Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thi hành án xong 492.975 việc và hơn 28.968 tỷ đồng

Thứ tư, 08/01/2014 - 16:35

(Thanh tra) - Năm 2013, công tác tư pháp đã được triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, đã thi hành án xong 492.975 việc và về tiền hơn 28.968 tỷ đồng (tăng 24,71% về việc, 180% về tiền so với năm 2012).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết năm 2014 sẽ tập trung xây dựng Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự, khắc phục các tồn tại, hạn chế cản trở việc thi hành án. Ảnh: Thảo Nguyên

Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2014 cho thấy, Bộ Tư pháp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp Chính phủ, HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tổ chức lấy ý kiến nhân dân và tham gia đề xuất sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã có nhiều đổi mới trong quy trình, cách thức thẩm định, có đổi mới mang tính đột phá như việc tổ chức thẩm định “chùm” hơn 50 nghị định về xử lý vi phạm hành chính thông qua cơ chế hội đồng với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, tạo được chuyển biến tích cực về chất lượng thẩm định. 

Trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc đơn giản hoá 4.016/4.714 thủ tục hành chính đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 Nghị quyết chuyên đề (đạt 85%).

Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã xây dựng, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 và đang tích cực triển khai thực hiện. 

Công tác rà soát, phân loại án đã có chuyển biến tích cực với tỷ lệ án có điều kiện thi hành về việc là 77,81%, về tiền là 56,1%. Kết quả thi hành án xong về việc và về tiền tăng cao hơn nhiều so với các năm trước (tăng 24,71% về việc, 180% về tiền so với năm 2012). Một số địa phương đạt kết quả thi hành án tốt như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Sơn La, Đắk Lắk... 

Việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài trong thi hành án dân sự được tập trung chỉ đạo thực hiện (đã giải quyết được 41/54 vụ việc, trong đó có những vụ việc rất phức tạp, kéo dài trong nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm như: Vụ bà Nga, ông Học (ở Quảng Ngãi), vụ ông Bạch Ngọc Giáp (ở Hà Nội), vụ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Nam (ở Cần Thơ)...).

Kết quả giải quyết bồi thường đã có chuyển biến tích cực, các cơ quan đã thụ lý 82 đơn yêu cầu bồi thường; đã giải quyết xong 37/82 vụ việc trong cả 3 lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án, với số tiền Nhà nước phải bồi thường hơn 38,4 tỷ đồng (tăng gần 5 lần số tiền bồi thường trung bình 3 năm trước đây)...

Ngoài ra, các bộ, cơ quan và các tỉnh, thành phố cũng tiếp nhận kiểm tra theo thẩm quyền 41.549 VBQPPL, phát hiện, 8.051 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp pháp, trong đó có 1.361 VBQPPL có dấu hiệu vi phạm về nội dung. 

Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa được giải quyết dứt điểm, đặc biệt là tình trạng chậm ban hành, nợ đọng thông tư, thông tư liên tịch chiếm tỷ lệ cao. Chỉ tính các văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao theo các luật, pháp lệnh được ban hành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII đến hết tháng 7/2013 đến nay còn nợ 34/54 văn bản, chiếm 62,69%.

Công tác kiểm soát thủ tục hành chính ở một số địa phương có dấu hiệu "chùng xuống". Việc thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính quy định tại 25 nghị quyết của Chính phủ chưa được giải quyết dứt điểm.

Bên cạnh đó, dù số việc và tiền đã thi hành án xong tăng cao nhưng chưa đạt chỉ tiêu thi hành án do Quốc hội giao. Tình trạng án, việc tồn đọng, chuyển sang kỳ sau còn nhiều (239.144 việc và trên 41.597 tỷ đồng). 

Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự còn chưa nghiêm; vẫn còn tình trạng chấp hành viên, cán bộ làm công tác thi hành án dân sự vi phạm trình tự, thủ tục thi hành án; một số trường hợp có biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu với đương sự, bị xử lý kỷ luật (58 trường hợp, trong đó có 10 cán bộ Lãnh đạo cấp Cục), một số trường hợp bị xử lý hình sự....

Năm 2014, Bộ Tư pháp xác định là năm “thể chế”, cần tập trung cao cho việc xây dựng, sửa đổi các luật để thực hiện Hiến pháp; đồng thời rà soát, công bố kịp thời các thủ tục hành chính mới hoặc đã được sửa đổi, bổ sung, bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng thủ tục hành chính trong toàn quốc, đặc biệt là tiếp tục đơn giản hoá thủ tục liên quan đến gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp, đơn giản hoá thủ tục hành chính trong việc thực hiện các dự án luật đầu tư, nhất là đối với các dự án có sử dụng đất. 

Cùng với đó, tập trung xây dựng Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự, khắc phục các tồn tại, hạn chế cản trở việc thi hành án. Đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm các vụ việc thi hành án dân sự có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ, giảm nợ xấu và mở rộng tín dụng; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự để bảo vệ quyền chủ nợ của tổ chức tín dụng. 

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm