Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 16/03/2015 - 09:53
Tình trạng nhiều trang mạng xã hội mạo danh lãnh đạo Đảng và Nhà nước rộ lên thời gian gần đây. Vậy, cơ quan quản lí nhà nước nhìn nhận vấn đề này như thế nào và đâu là giải pháp để xử lý? Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn về vấn đề này.
Mạng xã hội là nơi giao tiếp, trao đổi thông tin giữa những người sử dụng, chỉ là kênh thông tin cá nhân. Ảnh: Hồng Vĩnh
Tình trạng mạo danh chính khách trên mạng xã hội đang diễn ra khá phổ biến, xin ông cho biết ý kiến về thực trạng này?
Hầu hết các mạng xã hội hiện nay chưa có cơ chế cho phép xác thực danh tính của người sử dụng. Người sử dụng mạng xã hội có thể tự lựa chọn cho mình tên tài khoản để sử dụng. Vì vậy, việc mạo danh có thể thực hiện một cách dễ dàng. Thực tế hiện nay trên mạng xã hội, có không ít trang blog và Facebook cá nhân mạo danh một số đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tôi xin khẳng định, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước không có blog và Facebook cá nhân, những trang blog và Facebook mang tên các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều là mạo danh.
Mạng xã hội là nơi giao tiếp, trao đổi thông tin giữa những người sử dụng. Rất nhiều thông tin đưa lên đó không phải là kênh thông tin chính thống của Nhà nước hay các đồng chí lãnh đạo. Mạng xã hội chỉ là kênh thông tin cá nhân. Do vậy việc mạo danh một cá nhân nào đó phát ngôn trên mạng xã hội không liên quan gì đến phát ngôn của nhà nước. Và phát ngôn của bất kỳ một cá nhân nào thì cá nhân đó tự chịu trách nhiệm trước luật pháp Việt Nam.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng bị mạo danh trên mạng xã hội, vậy Bộ TT&TT có khuyến cáo gì với người dùng mạng xã hội?
Như trên đã đề cập, mạng xã hội đã và đang tồn tại phổ biến tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Đây được xem là một phương tiện để kết nối bạn bè và chia sẻ thông tin. Do vậy, tự cá nhân mỗi người phải chắt lọc thông tin cho mình. Một trong những mục tiêu của mạng xã hội là giúp các thành viên tạo lập quan hệ và tự tổ chức xoay quanh những mối quan tâm chung trong những cộng đồng, thúc đẩy sự liên kết cá nhân, các tổ chức xã hội. Bản thân mỗi người phải tìm đến những nguồn thông tin được coi là xác thực, tiệm cận sự thật, hoặc đi tìm hiểu kỹ hơn về mức độ chính xác thông tin mà mình tiếp nhận. Tất cả những thông tin trên mạng xã hội chỉ là thông tin qua lăng kính mang tính chủ quan của cá nhân. Vì thế, những người dùng mạng xã hội đều phải lưu ý đến vấn đề bí mật đời tư và xâm phạm đến bí mật đời tư của người khác. Mỗi cá nhân tham gia mạng xã hội phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra.
Tóm lại, hiện nay, trên mạng xã hội, việc mạo danh các cá nhân, tổ chức, nhất là mạo danh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để phục vụ các ý đồ xấu là hết sức nguy hiểm. Vì vậy, người sử dụng mạng xã hội cần phải đề cao cảnh giác như cảnh giác đối với những kẻ mạo danh trong xã hội mà chúng ta vẫn từng bắt gặp.
Làm thế nào để người dân phân biệt được đâu là trang mạng xã hội giả, đâu là trang chính thức của các chính khách, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn
Social Network còn gọi là mạng xã hội hay mạng xã hội ảo. Vì tính chất đặc thù của nó như vậy, không nên, không thể đặt vấn đề thật giả mà chỉ nên đặt vấn đề từ góc độ đúng hoặc sai, trái pháp luật. Hiện tại không có bất kỳ một trang mạng xã hội nào là trang chính thức với tư cách của lãnh đạo mà chỉ là trang cá nhân.
Để phân biệt đâu là thông tin chính thống, đâu là thông tin không chính thống, đâu là trang giả mạo, theo tôi, cách đơn giản nhất là người sử dụng chỉ nên coi nguồn tin được phát ngôn từ người phát ngôn được chỉ định của cơ quan, tổ chức, hoặc thông tin được đưa lên trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan, tổ chức đó, là thông tin chính thống. Còn lại, chỉ nên coi mạng xã hội là một trong những cách các thành viên tham gia lan truyền, chia sẻ thông tin, thông tin đó chỉ có tính chất tham khảo và người lan truyền thông tin sai sự thực sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã công khai trang mạng xã hội của mình và nhận được nhiều sự ủng hộ. Với những trường hợp như Bộ trưởng Tiến, Bộ TT&TT có biện pháp kỹ thuật nào để bảo vệ các trang mạng xã hội của chính khách hay không?
Việc Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến công khai trang mạng xã hội của mình có ý nghĩa cầu thị, nhưng như tôi đã nói, tất cả các phát ngôn chính thức đều phải thực hiện theo Quy chế phát ngôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg. Việc Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến công khai trang mạng xã hội của mình là vấn đề cá nhân. Không thể xem đây là nơi phát ngôn của Bộ trưởng. Với tư cách là đại diện của cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, chúng tôi tôn trọng tất cả mọi ý kiến cá nhân.
Hiện nay nhiều chính khách nhà nước sử dụng mạng xã hội là kênh giao tiếp với người dân. Theo ông, các chính khách nhà nước nên sử dụng mạng xã hội như thế nào?
Việc đưa thông tin chính thống lên các mạng xã hội sẽ giúp thông tin này được phổ biến nhanh hơn tới người sử dụng. Các cơ quan nhà nước nên sử dụng và tận dụng thế mạnh này của các mạng xã hội như là một kênh tiếp nhận và chia sẻ thông tin với người dân.
Các đồng chí lãnh đạo cơ quan, đơn vị có thể sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân gắn liền với trang thông tin điện tử của đơn vị chủ quản để đăng tải thông tin chính thống và trao đổi, lắng nghe ý kiến của người dân…
Còn từ góc độ cá nhân đối với các đồng chí lãnh đạo thì việc sử dụng mạng xã hội cũng là một phương tiện để giao tiếp cá nhân, giao tiếp với bạn bè, chia sẻ cảm xúc của mình mà thôi.
Ông có dùng mạng xã hội không? Theo ông, việc dùng mạng xã hội mang lại những lợi ích gì?
Đứng về phương diện cá nhân, tôi rất mê mạng xã hội, tôi thường xuyên sử dụng mạng xã hội và cũng có tài khoản Facebook riêng của mình. Đó là kênh giao tiếp với bạn bè của tôi. Việc sử dụng mạng xã hội giúp cho tôi giữ được mối quan hệ với bạn bè và người thân của mình.
Có trang mạng xã hội nào mạo danh ông hay không? Nếu có mạo danh, điều đó ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống của ông thế nào? Ông đã làm gì để giải quyết trang mạo danh mình như thế nào?
Tôi không biết có ai mạo danh tôi hay chưa. Nếu có người mạo danh, làm ảnh hưởng đến cá nhân hoặc với tư cách là Thứ trưởng, thì người đó phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cám ơn ông!
Theo TPO
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.
Nam Dũng
14:11 15/12/2024(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân