Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sao không ăn chay ở chùa Hương

Chủ nhật, 16/03/2014 - 09:17

(Thanh tra) - Với suối Yến mộng mơ, với những mái đền, mái chùa thâm nâu ẩn hiện hư ảo giữa ngàn trùng núi non nhấp nhô; với những nẻo đường leo dốc đủ mệt cho các phật tử thành tâm “hành xác”; với những hang động ẩn trong lòng núi ẩm ướt, mà ngỡ như ở trên xứ nhà Trời... quả là chốn bồng lai tiên cảnh. Ấy vậy mà ở chính nơi này, muốn tìm một quán ăn chay lại cực khó.

Suối Yến mùa lễ hội.

“Nam thiên đệ nhất động” 

Mấy trăm năm trước, cảm tác trước phong cảnh hữu tình của vùng đất Hương Sơn, chúa Trịnh Sâm đã cho người tạc vào đá núi: “Nam thiên đệ nhất động”. Đến hôm nay, cảnh quan Hương Sơn đã đẹp hơn nhiều, mang màu sắc của một thủ phủ đất Phật ở thời hiện đại. Người đến với chùa Hương là những phật tử hoặc là những người đi vãn cảnh chùa. Cả hai đều có chung một mục tiêu là được tận hưởng cái không gian khoáng đạt, trong trẻo, tránh xa sự chen lấn xô bồ để tâm hồn được thư thái nhẹ nhàng. Trong cả năm, không ngày nào là không có người lên chùa Hương, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến rằm tháng Ba âm lịch. Khoảng thời gian này có đến 3 vạn người mỗi ngày lên động Hương Tích. Để tạo điều kiện cho khách hành hương về đất Phật, trước đây, chỉ có ba cổng vào khu vực Hương Sơn, đó là cổng Hội Xá, cổng Đục Khê và cổng Tiên Mai. Mới đây, huyện Mỹ Đức đã mở thêm cổng Hang Vò (từ phía tỉnh Hà Nam đi lên). Lễ hội năm nay, có đến 5.000 con đò được phép đưa khách trên suối Yến. Hệ thống cáp treo được sử dụng từ vài năm nay, tuy thuận tiện, nhưng nhiều phật tử lại thích “hành xác” bằng con đường leo núi cho thấm đẫm chất Phật.

Quá ít nhà hàng ăn chay

Lễ hội chùa Hương được đánh giá là lễ hội lớn nhất miền Bắc cả về quy mô lẫn số lượng khách tham gia. Điều khác biệt giữa chùa Hương với các đền chùa khác trong cả nước là quãng đường từ Bến Đục đi lên động chính rồi trở ra, vào ngày ít khách cũng phải đi mất hơn một buổi. Nếu ngày đông khách có thể mất đến hai ngày. Điều đó chứng tỏ ít nhất khách đến chùa Hương cũng phải ăn một bữa trên đất Phật. Khách hành hương có thể mang đồ ăn đi theo hoặc ăn tại các nhà hàng, song, có điều ăn uống trên đất Phật thế nào để lòng mình được thảnh thơi, chay tịnh. Xuống đò, đặt chân đi bộ lên chùa Thiên Trù, khách hành hương như được đi qua một hội chợ xô bồ về các hàng văn hóa phẩm tín ngưỡng rồi lại phải qua một phố ẩm thực nóng sốt có phần… man dại! Tại sao trên đất Phật không bán đồ ăn chay mà lại kinh doanh hàng đặc sản như: Nhím, chồn, cầy, hươu, nai,... Một phật tử người Ấn Độ đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu về Phật giáo ở Việt Nam băn khoăn trao đổi với tôi rằng: Tết là dịp người Việt được ăn uống thỏa thuê. Đây là thời điểm con người bị dư thừa về năng lượng. Thế tại sao không chọn ăn chay để giải phóng sự dư thừa và đỡ bệnh tật? Ngay cả thời điểm ngoài Tết, trong một tháng có tới 28 ngày ăn thịt cá, một ngày ăn chay thì cũng không thể thiếu thành phần bổ dưỡng, thiếu năng lượng cho một chuyến đi về đất Phật. Vấn đề cơ bản là nhận thức ở mỗi người: Ăn gì, uống gì trong hoàn cảnh nào để phù hợp. Sao không ăn chay ở chùa Hương? Đến đất Phật mà chỉ cầu xin ước gì được nấy thì rõ ràng người đó cũng chưa thành tâm! Hãy xin những cái vì mình, vì mọi người vì sự hướng thiện. Còn đến với chùa nào, dù xa hay gần thì vẫn nên nhớ rằng, trong người mình có một ngôi chùa chính tâm. Vị phật tử nước ngoài này nói đúng, “thiện căn ở tại lòng ta” (Nguyễn Du). 

Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương đã chia sẻ: “Không riêng tôi mà rất nhiều các vị tăng ni, phật tử mong muốn du khách thập phương hành hương về danh lam thắng cảnh, di tích đền chùa nên ăn chay khi đến cửa Phật. Ăn chay là một nghĩa cử đẹp, chỉ cần ăn chay 2 ngày trong một tháng, không nhất thiết phải ăn chay trường. Khi đó, tự khắc những hình ảnh xấu sẽ dần dần biến mất”. 

Đợt kiểm tra vừa qua của đoàn thanh tra liên ngành cho thấy, ở khu vực Thiên Trù có tới 47 nhà hàng ăn mà không có một nhà hàng ăn chay. Ở chùa Hương, số lượng nhà hàng ăn chay thật hiếm, tìm mãi chúng tôi mới thấy nhà hàng cơm chay Thủy Tiên nằm trên khu vực chùa Tiên Sơn.

Tìm đến một số nhà hàng ăn chay ở Hà Nội, đưa câu hỏi: Tại sao gia chủ không mở một chi nhánh cửa hàng ăn chay trên đất chùa Hương? Nhiều gia chủ cho biết, việc xin cấp phép kinh doanh, thực ra không khó, nhưng cái khó là ở chỗ kinh doanh sợ không có lãi, vì lý do đơn giản: Nguyên liệu làm đồ chay rẻ, chi phí nấu nướng cũng không mất nhiều cho nên không thể bán giá cao gấp hàng chục lần để kiếm lời. Các nhà hàng trên đó kinh doanh thịt đặc sản, nguyên liệu mua vào giá hàng trăm nghìn/kg. Khi bán ra trên mỗi đĩa giá lãi gấp đôi, gấp ba. Còn bán hàng chay không thể có giá một đĩa lên tới hàng trăm ngàn, doanh thu không thể cao được. Đó là lý do những người kinh doanh cơm chay chẳng mấy mặn mà gì trèo đèo lội suối để mở quán ăn chay tại chùa Hương. Điều cơ bản nữa, dân ta chưa có thói quen ăn chay trên đất Phật. Những người không thích phàm tục trên đất Phật thì họ thường mang theo xôi, bánh, hoa quả, nước tinh khiết để điểm tâm. Những người đến đất Phật đánh chén no nê đặc sản núi rừng thường là những người đi vãn cảnh chùa.

Vậy làm thế nào để đất Phật chùa Hương thấm đẫm mùi thiền và màu thiền? Nên chăng UBND huyện Mỹ Đức khuyến khích nhiều người mở quán ăn chay trên đất Phật, giảm mức thuế đến mức thấp nhất cho họ, đồng thời, dần dần phải loại bỏ các quán ăn có sử dụng thịt động vật quý hiếm hoặc động vật chăn thả có nguồn gốc từ rừng để tiến tới một miền đất Phật không có sát sinh.

Thế Lữ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024
Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.

Trần Kiên

20:41 11/12/2024

Tin mới nhất