Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát triển ngân hàng số: "Không để quy định đuổi theo công nghệ"

Theo Thúy Hà (Vietnam+)

Thứ năm, 21/05/2020 - 22:33

Ngân hàng rất khác nhiều ngành kinh tế khác trong thời đại công nghệ số hiện nay, nếu không làm nhanh thì khách hàng sẽ ra đi.

Toàn cảnh tọa đàm trực tuyến về ngân hàng số và thanh toán điện tử. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Sau đại dịch COVID-19, nước ta có rất nhiều việc phải làm, đó là tái cấu trúc nền kinh tế, số hóa và quốc tế hóa. Đây là những yêu cầu quan trọng, là đường ray phát triển công nghiệp của chúng ta, giúp phát triển bền vững cho nền kinh tế và doanh nghiệp.”

Đó là nhận định của Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại toạ đàm trực tuyến với chủ đề: “Ngân hàng số và thanh toán điện tử-gợi mở từ khủng hoảng COVID-19” do VCCI tổ chức ngày 21/5 tại Hà Nội.

Đã có sự dịch chuyển khách hàng

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc-Chủ tịch VCCI, cho biết Việt Nam hiện đã có 70 tổ chức tín dụng và các đơn vị trung gian thanh toán như ví điện tử đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua Internet, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng và 300.000 tỷ đồng giao dịch qua điện thoại di động. Những con số này bước đầu có ý nghĩa, tuy nhiên nếu so với quy mô của nền kinh tế, lượng giao dịch như vậy là nhỏ.

Cũng theo ông Lộc, nếu so với mô hình ngân hàng truyền thống thì ngân hàng số và ví điện tử có nhiều điểm khác biệt và có lợi thế cạnh tranh so với mô hình truyền thống. Tất cả các kênh giao tiếp với khách hàng được thực hiện trực tuyến thông qua các thiết bị di động với một giao diện phong phú, trực quan và gắn kết, tạo sự gắn bó với khách hàng.

Còn theo ông Phạm Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước, thanh toán điện tử đang duy trì tăng trưởng tốt trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong dịch COVID-19.

Ông Dũng cho biết tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng về Mobile Banking tới 200%. Thống kê hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày.

Vị lãnh đạo Vụ thanh toán cũng chia sẻ Mobile Banking của Việt Nam không hề thua kém Mỹ. Và để làm được điều đó, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng được hạ tầng thanh toán rất tốt và trong năm nay tiếp tục nâng cấp cho hệ thống này.

Tuy nhiên, sự thay đổi quá nhanh của công nghệ cũng khiến các quy định, thể chế không theo kịp.

"Chúng ta mất một vài năm để ra đời một Nghị định, trong khi đó công nghệ luôn phát triển, thậm chí chỉ sau 2-3 tháng lại có một loại hình mới," ông Dũng nói.

Chẳng hạn P2P Lending (cho vay ngang hàng) đang tồn tại nhưng chưa có bất kỳ một quy định điều chỉnh về điều này, hay Mobile Money cũng vậy đang trình Thủ tướng nhưng thực tế chưa có văn bản nào quy định về mô hình này. Do đó, phải thí điểm, xây dựng, đúc kết kinh nghiệm, từ thực tiễn để xây dựng pháp lý.

“Ngân hàng rất khác nhiều ngành kinh tế khác trong thời đại công nghệ số hiện nay, nếu không làm nhanh thì khách hàng sẽ ra đi. Năm vừa rồi đã có một sự dịch chuyển khách hàng từ một số ngân hàng này sang ngân hàng khác vì dịch vụ rẻ hơn, tiện lợi hơn,” ông Dũng nhấn mạnh.

Là một trong những ngân hàng tập trung đầu tư công nghệ phục vụ khách hàng, ông Nguyễn Chiến Thắng- Giám đốc Ngân hàng số BIDV, cho biết để đạt được những thành công của ngày hôm nay, ngân hàng đã có sự chuẩn bị từ năm 2014 bằng việc thành lập tổ nghiên cứu khả năng ứng dụng ngân hàng trên thiết bị di động, dành thời gian để tìm hiểu các ngân hàng có hệ thống phát triển ngân hàng số đã thành công trên thế giới.

Trong chiến lược năm 2020, phát triển ngân hàng đến 2025 tầm nhìn 2030, BIDV xác định công nghệ và ngân hàng số là một trong 3 trụ cột trong chiến lược phát triển chính của ngân hàng.

Cũng theo ông Thắng, trong đợt dịch bệnh COVID-19 vừa qua, các dịch vụ trên smartbanking tăng trưởng lớn. Trong đó khách hàng có thể sử dụng đến 1.300 loại giao dịch thanh toán, chiếm 85% tổng giao dịch các kênh điện tử của BIDV, xử lý bình quân 15,5 triệu giao dịch/tháng với tổng giá trị 11.000 tỷ đồng. BIDV cũng đã tích hợp VinID với hạng mục “đi chợ online” để tăng tiện ích cho khách hàng…

 Hiện nhiều khách hàng đã bắt đầu quen với việc mua sắm online. (Ảnh: CTV)

Thay đổi thói quen tiêu dùng

Phân tích những vấn đề đặt ra với sự phát triển của thanh toán điện tử, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng trong xu hướng phát triển ngân hàng số toàn cầu, có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta chậm, cần “chạy” nhanh hơn.

“Theo tôi, đúng là chúng ta chậm, nhưng chậm mà chắc, đừng nôn nóng. Hạ tầng công nghệ của chúng ta còn yếu, hoạt động lừa đảo, gian lận vẫn đang hoành hành mà chúng ta chưa kiểm soát được, do đó đừng vội vã,” ông Hiếu đưa ra lời khuyên.

Ông Hiếu cho biết hiện có 40% người dân không có tài khoản ngân hàng, do đó, để kêu gọi khách hàng sử dụng hệ thống thanh toán quốc gia thì phải kích thích họ dùng ví điện tử.

“Đối với ví điện tử, không có điều kiện bảo đảm cho người dùng, bởi tiền của họ có thể được sử dụng cho mục đích đầu tư khi hiện nay có hình thức đầu tư qua đêm và hình thức đầu tư trong ngày,” ông Hiếu cho hay và cảnh báo đây cũng có thể là rủi ro cho người dùng.

“Nếu chúng ta kiểm soát được điều này với chế tài chặt chẽ và công nghệ cao thì sẽ phát triển lành mạnh được loại hình ví điện tử,” ông Hiếu nhấn mạnh.

Để thúc đẩy kinh tế số, Vụ trưởng Vụ thanh toán cho rằng, có 2 điểm cần lưu ý với các ngân hàng.

Thứ nhất, phải làm thế nào để nhanh nhất đưa những người sử dụng thông thường trở thành khách hàng của ngân hàng.

"Với mùa dịch COVID-19 vừa qua, chúng tôi phải xây dựng quy định về mở tài khoản bằng phương pháp xác nhận điện tử, tạo điều kiện cho khách hàng mở tài khoản," ông Dũng thông tin.

Thứ hai, câu chuyện quan trọng hơn là khách hàng có được thoả mãn với những sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng cung cấp.

“Nếu theo dõi, chúng ta sẽ thấy, trước dịch COVID-19, hầu như các chương trình Mobile Banking của các ngân hàng không có dịch vụ đi chợ, nhưng trong COVID-19 thì đã xuất hiện. Sự kết nối hệ sinh thái là câu chuyện lớn cần phải làm, để khách hàng có thể sử dụng nhiều dịch vụ trên ngân hàng số,” ông Dũng chia sẻ.

Các ngân hàng đã xem ngân hàng số là chiến lược kinh doanh, chứ không còn là dự án công nghệ thông tin. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận được sức nóng khi một số nước lân cận cũng đã cấp phép ngân hàng số.

Tuy nhiên theo ông Dũng, rào cản lớn nhất là thói quen, do đó, vẫn cần cú hích lớn để thay đổi thói quen người dùng. Tác động cần thiết ở đây là tăng cường chất lượng dịch vụ, hướng dẫn đào tạo, thực hiện cài đặt và sử dụng dịch vụ mobile banking thật đơn giản để thay đổi thói quen người dùng.

Ông Dũng khẳng định các ngân hàng cần xây dựng được hệ sinh thái thông minh. Ví dụ như câu chuyện mà ngành điện lực đang làm là xây dựng hệ thống kết nối với ngân hàng để khách hàng thực hiện giao dịch điện tử.

Bên cạnh đó, trong ngân hàng số và thanh toán số không thể không nhắc tới quan hệ hợp tác-ngân hàng-Fintech. Hiện có tới 81% tổ chức tín dụng lựa chọn mô hình hợp tác giữa Ngân hàng-Fintech để cùng phát triển.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm