Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nơi hướng thiện cho những người lầm lỡ

Thứ năm, 10/10/2013 - 07:29

(Thanh tra)- Bằng tấm lòng chân thành, sự cảm thông sâu sắc và trách nhiệm, nhiều cán bộ quản giáo Trại giam Thanh Xuân đã khơi dậy được “mầm thiện” trong sâu thẳm tâm hồn những người một thời lầm lỗi, hướng cho họ nhận thức, suy nghĩ và hành động theo đạo lý và tinh thần “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, tự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm trong cải tạo để sớm được trở về với cuộc sống. Đó cũng là sự mong muốn và mục tiêu phấn đấu của từng cán bộ quản giáo của Trại giam Thanh Xuân hôm nay.

Phân xưởng may mặc trong trại giam Thanh Xuân. Ảnh: H.P.Long

Trung tướng Cao Ngọc Oánh, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII), Bộ Công an giới thiệu với chúng tôi: “Đây là một đơn vị điển hình tiên tiến, nhiều năm liền được công nhận là “Đơn vị Quyết thắng”, là tấm gương tiêu biểu được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới” và nhiều phần thưởng cao quý khác như: Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Bảo vệ Tổ Quốc hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Ba…”.

Nơi đây là điểm sáng trong ngành, một đơn vị điển hình về nhiều mặt: Từ đội ngũ cán bộ quản giáo cho đến các phạm nhân đang được lao động, học tập và cải tạo tại đây, các mặt hoạt động đã đi vào nền nếp ổn định, vững chắc từ nhiều năm nay. Có được những thành quả trên là do sự nỗ lực phấn đấu, luôn chủ động sáng tạo, khắc phục vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ của liên tục nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ qua các thời kỳ, từng được công tác và cống hiến tại đây.

Điểm nổi bật ở Trại giam Thanh Xuân là tình người được coi trọng hàng đầu, sự gần gũi, thân thiện như những môi trường giáo dục, đào tạo. Các phạm nhân đều gọi cán bộ quản giáo là “thầy”, “cô” và xưng “em” rất tự nhiên. Đây thực sự là "trường học" khơi dậy những “mầm thiện” và trang bị lại ý thức pháp luật, nền tảng đạo đức cho những học viên chưa thuộc bài đạo lý, tình đời nên lầm lạc, cần được hướng thiện và tìm lại niềm tin trong cuộc sống.

Trao đổi với chúng tôi, Giám thị Hoàng Văn Hiệp bày tỏ: “Họ chỉ vì hoàn cảnh đưa đẩy, có khi là bột phát, nhất thời. Vì thế, anh chị em cán bộ quản giáo đều thống nhất quan điểm là cần cảm thông, giúp đỡ, chia sẻ cùng họ, từng bước cảm hóa, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh về tư tưởng, tình cảm để họ quyết tâm cải tạo, giành lấy những cơ hội được giảm án, đặc xá, sớm được trở về với gia đình, xã hội. Nhiều người như ở tận Cao Bằng, Hà Giang, Khánh Hòa… hay các phạm nhân người Ba Lan, Canada, Nigeria… sau khi ra trại đã viết thư, gọi điện thăm hỏi đến Ban Giám thị trại và các cán bộ quản giáo, cảm ơn tấm lòng các cán bộ quản giáo trong thời gian được thụ án tại đây. Chúng tôi thực sự cảm động và rất vui trước những kết quả của công tác cảm hóa đã đạt được trong thời gian vừa qua”.Khu nhà ở phạm nhân. Ảnh: H.P.Long

Tham quan nơi ở, sinh hoạt và lao động của phạm nhân, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy sự ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ mà ít nơi có được. Các phạm nhân đang tập trung làm việc, song vẫn luôn nở nụ cười và chào chúng tôi. 

Mặc dù các điều kiện về cơ sở vật chất còn khiêm tốn, phạm nhân ngày càng đông, nhưng Ban Giám thị đã biết phát huy mọi lợi thế về nội lực, tích cực khai thác các tiềm năng sẵn có, chủ động, quyết tâm vượt qua mọi trở ngại để tiến lên. Các sản phẩm lao động tạo ra có thu nhập lại được đầu tư nâng cấp nhà ở, các công trình trong toàn trại, cải thiện mức sống hằng ngày và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phạm nhân.

Điểm mạnh ở đây là tình đoàn kết, gắn bó, luôn có sự thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động của đội ngũ cán bộ quản giáo. Vốn kinh nghiệm quý báu và ngọn lửa nhiệt huyết được truyền lại từ các thế hệ đi trước cho đến nay. Các cán bộ quản giáo không chỉ là người thầy mà còn là những nhà tâm lý, các bác sĩ tận tình chữa bệnh tâm hồn cho những người lầm lỗi. Trong phân xưởng may mặc tại trại giam Thanh Xuân. Ảnh: H.P.Long

Nghề này cũng có sự nối tiếp, truyền đạt kinh nghiệm qua các thế hệ. Nhiều quản giáo xuất sắc hôm nay là con em của các cựu cán bộ quản giáo năm xưa. Đây thực sự là kho báu kinh nghiệm, là vốn quý giá cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và ngành Công an. 

“Lớp cha trước, lớp con sau

Đã thành đồng chí chung câu quân hành” (Tố Hữu).


Từ những cán bộ dày dạn kinh nghiệm thực tiễn tại địa bàn, mà bề dày thành tích được ngưỡng mộ như các đồng chí Phan Trọng Hà, Hoàng Văn Pha... đến các đồng chí cán bộ quản lý có năng lực công tác và tài năng cống hiến đang ở độ chín và chắc chắn như các đồng chí Nguyễn Danh Vinh, Nguyễn Thành Công, Nguyễn Thị Hồng Tươi… cho đến lớp cán bộ trẻ đầy năng động như các đồng chí Phạm Thị Chinh, Đỗ Trung Thành, Phạm Bá Quỳnh, Nguyễn Văn Phú… Đó là những cá nhân xuất sắc đã tạo nên một tập thể mạnh, một đơn vị lập được nhiều chiến công kỳ diệu được ghi nhận.

Phó Giám thị Phan Trọng Hà. Ảnh: H.P.Long Đồng chí Phan Trọng Hà là một cán bộ kỳ cựu, gắn bó với Trại giam Thanh Xuân từ năm 1976 đến nay (khi còn là Trường Phổ thông Công Nông nghiệp Thanh Xuân). Được đào tạo và tốt nghiệp Khoa Điều tra, Trường Đại học Cảnh sát, từng trải qua nhiều cương vị công tác như Đội trưởng Đội Giáo dục, Đội trưởng Đội Hậu cần - Tài chính, Trưởng Phân trại số 2 tại Văn Giang, Hưng Yên… Năm 2006, đồng chí được bổ nhiệm là Phó Giám thị chuyên về công tác giáo dục, hồ sơ quản giáo toàn trại và trực tiếp phụ trách Phân trại số 1. Anh em cán bộ quản giáo và phạm nhân rất quý mến cán bộ Hà vì tính tình cởi mở, nhiệt tình giúp đỡ mọi người, song rất nghiêm khắc trong việc duy trì nền nếp kỷ luật, trật tự tại Trại giam Thanh Xuân. Tất cả những đối tượng cứng đầu, rắn mặt từ các phân trại khác đều được chuyển về Phân trại số 1 để được cán bộ Hà giáo dục, cảm hóa trở nên tiến bộ.

Đồng chí Nguyễn Danh Vinh, Trưởng Phân trại số 1, là một cán bộ năng nổ, nhiệt tình, luôn luôn gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ, công tác. Anh dám chịu trách nhiệm trước những nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, luôn chủ động, tích cực tìm ra những phương pháp giáo dục phạm nhân đạt hiệu quả tốt, xử lý thành công nhiều tình huống phức tạp, nhạy cảm từ những đối tượng cố tình gây rối, lỳ lợm, giúp sức cùng Phó Giám thị Phan Trọng Hà chỉ huy đơn vị đạt nhiều thành tích được trân trọng.

Phó Giám thị Hoàng Văn Pha. Ảnh: H.P.Long Nổi trội là Phân trại số 3 do đồng chí Phó Giám thị Hoàng Văn Pha phụ trách, được gọi là phân trại kiểu mẫu bởi tính kỷ luật, tự giác, nền nếp sinh hoạt, công tác và lao động. Không khí lao động ở các phân xưởng may mặc, dệt thảm len cao cấp, đội tăng gia sản xuất… lúc nào cũng sôi động, khẩn trương, thi đua làm việc hết mình, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao phục vụ xã hội, xã hội, đất nước của những người đang được “thắp sáng ước mơ hoàn lương”, với ý chí phục thiện mãnh liệt đang được vun trồng trong những tâm hồn đã một thời lầm lỗi…

Họ phạm tội từ nhiều hoàn cảnh, lý do, song khi vào trại giam, được cảm hóa giáo dục, đã nhận thức rõ và đang nỗ lực hết mình để cải tạo như: Nguyễn Thị Nguyệt ở Đội 27, thường trú tại Thăng Long, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, can tội “chứa mại dâm và mua bán phụ nữ, trẻ em”, thụ án từ tháng 5/2007 khi đã ngoại tứ tuần, vào trại rồi cứ day dứt mãi. Hay phạm nhân Dương Minh Tâm, ở Đội 7, thường trú tại Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội, can tội “lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”, thụ án từ tháng 3/2008 khi tuổi đời đã xấp xỉ ngũ tuần, hàng ngày sám hối, ân hận để rồi bừng tỉnh, quyết tâm vươn lên giành lấy cơ hội làm lại cuộc đời… Đây là những gương mặt tiêu biểu nhận thức được việc cải tạo tốt chính là con đường ngắn nhất dẫn đến tự do, được trở về với gia đình, xã hội. 

Đồng chí Hoàng Văn Pha (tức Hoàng Ngọc Pha) cũng là một trong những tấm gương cán bộ lâu năm tại Trại giam Thanh Xuân từ năm 1976 đến nay. Được đào tạo qua nhiều trường lớp của ngành và tốt nghiệp Trường Đại học Cảnh sát, từng trải qua nhiều nhiệm vụ công tác tại đây như: Quản lý giáo dục trẻ em hư, Đội trưởng Đội Trinh sát, phụ trách khu sản xuất và nuôi trồng thủy sản (trên 40ha)… Do có nhiều kinh nghiệm và thành tích nên đồng chí được bổ nhiệm trực tiếp phụ trách và xây dựng Phân trại số 3 thành phân trại kiểu mẫu, nhiều lần được cấp trên biểu dương, khen thưởng. 

Đ/c Nguyễn Văn Phú. Ảnh: H.P.Long Đồng chí Nguyễn Văn Phú, Phó trưởng Phân trại số 3, phụ trách trinh sát là một cán bộ trẻ xuất sắc, tuy tuổi đời mới ngoài 30. Từng công tác ở các tỉnh, thành phố phía Nam như: Bình Phước, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh… đồng chí Nguyễn Văn Phú được về đầu quân ở đây, là cánh tay phải đắc lực cho Phó Giám thị Hoàng Văn Pha trong công tác lãnh đạo đơn vị. Anh Phú tâm sự: “Ðể giữ gìn trật tự, an ninh, bảo đảm tốt các mặt hoạt động của trại đạt hiệu quả cao, công tác trinh sát luôn được chú trọng và đi trước một bước, nắm bắt đầy đủ tình hình, những diễn biến tư tưởng phức tạp của từng phạm nhân để kịp thời phát hiện, ngăn chặn trước mọi tình huống có thể xảy ra”.

Bằng tấm lòng chân thành, sự cảm thông sâu sắc và trách nhiệm trong việc cảm hóa, thu phục lòng người, nhiều cán bộ quản giáo đã khơi dậy được “mầm thiện” trong sâu thẳm tâm hồn những người một thời lầm lỗi, hướng cho họ nhận thức, suy nghĩ và hành động theo đạo lý và tinh thần “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, tự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm trong  cải tạo để sớm được trở về với cuộc sống. Đó cũng là sự mong muốn và mục tiêu phấn đấu của từng cán bộ quản giáo của Trại giam Thanh Xuân hôm nay.  

Những năm gần đây, các đơn vị làm nhiệm vụ giam giữ, cải tạo phạm nhân thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhiều cá nhân, đơn vị đã gặt hái được kết quả tốt trong công tác cải tạo, giáo dục, thu phục nhân tâm. Việc triển khai tổng thể quy hoạch hệ thống các trại tạm giam, các trại cải tạo phạm nhân trên phạm vi cả nước, tiêu chuẩn hóa đối với từng loại hình giam giữ; phát huy tối đa mọi tiềm năng về cơ sở vật chất, đất đai, sức lao động… tại từng địa phương, đơn vị, đã cho thấy vai trò, trách nhiệm cao của người đứng đầu Tổng cục VIII - Trung tướng Cao Ngọc Oánh - trong chỉ đạo sát sao, hướng dẫn các đơn vị thực hiện kế hoạch công tác; chủ động kết hợp hài hòa công tác giáo dục, cải tạo với việc tổ chức lao động, sản xuất và dạy nghề cho phạm nhân, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện điều kiện ăn ở sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ quản giáo và phạm nhân… 

Xuất phát từ quan điểm “phạm nhân dù đã bị pháp luật xử phạt, nhưng họ cũng là con người, cũng có suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, trăn trở như bao con người bình thường khác”, nhiều cán bộ, chiến sĩ quản giáo tại các đơn vị đã sử dụng phương pháp cảm hóa, tình người như một vũ khí chiến đấu hiệu quả, thuyết phục, chuyển hóa thành công nhiều trường hợp là những đối tượng cộm cán, có “số má” trước và sau khi vào trại cải tạo, giúp họ trở thành những phạm nhân tiến bộ, có nhận thức tốt, biết “tâm phục, khẩu phục” để từ đó có quyết tâm cao trong lao động cải tạo. Trại giam Thanh Xuân là một trong những điểm sáng đó.


Hoàng Phúc Long

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm