Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những giải pháp tiếp tục thực hiện công tác giảm nghèo bền vững ở Thanh Hóa

Văn Thanh

Thứ hai, 01/11/2021 - 16:23

(Thanh tra) - Từ đầu năm 2021 đến nay, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được hưởng lợi từ nhiều chương trình, dự án, mô hình nhằm ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, việc giảm nghèo cho đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, cần nhiều giải pháp căn cơ trên cơ sở rót vốn, chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương.

Xã Mường Lý, huyện vùng cao Mường Lát. Ảnh: VT

Thực hiện Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 11/1/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa về chương trình giảm nghèo bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh đã đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh giao chỉ tiêu nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ nguồn nước hợp vệ sinh cho 182 hộ đồng bào nghèo, tiếp cận dịch vụ sử dụng nhà vệ sinh là 3.513 hộ nghèo. Ban hành Kế hoạch số 10/KH-SNN&PTNT ngày 28/1/2021 về việc triển khai, thực hiện hoạt động hỗ trợ, đỡ đầu xã Mường Lý, huyện Mường Lát. Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Mường Lát chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo, Đảng ủy xã Mường Lý xây dựng kế hoạch tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng (BVR), phát triển rừng (PTR), phòng cháy chữa cháy rừng (PCCR). Phân công cán bộ kiểm lâm địa bàn có năng lực kinh nghiệm tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã Mường Lý ban hành 13 văn bản chỉ đạo các thôn, bản, chủ rừng là đồng bào DTTS thực hiện tốt công tác quản lý BVR, PTR, PCCCR.

Kết quả đã tổ chức được 15 hội nghị tuyên truyền đến các thôn, bản, đồng bào với 450 đồng bào DTTS tham gia. Nội dung tuyên truyền chủ yếu vận động đồng bào tìm ra hướng đi, cách làm mới, ưu tiên trồng cây bản địa có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện lập địa và thổ nhưỡng ở từng địa bàn, kết hợp với với chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm trang trại để phát triển kinh tế địa phương có thu nhập ổn đinh, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tổ chức hướng dẫn đồng bào DTTS nắm bắt kỹ thuật trồng rừng, chăm sóc rừng và các biện pháp lâm sinh phát triển kinh doanh rừng gỗ lớn, khai thác lâm sản phụ nứa, vầu, dược liệu bền vững. Phối hợp với các lực lượng công an, dân quân tự vệ, ban quản lý các bản tổ chức tuần tra, kiểm tra an ninh rừng trên địa bàn; trực gác phòng PCCC tại các khu vực trọng điểm cháy trong những ngày nắng nóng, khô hanh. Kết quả, an ninh rừng được đảm bảo ổn định, không có điểm nóng về khai thác, phá rừng và xảy ra cháy rừng.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã xây dựng 1 mô hình phát triển sản xuất lúa năng xuất, chất lượng cao với quy mô 5ha, trong đó hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn và chỉ đạo kỹ thuật cho đồng bào xã Mường Lý nhằm nhân rộng mô hình ra địa bàn toàn xã, giúp đồng bào DTTS nơi đây ổn định cuộc sống, đảm bảo an ninh lương thực.

Phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Mường Lát cấp phát tờ rơi tuyên truyền các quy định về phát triển nguồn lợi thủy sản và cuốn sổ tay hướng dẫn quy trình thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản; truyền tải bộ tài liệu tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, các biện pháp phòng trừ bệnh trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt đến các hộ đồng bào trên địa bàn xã Mường Lý, áp dụng vào thực tiễn cuộc sống để pát triển sản xuất.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT Thanh Hóa còn phối hợp với các ban, ngành chức năng kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn giúp đỡ xã Mường Lý thực hiện các nội dung của chương trình xây dựng NTM. Đến nay, xã Mường Lý đã đạt 7/19 tiêu chí, toàn xã có 4/16 bản đạt chuẩn NTM gồm bản Chiếng Nưa, Nàng I, Tài Chánh, Kít. Tiếp tục hướng dẫn 8 thôn, bản quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả các công trình nước sinh hoạt tự chảy từ các khe, mó nước đã được Nhà nước đầu tư; thống kê, đề nghị cấp có thẩm quyền khắc phục sửa chữa 6 công trình bị xuống cấp nặng gồm trung tâm xã Mường Lý, bản Xì Lô, Tài Chánh, Nàng 2, Muống 2, Trung Tiến I, Chà Lan; tiếp tục hướng dẫn khai thác 2 công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh tại bản Mau và bản Muống đã được đầu tư từ nguồn chương trình NTM và chương trình từ thiện.

Theo bà Hoàng Thị Yến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết: Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, giúp đồng bào các DTTS trên địa bàn ổn định cuộc sống là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Thanh Hóa, trong đó khu vực xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng miền núi chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư nước sạch do địa hình phức tạp, giao thông và điều kiện kinh tế khó khăn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và nguồn tự có của đồng bào để đầu tư, trong khi các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư công trình cấp nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh năm 2021 của Trung ương chưa được phân bổ. Tình hình thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu toàn cầu trong những năm gần đây ngày càng diễn biến phức tạp, gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các vùng miền núi, làm ảnh hưởng rất lớn đến công trình cấp nước và vệ sinh môi trường của hộ nghèo, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS khu vực miền núi.

Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành chức năng hỗ trợ đồng bào người nghèo, sinh sống ở vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn nâng cao năng lực sản xuất nông lâm ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp dứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập, hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nâng cao chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tăng cường kết nối giữa người sản xuất và các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, ưu tiên phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, tạo giá trị gia tăng cho đồng bào sản xuất để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Về các giải pháp để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, theo bà Hoàng Thị Yến cần phải tăng cường hơn nữa chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, các đoàn thể, tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, thực hiện hiệu quả và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người nghèo trong thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào sản xuất, nhất là khu vực miền núi của tỉnh.

Tiếp tục tăng cường công tác nâng cao năng lực, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp và các đối tượng thụ hưởng chính sách của chương trình nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và cách làm, đáp ứng nhu cầu mới để phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Đồng thời, tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, hướng dẫn hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng các công trình nước sinh hoạt phân tán như đào giếng, khoan giếng, xây bể chứa, bể lọc, xây nhà vệ sinh tự hoại, tuyên truyền đồng bào dọn vệ sinh khu vực nhà ở, chuồng trại, xử lý nước, chất thải, sống, ăn ở hợp vệ sinh để đảm bảo sức khỏe. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, gắn kiểm điểm việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo với kiểm điểm, đánh giá tập thể, cá nhân cán bộ, lãnh đạo quản lý hằng năm…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

(Thanh tra) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng mạo danh nhân viên điện lực để đòi nợ tiền điện và yêu cầu khách hàng thao tác các bước theo đường dẫn (link) đối tượng cung cấp.

Theo EVNNPC

21:24 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm