Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tạo sân chơi bình đẳng cho mọi hoạt động lao động

Thứ ba, 21/05/2019 - 16:15

(Thanh tra)- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, đến nay, hệ thống luật pháp, chính sách lao động, việc làm và phát triển kỹ năng đã được thiết kế, bổ sung, sửa đổi phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích của người lao động, thúc đẩy công bằng xã hội.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Hệ thống pháp luật chưa đầy đủ

Các chính sách lao động, việc làm và phát triển kỹ năng đã phát huy tác dụng, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, giảm thất nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân và thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc xây dựng và thực thi các chính sách lao động, việc làm và phát triển kỹ năng trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, hệ thống luật pháp chính sách chưa đầy đủ, một số không phù hợp với thực tiễn, song chậm được điều chỉnh. Bên cạnh đó, thị trường lao động hoạt động kém hiệu quả ở nhiều khâu: thông tin, dự báo, kết nối cung cầu, xác định tiền lương, dịch vụ việc làm... Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, không như kỳ vọng, việc sử dụng còn nhiều bất cập; hiệu suất và năng suất thấp; chưa tận dụng được lợi thế thời kỳ dân số vàng...

Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức mới, to lớn có tính thời đại như: Già hóa dân số sẽ làm thu hẹp quy mô lực lượng lao động, thay đổi cơ cấu việc làm. Theo dự báo đến năm 2035, số người trên 60 tuổi chiếm trên 20% dân số). Trong khi đó, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra những vấn đề mới về xác định vị thế của  người lao động, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Mặt khác, quá trình hội nhập quốc tế sẽ đặt ra những vấn đề mới về tiêu chuẩn lao động, tiêu chuẩn nghề nghiệp, quan hệ lao động, tự do dịch chuyển lao động; nguy cơ tụt lại phía sau của các nhóm yếu thế.l.. Tình trạng đô thị hóa diễn ra nhanh, di cư lao động ồ ạt hơn trong khi phát triển hạ tầng xã hội không theo kịp, quản lý xã hội và nhiều vấn đề xã hội phát sinh.

Không những thế, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm hàng chục triệu người bị mất sinh kế, mất việc làm… Những vấn đề này đặt ra yêu cầu về y tế và chăm sóc dài hạn, việc làm cho người cao tuổi, an ninh thu nhập cho người cao tuổi.

Ông Axel Neubert, Trưởng đại diện Văn phòng HSF (Tổ chức Hanns Seidel Foundation - Cộng hòa Liên bang Đức) tại Việt Nam cho biết, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập công nghệ 4.0 đã đem lại nhiều lợi ích nhưng đồng thời cũng có hệ lụy ảnh hưởng tới lực lượng lao động của Việt Nam. Trong 55 triệu lao động có tới 75% người không có trình độ hoặc có chất lượng làm việc thấp, dễ bị thay thế bởi máy móc, đặc biệt trong khu vực phi chính thức. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nếu không tìm được những giải pháp cải thiện phù hợp.

Phải thực sự vì người lao động

Báo cáo tổng quan về chính sách lao động việc làm và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2018 của Viện Khoa học xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho thấy, từ năm 2011 đến năm 2018, lực lượng lao động tăng từ 51,7 triệu người lên khoảng 55,4 triệu người (tăng 1%/năm, tốc độ tăng đã giảm dần do tác động của già hóa dân số). Việc làm tăng từ 50,7 triệu người năm 2011 lên 54,2 triệu người năm 2018 (tăng 1,1%/năm); Tỷ lệ thiếu việc làm giảm từ 5,48% năm 2011 xuống 1,46% năm 2018. Tỷ trọng lao động trong nông nghiệp giảm từ 48,3% năm 2011 xuống còn 38,1% năm 2018. Tỷ lệ lao động làm công hưởng lương tăng từ 35% năm 2011 lên khoảng 45% năm 2018.

Hàng năm, tiền lương cơ sở được điều chỉnh với mức tăng khoảng 10%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 9,45% năm 2011 lên 22,22% năm 2018…

Theo ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội, để vượt qua các thách thức và tận dụng tốt nhất các cơ hội mới, chính sách lao đông việc làm trong thời gian tới cần tập trung vào xây dựng các thể chế, chính sách. Chú trọng việc hoàn thiện thể chế thị trường lao động, mở rộng diện bao phủ và hiệu lực ra khu vực phi chính thức và khu vực nông nghiệp; các chính sách hỗ trợ, tạo việc làm và an sinh xã hội cho các nhóm lao động yếu thế và dễ bị tổn thương. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động lớn tuổi; xây dựng chương trình việc làm cho người cao tuổi. Phát triển hệ thống thị trường lao động để gắn kết đào tạo và sử dụng lao động; nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động…

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, việc xác định các định hướng chiến lược, mục tiêu nhiệm vụ cho giai đoạn 2011-2030 cần dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn, phân tích bối cảnh mới, các yếu tố tác động và đặt trong mối quan hệ với các mục tiêu kinh tế-xã hội khác.

Các chính sách lao động, việc làm và phát triển kỹ năng phải đặt con người là trung tâm, thực sự vì người lao động bất kể họ là ai và đang làm ở đâu. Yêu cầu đặt ra cho 10 năm tới là phải hoàn thiện thể chế thị trường lao động. Đảm bảo thị trường lao động được vận hành đầy đủ theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường, theo quy luật cung cầu để lao động xã hội được phân bố và sử dụng hiệu quả.

“Muốn vậy, pháp luật về lao động phải là sân chơi bình đẳng, loại bỏ các rào cản cho mọi hoạt động lao động. Chính sách lao động việc làm và phát triển kỹ năng cũng phải được thiết kế theo hướng bao trùm, để không ai bị bỏ lại phía sau, tăng cường công bằng xã hội và phát triển bền vững quyền của người dân và của người lao động phải được tôn trọng và đảm bảo trong thực tế”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm