Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thực trạng và giải pháp

Hồng Việt

Thứ ba, 07/09/2021 - 20:08

(Thanh tra)- Mới đây, nhóm tác giả gồm ông Bùi Tôn Hiến và các thành viên - bà Nguyễn Thị Bích Thuý, ông Nguyễn Bao Cường, ông Nguyễn Khắc Tuấn, bà Hoàng Thu Hằng (Viện Khoa học Lao động và Xã hội); bà Vũ Phương Ly (chuyên gia chương trình, UN Women Việt Nam) đã công bố “Tóm tắt các khuyến nghị chính sách: Vấn đề giới trong các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam”.

Ảnh nguồn: UN Women Việt Nam

Tài liệu này được xây dựng trong khuôn khổ hợp tác giữa Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women); Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Vụ DTTS, Ủy ban Dân tộc để thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng DTTS ở Việt Nam.

“Tóm tắt các khuyến nghị chính sách: Vấn đề giới trong các DTTS ở Việt Nam” đề cập đến nhiều vấn đề như: Các vấn đề giới trong tiếp cận các nguồn lực kinh tế và thị trường lao động của người DTTS; các vấn đề giới trong giáo dục - đào tạo; các vấn đề giới trong chăm sóc sức khỏe; bạo lực đối với phụ nữ; tảo hôn và kết hôn trẻ em; công việc chăm sóc không được trả công; cán bộ, công chức là người DTTS.

Bài viết này xin đề cập tới “Các vấn đề giới trong tiếp cận các nguồn lực kinh tế và thị trường lao động của người DTTS”.

Vấn đề giới trong tiếp cận cơ hội kinh tế của người DTTS

Phụ nữ DTTS bất lợi hơn nam giới DTTS trong tiếp cận tín dụng chính thức để phát triển sinh kế, hoạt động sản xuất - kinh doanh - dịch vụ.

Một nghiên cứu về năng lực tài chính của phụ nữ ở 27 nước cho thấy, Việt Nam đang được xếp ở nhóm cuối bảng (thứ 25 trên 27 nước). Trong thời gian qua, nhiều nguồn vốn ưu đãi đã được giành cho người dân vùng đồng bào DTTS&MN để hỗ trợ phát triển sản xuất và xóa đói giảm nghèo.

Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 cho thấy, mặc dù phụ nữ DTTS đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh - dịch vụ các sản phẩm truyền thống ở vùng DTTS&MN, tuy nhiên, tỷ lệ hộ DTTS do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2019 chỉ đạt 15,8%, thấp hơn gần 5 điểm phần trăm so với tỷ lệ tương ứng của hộ gia đình DTTS do nam giới là chủ hộ là 20,7%. Giá trị khoản vay của hộ DTTS do phụ nữ làm chủ hộ thấp hơn so với hộ gia đình DTTS do nam giới là chủ hộ. Đồng thời thấp hơn đáng kể so với mức cho vay tối đa của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Các nhóm nữ DTTS yếu thế nhất thường ít được hưởng lợi từ các thể chế tài chính vi mô do tỷ lệ thành công thấp hơn và khả năng tiếp tục duy trì các tổ nhóm tiết kiệm và tín dụng sau khi các dự án hỗ trợ kết thúc cũng thấp hơn.

Vấn đề giới trong việc làm của người DTTS

Lực lượng lao động nữ DTTS đang gặp nhiều bất lợi, là một trong những nhóm “yếu thế” trong thị trường lao động.

Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động (LLLĐ) là người DTTS có cải thiện so với năm 2015, tuy nhiên vẫn rất yếu kém. Tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên năm 2019 là 10,3% (nam 11,7% và nữ 8,9%), chưa bằng một nửa so với tỷ lệ tương ứng LLLĐ cả nước. Có tới 18/53 DTTS có tỷ lệ LLLĐ đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật dưới 5% như La Hủ 1,7% (nam 2,0% và nữ 1,4%), Xtiêng 2,1% (nam 2,8% và nữ 1,3%), Xinh Mun 2,1% (nam 2,9% và nữ 1,3%), Brâu 2,3% (nam 3% và nữ 1,5%), Ba Na 2,3% (nam 2,8% và nữ 1,9%).

Nữ DTTS có xu hướng tham gia lao động rất sớm; cơ cấu việc làm thể hiện sự bất lợi “kép” từ yếu tố dân tộc và giới tính.

Rất nhiều em gái DTTS đã làm việc như người trưởng thành từ trước khi đủ 15 tuổi. Trong khi ở độ tuổi này, phần lớn em gái người Kinh còn đang tiếp tục đi học. Tỷ lệ tham gia LLLĐ của dân số là người DTTS từ 15 tuổi trở lên là 83,3% (nam 87,2% và nữ 79,4%), cao hơn so với tỷ lệ tương ứng của cả nước là 76,2% (nam 81,1% và nữ 71,4%).

Có 9/53 DTTS có tỷ lệ tham gia LLLĐ cao, từ 90% trở lên như Cơ Lao 94,8% (nam 94,4% và nữ 95,2%), Lự 94,1% (nam 95,4% và nữ 92,8%), Cống 91,9% (nam 92,5% và nữ 91,4%). Đây cũng là các dân tộc có tỷ trọng việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp cao; người dân thường bắt đầu tham gia sản xuất nông, lâm nghiệp cùng hộ gia đình từ độ tuổi còn đang đi học THCS; đồng thời có xu hướng tiếp tục làm việc ngay cả khi đã qua độ tuổi lao động.

Lao động nữ DTTS làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương nhiều hơn so với lao động nam DTTS và lao động nữ người Kinh.

Có tới 76,4% việc làm của lao động nữ DTTS trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, cao hơn gần 6 điểm % so với lao động nam DTTS (70,5%) và cao gấp đôi so với lao động nữ cả nước (35,9%). Có 24/53 DTTS có tỷ trọng việc làm của lao động nữ trong nông, lâm nghiệp chiếm trên 90%.

Về vị thế trong việc làm, tỷ lệ lao động nữ DTTS làm các công việc “lao động gia đình không hưởng lương” là 52,0%, cao gấp gần 2 lần so với tỷ lệ này của lao động nam DTTS là 26,6% và cao gấp hơn 2,5 lần so với lao động nữ cả nước 19,4%. Đây là nhóm công việc không ổn định, điều kiện làm việc kém hơn so với việc làm ở các khu vực khác và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế bắt buộc.

Có nhiều rào cản đối với lao động nữ DTTS trong dịch chuyển việc làm ra khỏi nông - lâm nghiệp và tiếp cận công việc làm công ăn lương tại các nhà máy, doanh nghiệp tại địa phương, các khu công nghiệp trong nước hoặc đi làm việc ở nước ngoài.

Tìm việc làm bất hợp pháp ngoài biên giới là lựa chọn cuối cùng của lao động nữ DTTS yếu thế. Đối với những nhóm lao động nữ DTTS yếu thế không đáp ứng được các điều kiện tuyển dụng để làm việc trong các nhà máy, doanh nghiệp trong nước hoặc đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì tìm việc làm bất hợp pháp ngoài biên giới là lựa chọn ngày càng phổ biến. Mặc dù công việc này có thể mang lại nguồn thu nhập trước mắt cho các phụ nữ yếu thế, tuy nhiên nó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong quá trình làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài, đặc biệt là mua bán người.

Các nghiên cứu về sinh kế của hộ DTTS, vùng DTTS&MN đều chỉ ra mức độ tiếp cậnvới các cơ hội hỗ trợ phát triển sinh kế, tạo thu nhập của phụ nữ DTTS hạn chế hơn so với nam DTTS do họ phải chịu bất lợi đan xen có nguyên nhân từ yếu tố dân tộc và giới. Kinh nghiệm trong phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo, DTTS chỉ ra rằng việc xác định các chuỗi giá trị có nhiều đối tượng hưởng lợi là phụ nữ; sự tham gia của phụ nữ ở những vị trí nòng cốt trong tổ nhóm sản xuất, các hoạt động khởi sự, khởi nghiệp là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả. Tuy nhiên, sự tham gia của phụ nữ vào những vị trí nòng cốt trong các tổ nhóm sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, hay phụ nữ khởi nghiệp thường gặp nhiều khó khăn và rào cản hơn so với nam giới. Các rào cản này có thể gồm: Rào cản về tài chính, cạnh tranh, hạn chế trong di chuyển, quan hệ gia đình, thiếu đào tạo chuyên môn, thiếu khả năng đương đầu với rủi ro…

Giải pháp nào?

Từ thực trạng trên, nhóm nghiên cứu đã khuyến nghị tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ DTTS yếu thế được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ và nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế và thị trường lao động nhằm cải thiện việc làm và địa vị kinh tế của họ.

Theo đó, có 4 giải pháp được đưa ra là:

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ và nam giới DTTS về quyền bình đẳng trong sở hữu đất đai, tài sản; và tham gia vào các quyết định về kinh tế trong hộ gia đình và cộng đồng.

Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho phụ nữ DTTS có đủ kiến thức và kỹ năng để sử dụng các quyền về tài sản của mình, bảo đảm bình đẳng giới thực chất.

Thứ hai, tăng cường hỗ trợ các nhóm phụ nữ DTTS yếu thế nhất được tiếp cận và thụ hưởng bình đẳng với cộng đồng người DTTS địa phương tới các nguồn lực của Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030.

Cụ thể, cần bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Dự án «Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị»:

Quy định tỷ lệ nữ, nam DTTS tham gia vào lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và hưởng lợi từ tất cả các hoạt động của dự án 3 không dưới 30% cho mỗi giới trong giai đoạn 2021-2025 và không dưới 40% cho mỗi giới vào giai đoạn 2026-2030.

Ít nhất 30% ngân sách của 3 tiểu dự án trong dự án được dành cho các dự án, mô hình, hoạt động được đề xuất và thực hiện bởi các hộ DTTS nghèo do phụ nữ là chủ hộ, hộ do phụ nữ DTTS đơn thân là chủ hộ; và các tổ nhóm sản xuất, tổ hợp tác của phụ nữ; các hợp tác xã, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ.

Tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các nhóm phụ nữ DTTS yếu thế nhất (phụ nữ DTTS trung tuổi, không biết nói, đọc, viết tiếng phổ thông, trình độ học vấn thấp, đang nuôi con nhỏ…) về khoa học kỹ thuật, tính toán chi tiêu và sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Các khóa đào tạo/tập huấn cần đáp ứng giới, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của các nhóm phụ nữ DTTS yếu thế (đào tạo/tập huấn bằng ngôn ngữ dân tộc; đào tạo theo phương pháp kèm cặp, tăng cường thực hành tại thực địa; thời gian đào tạo dài hơn; có hỗ trợ chi phí hoặc bố trí trông con nhỏ trong thời gian đào tạo).

Nâng cao năng lực cho nữ DTTS là chủ doanh nghiệp/cơ sở sản xuất - kinh doanh - dịch vụ/hợp tác xã ở vùng DTTS&MN về trình độ ngoại ngữ, khả năng tiếp cận thông tin thị trường trong và ngoài nước.

Thứ ba, tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền và dịch vụ hỗ trợ di cư lao động an toàn và phòng chống mua bán người cho lao động nữ DTTS, bao gồm cả nhóm lao động nữ DTTS đã/có nguy cơ di cư bất hợp pháp qua biên giới.

Các hoạt động hỗ trợ như: Tư vấn định hướng nghề nghiệp; tư vấn học nghề; giới thiệu việc làm, tư vấn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ pháp lý trong quan hệ lao động; quản lý tài chính và chuyển tiền về nhà; tư vấn giải quyết khủng hoảng, khó khăn trong quá trình di cư lao động và cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân mua bán người.

Thứ tư, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ DTTS và các tổ chức đại diện của phụ nữ trong quá trình xây dựng, vận hành, quản lý - điều hành và giám sát các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm và chuyển đổi việc làm ở địa phương, vùng DTTS.

Cụ thể, căn cứ vào tình hình bất bình đẳng giới ở địa phương/vùng DTTS để quy định tỷ lệ nam - nữ DTTS tham gia vào quá trình xây dựng, vận hành, quản lý - điều hành và giám sát các chính sách, chương trình, dự án; và xây dựng mô hình thí điểm hỗ trợ nữ DTTS tham gia vào quá trình xây dựng, vận hành, quản lý - điều hành và giám sát các chính sách, chương trình, dự án. Sau quá trình triển khai mô hình thí điểm, cần tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm