Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 03/05/2014 - 06:00
Trong khi bệnh sởi còn làm nhiều người lo lắng thì hiện các bệnh tay chân miệng, thủy đậu đang có xu hướng gia tăng.
Chị Đoàn Thị Hiếu (26 tuổi) có con 23 ngày tuổi mắc bệnh thủy đậu đang điều trị tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Gần 11g ngày 29-4, chị V.T.V., 31 tuổi, ở Yên Bái, bồng con gái 3 tuổi tên V.Q.N. vào phòng số 1, khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, nhập viện. Các nốt đậu nổi chi chít trên mặt, tay, chân bé N.. Chị V. kể ngày 25-4, chị đưa con vào TP.HCM chơi với người bà con trong này. Hai mẹ con chưa kịp đi tham quan TP thì ngày 26-4 con chị đã bị sốt, mệt, nổi các nốt thủy đậu khắp người.
Thủy đậu, tay chân miệng bùng phát
Văcxin ngừa thủy đậu sắp có lại?
Viện trưởng Viện Kiểm định văcxin và sinh phẩm y tế quốc gia Lê Văn Phủng cho biết từ đầu năm đến giờ cơ quan này đã hoàn thành kiểm định nhiều lô văcxin ngừa thủy đậu, không để lô nào tồn đọng tại cơ quan kiểm định. Trong khi đó, Cục Quản lý dược cho biết tháng 2 vừa qua cũng đã cho phép nhập khẩu trên 100.000 liều văcxin thủy đậu.
Cùng phòng với bé N., có ba bé khác đang mắc bệnh thủy đậu, trong đó một bé mới 23 ngày tuổi, một bé 16 tháng tuổi và một bé 10 tuổi. Chỉ riêng bé 23 ngày tuổi chưa đến tuổi chích ngừa thủy đậu, ba bé còn lại đều được mẹ bé trả lời bé chưa từng được chích ngừa thủy đậu trước đó. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận một cháu bé 15 ngày tuổi mắc bệnh thủy đậu. Bệnh nhi này bị nhiều biến chứng của bệnh thủy đậu như viêm phổi, nhiễm trùng huyết.
Cách đây hai tuần, con gái học lớp 2 của chị L.B.P. ở Cầu Giấy, Hà Nội đột nhiên có những nốt nhỏ, có màu đỏ như nốt muỗi đốt trên da. Vì bé đã tiêm ngừa thủy đậu khi 12 tháng tuổi nên chị P. không nghĩ con mình mắc bệnh, chỉ lấy kem bôi vào nốt muỗi đốt như bình thường. Tuy nhiên chỉ sau một đêm, các nốt phỏng nước điển hình ở bệnh nhân thủy đậu mọc khắp phần da lưng, mặt, bụng, cánh tay bé. Ba ngày sau, con gái út của gia đình chị P. mới 6 tháng tuổi cũng lây thủy đậu từ bé chị. Ban đầu chỉ là những nốt mọng nước ở vùng gần mang tai, nhưng ngay trong đêm bé đã sốt cao, các vết phồng mọng nước xuất hiện cả ở da đầu, mặt, tay chân, lưng rất nhanh.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư), từ đầu năm 2014 đến nay có gần 100 bệnh nhân thủy đậu vào viện này. Thông thường, thủy đậu xuất hiện nhiều vào giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán (mùa xuân), nhưng dịch ở phía Bắc có thể đến muộn hơn phía Nam, nguy cơ có thể gia tăng trong tháng 5 tới. Trong khi đó, mặc dù dịch sởi được coi là “tạm lắng”, nhưng riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư vẫn còn 100 bệnh nhân sởi, mỗi ngày có thêm 30 bệnh nhân mới nhập viện. Tính đến ngày 28-4 cả nước ghi nhận trên 17.400 ca bệnh tay chân miệng. Theo ông Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, so với cùng kỳ 2013 số mắc tay chân miệng bốn tháng vừa qua giảm 20%, số tử vong giảm năm trường hợp. Song các tỉnh thành trọng điểm như TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu... số mắc vẫn tăng, đáng chú ý như tỉnh Kon Tum số mắc tay chân miệng bốn tháng đầu năm đã tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2013, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng gần 35%... Theo ông Phu, dịch tay chân miệng có chu kỳ năm tăng, năm giảm, năm 2013 là năm giảm so với năm trước đó, nguy cơ dịch sẽ lại tăng vào năm 2014. Đặc biệt giai đoạn tháng 3-5 và tháng 9-11, trong đó thời gian qua đã “nóng” dịch sởi thì tay chân miệng tạm lắng, nhưng nay sởi bớt “nóng”, có thể là tay chân miệng sẽ bùng phát.
Không chỉ trẻ đi học mới mắc bệnh
Bác sĩ Đỗ Châu Việt, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết hiện số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 tăng gấp đôi so với một tháng trước đó. Hiện mỗi ngày tại khoa nhiễm có khoảng 40 trẻ mắc bệnh tay chân miệng nằm điều trị. Tuy nhiên, hầu hết số trẻ nhập viện với triệu chứng nhẹ như nổi hồng ban bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, chứ chưa có trường hợp nào phải can thiệp sâu. Nhiều bà mẹ quan niệm trẻ đi học mới mắc bệnh tay chân miệng nên khi được bác sĩ chẩn đoán cứ thắc mắc sao con tôi không đi học lại mắc bệnh tay chân miệng. Theo bác sĩ Việt, trước đây bệnh tay chân miệng nhiều ở trẻ đi nhà trẻ thì nay ngày càng ít gặp, có lẽ do nhà trường đã quan tâm đến bệnh này.
Bệnh tay chân miệng lây truyền qua đường tiêu hóa. Khác với bệnh sởi, thủy đậu, bệnh tay chân miệng chưa có văcxin chích ngừa nên đến nay biện pháp phòng bệnh vẫn là giữ vệ sinh đôi bàn tay, vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, nơi sinh hoạt... và hạn chế tiếp xúc với trẻ mắc bệnh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng cho biết trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang gia tăng. Theo Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay TP.HCM đã có gần 2.700 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2013.
Cần tiêm phòng các bệnh đã có văcxin
Nếu các bà mẹ tiếp tục không đưa con đi chích ngừa các bệnh truyền nhiễm đã có văcxin, thì không chỉ bệnh sởi mà những bệnh khác cũng có thể gia tăng trong thời gian tới. Đây là điều bác sĩ Đỗ Châu Việt lo ngại. Theo bác sĩ Việt, bệnh thủy đậu thường rộ lên vào mùa đông xuân, thế nhưng trong 2-3 tuần nay, mỗi ngày tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 có 5-7 trẻ mắc bệnh thủy đậu nằm điều trị. Bệnh thủy đậu gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người già nhưng phần lớn bệnh hay gặp ở độ tuổi đi học, giao tiếp nhiều.
Bác sĩ Việt khuyến cáo bệnh thủy đậu chủ yếu lây qua đường hô hấp, một số ít trường hợp lây qua tiếp xúc với dịch của nốt thủy đậu. Thời gian ủ bệnh khoảng một tuần, trẻ có thể bị lây trước khi nổi nốt đậu cho đến khi nốt đậu đóng mày, vì vậy khó tránh được nguồn lây. Phần lớn trẻ mắc bệnh thủy đậu đều tự khỏi sau một tuần từ khi xuất hiện triệu chứng nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy vậy, vẫn có tỉ lệ nhỏ trẻ có diễn biến nặng, xảy ra biến chứng. Chính vì vậy, khi thấy trẻ có triệu chứng của bệnh, bác sĩ Việt khuyên các bà mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị đúng cách.
Với những người chưa mắc bệnh hoặc chưa xác định từng mắc bệnh nên chích ngừa thủy đậu vì đây là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Lịch chích ngừa bệnh thủy đậu bắt đầu trên 1 tuổi. Không nên đợi đến lúc có nhiều người mắc bệnh mới đổ xô đi chích ngừa vì lúc đó nguy cơ bị lây bệnh cao, hoặc có thể mình đã mắc bệnh mà chưa xuất hiện triệu chứng nên việc chích ngừa không còn tác dụng.
Đeo vòng tránh sởi có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe
Đó là cảnh báo chính thức của Bộ Y tế ngày 29-4, sau khi có nhiều tranh cãi trên mạng xã hội về tác dụng của vòng đeo tay tránh sởi cho trẻ em, đang được xách tay từ Nhật Bản về bán nhiều ở VN. Theo Bộ Y tế, vòng đeo tay tránh sởi sử dụng công nghệ chlorine dioxit, là hóa chất khử trùng được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, việc tiếp xúc liên tục với hợp chất này có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, do chưa đo được hàm lượng chất chlorine dioxit trong sản phẩm. Bộ Y tế cảnh báo thiết bị này tiềm ẩn rủi ro với người tiêu dùng và cho rằng thiết bị vòng tránh sởi này chưa được kiểm nghiệm và đánh giá theo quy định.
Theo TTO
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.
Nam Dũng
14:11 15/12/2024(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân