ vận động, tuyên truyền để những người có sự ăn năn hối cải trở về cuộc sống lương thiện.

Ban đầu, nhiều người tỏ thái độ bất hợp tác và chống đối, nhưng thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”, cán bộ đã kiên trì vận động tuyên truyền, dần dần, đồng bào đã nghe, làm theo, xóa bỏ cây thuốc phiện và thay thế các loại cây trồng khác.

Quyết tâm đổi thay

Thực hiện Chỉ thị 06 của Chính phủ về xóa bỏ cây thuốc phiện, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương cùng các già làng có uy tín trong xã Pà Cò đến từng nhà người dân tuyên truyền, vận động bà con nhổ cây thuốc phiện, xóa bỏ triệt để các tệ nạn xã hội đã đeo bám dân bản suốt nhiều năm qua.

Đồng bào dân tộc Mông ở bản Chà Đáy xây dựng hàng rào đá tạo cảnh quan cho khu dân cư kiểu mẫu. Ảnh: Minh Nguyễn

Một cán bộ của xã Pà Cò cho hay, thời điểm đến vận động bà con xóa bỏ cây thuốc phiện, các ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Do dân trí của người dân còn thấp, chưa hiểu rõ về tác hại và hệ lụy của cây thuốc phiện, một số hộ còn trồng lén lút trên cánh rừng sâu gây khó khăn cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến năm 1994 toàn bộ 670ha cây thuốc phiện trên địa bàn xã Pà Cò đã bị xóa sổ. Ngay sau đó, Đảng và Nhà nước đã đầu tư cây giống, vật nuôi như ngô, mận hậu, bò... cho bà con phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, 670ha cây thuốc phiện trước kia được thay thế bằng các nương ngô, vườn mận hậu xanh bạt ngàn.

Từ khi xóa bỏ cây thuốc phiện, đời sống của bà con dân tộc Mông xã Pà Cò đã thay đổi diện mạo mới. Pà Cò giờ là điểm tham quan thu hút khách du lịch nhiều nơi trong cả nước và cả nước ngoài. Khi sự yên bình trở lại cũng là lúc bà con dân bản nơi đây cùng chung tay xây dựng bản làng ngày một giàu đẹp hơn.

Ông Sùng A Chu, bản Chà Dáy, xã Pà Cò kể: "Trước đây do chưa hiểu biết về tác hại của cây thuốc phiện, gia đình tôi và nhiều hộ trong bản cũng trồng rất nhiều trên nương rẫy. Khi cán bộ đến vận động bỏ cây thuốc phiện, tôi cũng nhổ đi rồi. Sau đó gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ giống ngô, cây mận hậu để phát triển kinh tế, nhờ vậy mà tôi đã xây được ngôi nhà khang trang và không phải lo cái ăn cái mặc như trước kia nữa, con cái đều được ăn học đàng hoàng".

Hiện nay, đồng bào dân tộc Mông ở xã Pà Cò đã có cuộc sống khấm khá, nhiều hộ đã xây dựng những ngôi nhà khang trang, sắm sửa nhiều đồ dùng hiện đại phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Nhiều người có điện thoại di động, có thể hòa mạng, lướt web bất kỳ lúc nào, cho nên có thể dễ dàng tiếp cận với thế giới bên ngoài…

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền tới bà con nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi sẽ tham mưu cho cấp trên lồng ghép các chương trình an sinh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng ở địa phương và nói không với các tệ nạn xã hội. Đồng thời chú trọng cải thiện vệ sinh môi trường, đầu tư các công trình nước sạch, xây dựng các thiết chế văn hóa, tạo cho người dân có 1 sân chơi lành mạnh và giao lưu học hỏi lẫn nhau", lãnh đạo xã Pà Cò cho biết.

Từ trung tâm huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, vượt quãng đường đồi núi là đến xã Pà Cò. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống thung lũng Pà Cò chỉ gói gọn trong tầm mắt với trên 300 nóc nhà ngói hoặc lợp mái tôn đỏ; cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây đã đổi thay, khoác lên mình chiếc áo mới.

Có mặt ở xã Pà Cò những ngày này, người ta có cảm nhận rõ nhất niềm vui, sự phấn khởi của bà con dân tộc Mông trong những khu dân cư kiểu mẫu.

Tại bản Chà Đáy, xã Pà Cò nơi có 82 hộ (392 nhân khẩu), thực hiện xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, xóm đã tập trung phát động đến các tổ liên gia tự quản cùng phối hợp với người dân thực hiện chỉnh trang nhà cửa, nhà văn hoá, xây dựng nếp sống văn minh.

Với nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ 70 triệu đồng để mua nguyên vật liệu xây dựng, cây xanh và sự đóng góp của người dân, các hoạt động góp phần tạo cảnh quan cho khu dân cư như xây dựng hàng rào đá, trồng cây xanh, trồng hoa hai bên đường trục xóm được triển khai.

Song song với đó, các đơn vị, đoàn thể địa phương cùng phối hợp mở rộng đường, đẩy mạnh các phong trào phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Ông Sùng A Si, Trưởng bản Chà Đáy chia sẻ: “Đời sống bà con nay khác trước nhiều rồi. Đảng, Nhà nước quan tâm đã đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng cơ sở vùng nông thôn; phát triển các mô hình kinh tế giúp tăng thu nhập, nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân. Ai cũng phấn khởi, tích cực xây dựng đời sống mới”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm