Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phó Bí thư tỉnh Hoà Bình: Chưa thể nói xử hay không xử hình sự Công ty Nước sạch sông Đà

Thứ ba, 22/10/2019 - 13:16

(Thanh tra) – Bên hành lang Quốc hội ngày 22/10, ông Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hòa Bình trao đổi với phóng viên xung quanh vụ việc đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà.

Ông Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình. Ảnh: HG

Theo ông Ninh, thông tin báo cáo của Công an tỉnh ông nắm được, đến nay, cơ quan Công an vẫn đang tạm giữ hình sự đối với Lý Đình Vũ, Nguyễn Chương Đại (sinh năm 1994, trú tại tỉnh Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám là nghi phạm đổ dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà.

"Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang tiếp tục điều tra, làm rõ", Phó Bí thư Thường trực tỉnh Hoà Bình thông tin.

Vậy có xử lý trách nhiệm hình sự Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà hay không? Theo ông Ninh, sẽ do cơ quan điều tra xác định.

"Bây giờ đã khởi tố vụ án rồi nên phải do bên điều tra xác định chứ không thể nói hình sự hay không hình sự", Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nói và nhấn mạnh, sự việc xảy ra mức độ nghiêm trọng như vậy thì phải xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm về sau để đảm bảo nguồn nước.

Với câu hỏi mới có một xe tải dầu đã gây khủng hoảng rất lớn, vậy cần phải làm gì để bảo vệ nguồn nước? Ông Ninh cho rằng, phải nâng cao hơn trách nhiệm của nhà máy.

“Khu vực đó rất lớn, khoảng 16km2. Lắp camera, rải lực lượng công an cũng không có đủ người. Cho nên, phải kiểm soát thường xuyên. Nhà máy dùng nguyên liệu đầu vào bao nhiêu thì phải kiểm soát”, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình nêu quan điểm và nhấn mạnh, tất cả hoạt động trên lưu vực nguồn nước đều phải bảo đảm đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo, đại diện của Công ty Nước sạch sông Đà chưa xin lỗi mà cho rằng, sau khi có kết luận cuối cùng sẽ xin lỗi, thậm chí, nói mình là nạn nhân chịu thiệt hại lớn... Về vấn đề này, theo ông Ninh, đã cung cấp nước sạch thì phải bảo đảm chất lượng nước cho người dân.

“Khi chưa đảm bảo chất lượng, trước hết, công ty phải nhận trách nhiệm là người cung cấp nước cho người dân. Công ty nói thực chất số liệu vẫn đảm bảo nhưng người dân phản ánh nước có mùi khét thì phải chịu trách nhiệm”, ông Ninh nói.

Phó Bí thư Thường trực tỉnh Hoà Bình cũng cho biết, ông đã gặp ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà.

“Anh Tốn nói rất băn khoăn bởi tất cả thông số đều không có gì nên mới không dừng cấp nước nhưng người dân phản ánh nước có mùi khét rất ghê. Chính tôi đến điểm bên ngoài nhà máy cũng đã thấy mùi khét ngay”, ông Ninh nói.

Trước thông tin cho rằng, chính quyền vào cuộc chậm, lúng túng, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Hoà Bình cho hay, khi nhận được thông tin, cán bộ huyện, tỉnh đã đi xác định.

Ông Ninh cũng cho biết, tỉnh đang có hướng đề nghị làm sao nhà máy phải lấy nước mặt sông Đà là chính để sản xuất nước sạch sinh hoạt cho người dân.

“Nhà máy phải bơm nước từ sông Đà lên và có bể chứa, sau đó mới đưa vào sản xuất và chuyển về Hà Nội”, ông Ninh nói và cho biết, hiện tại hồ Đầm Bài với 16 km2 (nơi nhà máy nước đang lấy nước để sản xuất) nên khi mưa nước lưu vực xuống nhiều.

Từ vụ nước sạch Sông Đà cho thấy hệ thống pháp luật đang có “lỗ hổng”

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cũng nhấn mạnh, hiện đang có nghịch lý là người dân trả tiền nước sạch nhưng lại phải sử dụng nước chưa đảm bảo theo đúng tiêu chí về điều kiện nước sạch.

"Vụ việc nước sạch Sông Đà bị ô nhiễm vừa qua cho thấy hiện nay hệ thống pháp luật của chúng ta đang có sơ hở và lỗ hổng trong quy định về đảm bảo an ninh nguồn nước", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nói.

Theo ông, sự việc không phải là an ninh quốc gia mà là an ninh phi truyền thống, tương đương với an ninh lương thực, an ninh năng lượng và liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Chính vì thế, về luật, các văn bản dưới luật và việc tổ chức thực hiện các quy định phải làm sao để đảm bảo tránh được những vụ việc như vừa rồi đã xảy ra.

Cùng với đó, cần phải quan tâm thoả đáng đến việc có thể có những hành động mang tính chất phá hoại, gây mất ổn định trong sinh hoạt thường ngày của người dân, từ đó gây bức xúc, mất trật tự an toàn xã hội.

"Ví dụ như vừa rồi, xung quanh vụ việc hệ thống nước sạch Sông Đà ngừng hoạt động thì TP Hà Nội đã giao cho một số cơ quan chức năng, một số doanh nghiệp tổ chức cấp phát nước miễn phí cho bà con. Nhưng rõ ràng việc cung ứng nước không đảm bảo đủ về số lượng, không đảm bảo về thời gian, chất lượng... nên gây bức xúc cho người dân thời gian qua", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nêu và cho rằng, cần phải xem xét việc bổ sung một số quy định liên quan đến quản lý hoạt động sản xuất và cung ứng nước sạch để đảm bảo làm sao chất lượng nước thực sự đảm bảo theo quy định.


Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.

Nam Dũng

14:11 15/12/2024
Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm