Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thiếu vốn để xóa nghèo bền vững

Thứ hai, 12/09/2011 - 10:45

(Thanh tra) - Từ một xã dân tộc thiểu số và kinh tế mới với đa phần hộ dân sống trong nghèo đói, nhưng nhờ Chương trình 135 những năm 2000 - 2005, đến 2006, Lộc Nam chính thức “tuyên bố” rút khỏi danh sách hộ nghèo của tỉnh Lâm Đồng và hộ nghèo quốc gia.

Thoát nghèo, nhưng còn đó những nỗi lo

Nhìn vào khung thêu mà chị Hạnh đang thêu dở dang, thấy hình mấy con cá đang bơi, tôi đoan chắc rằng đó là bức “Du thủy” mà tôi đã từng nhìn thấy ở đâu đó tại Đà Lạt, nên hỏi: “Có phải chị nhận hàng thêu gia công cho một cơ sở nào đó ở Đà Lạt?”. Chị Hạnh thành thật: “Đúng là em chỉ nhận hàng gia công thôi. Nhưng là hàng gia công cho một cơ sở tranh thêu ở Bảo Lộc chứ không phải ở Đà Lạt”.

Nghe chị Hạnh nói thế, tôi nghĩ ngay đến việc người lao động ở đây phải trải qua đến ít nhất là hai tầng nấc trung gian. Có nghĩa, họ chỉ đủ “tầm” nhận làm hàng gia công cho tầng trung gian Bảo Lộc; và, tầng trung gian Bảo Lộc chính là “trung gian” của những cơ sở tranh thêu lớn ở Đà Lạt. Cũng có nghĩa là, chị Hạnh là người làm ra bức tranh thêu “Du thủy” ấy nhưng không bao giờ được ký tên mình vào bức tranh mà phải qua hai tầng lớp trung gian, bức tranh mới có tên “tác giả”.

Nhưng, suy cho cùng, điều đó không phải là không hợp lý. Điều quan trọng hơn trong lúc này: Xã vùng sâu Lộc Nam đã có một nghề mới mang lại thu nhập đáng kể cho một bộ phận người lao động nhưng hiện đang “tắc” về vấn đề nguồn vốn để duy trì và phát triển nghề.

Theo lời chị Hạnh, chỉ cần khoảng 50 – 70 triệu đồng là chị có thể đứng ra tổ chức cho vài mươi chị em trong xã tự làm ra sản phẩm và tự tiêu thụ sản phẩm. “Lúc này, khung dệt các loại, chị em trong xã có cả rồi. Vấn đề là, chỉ cần nguồn vốn để tự lấy nguyên liệu (vải, chỉ thêu…) làm nghề mà thôi nên thực sự là không cần nhiều. Hơn nữa, về đội ngũ thợ thêu thì bây giờ Lộc Nam có đến cả 450 – 500 chị em thạo nghề nên việc đào tạo nghề cũng không quá căng thẳng như kiểu phải bỏ vốn để tổ chức dạy nghề cho người lao động. Với cơ sở của em, chỉ cần vài chục triệu đồng để tự tổ chức nghề với khoảng hai mươi chị em phụ nữ thân quen”, chị Hạnh nói.

Như vậy, với quy mô cả xã có khoảng trên dưới 500 thợ thêu, nguồn vốn chỉ vài trăm triệu đồng như anh Nguyễn Văn Hoàn đã nói là hợp lý.

Hỏi về thu nhập, chị Hạnh bảo: “Tính trung bình, một công lao động của nghề này có thu nhập khoảng 70.000 – 80.000 đồng mỗi ngày. Điều quan trọng hơn là, người lao động làm nghề thêu hầu như tranh thủ những giờ phút rảnh rỗi trong ngày. Cho nên, với mức thu nhập như vậy là hợp lý; cho dù công lao động cà phê (đang được mùa) như lúc này lên đến trên dưới 120.000 đồng/ngày”.

“Còn về đầu ra của sản phẩm, thưa chị?” tôi hỏi tiếp. Chị Hạnh tự tin: “Em chỉ lo nguồn vốn để tự mua vải thêu, chỉ thêu… chứ không ngại vấn đề đầu ra. Sản phẩm của mấy trăm chị em làm nghề thêu ở Lộc Nam từ 1999 đến nay chưa bao giờ bị “dội hàng” cả. Từ trước đến nay, sản phẩm tranh thêu của chị em trong xã làm ra bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu!”.

Trăn trở trong… niềm vui

Nói như Chủ tịch xã Lộc Nam, anh Nguyễn Văn Hoàn: Nói đến kinh tế Lộc Nam là phải nói đến sự phát triển của nông nghiệp; nhưng khác với nhiều địa phương là, kinh tế nông nghiệp của Lộc Nam hầu như chỉ là kinh tế nông nghiệp “sang trọng”; bởi ở vùng đất này, cây công nghiệp (đặc biệt là cây cà phê) là loại cây trồng chính.

Anh Nguyễn Văn Hoàn cung cấp cho tôi những con số: Trong tổng diện tích tự nhiên 7.006 ha của xã, diện tích đất nông nghiệp chiếm đến hơn 5.142 ha; trong diện tích đất nông nghiệp, diện tích cây công nghiệp dài ngày chiếm phần lớn, có đến 3.828 ha là  cây cà phê; diện tích cây ngắn ngày (lúa, hoa màu) chỉ 52 ha. Nêu những con số này ra để thấy rằng, vị thế của cây cà phê đối với xã thuần nông Lộc Nam quan trọng như thế nào! Cùng với cả huyện, cả tỉnh, cả Tây Nguyên và cả nước, Lộc Nam vừa đi qua một vụ cà phê vui bởi vừa được mùa và vừa được giá.

Anh Hoàn nói: “Cái vui nữa là, ngoài thành quả ghép được 600 ha cà phê giống đầu dòng, nhờ đầu tư thâm canh nên năng suất cà phê của Lộc Nam cũng đã tăng từ 1,4 tấn/ha năm 2004 lên 2 tấn/ha vụ vừa rồi”. Quả thật là vui! Nhưng, đó là cách nói “trừ hao” của anh Hoàn. Chứ thực ra, theo tìm hiểu riêng của tôi, một người dân làm cà phê chuyên nghiệp ở Lộc Nam bảo rằng: “Thời buổi bây giờ, làm “cà” mà chỉ đạt 2 - 2,5 tấn trên “héc” là “yếu” lắm! Mỗi hecta cà phê Lộc Nam mùa này phải là 3 tấn. Ở vùng đất này, cà phê là thứ cây trồng rất hợp. Có nhiều hộ vụ rồi đạt 5 - 7 tấn/ha”.

Nói thế để thấy rằng, nghề thêu ren ở vùng sâu Lộc Nam không được “liệt” trong cơ cấu phát triển của địa phương. Tuy nhiên, theo lời anh Hoàn thì “Đây là một nghề quan trọng đối với vùng sâu Lộc Nam này lắm đấy!”.

Rõ là thế, nghề thêu hẳn không phải là nghề truyền thống của xã Lộc Nam nói riêng cũng như các địa phương vùng sâu khắp Tây Nguyên này nói chung. Tuy nhiên, đây là một nghề đang nuôi sống một bộ phận không nhỏ người lao động ở địa phương này, mà nói như anh Nguyễn Văn Hoàn, Chủ tịch xã, là: “Nghề này quan trọng đối với Lộc Nam lắm đấy. Vì không chỉ mang lại giá trị kinh tế đáng kể mà còn góp phần không nhỏ vào việc ổn định xã hội như giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nhất là lao động nữ dân tộc thiểu số, giúp người lao động tranh thủ được thời gian nông nhàn…”.

Rời Lộc Nam, tôi nghĩ: Chỉ vài trăm triệu đồng cho một dự án để duy trì và phát triển làng nghề thêu ren của Lộc Nam đối với tỉnh Lâm Đồng là một con số không quá lớn!


Khắc Dũng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.

Nam Dũng

14:11 15/12/2024
Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm