Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người uy tín ở buôn Jắt

Hải Minh

Thứ năm, 25/08/2022 - 17:00

(Thanh tra) - Ông Y Bhem Knul được bầu chọn là người có uy tín buôn Jắt B, xã Ea Hiu bởi luôn là người tiên phong từ thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, tuân thủ pháp luật của Nhà nước đến tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Bằng những việc đã làm cho cộng đồng, ông được nhiều người quý mến, nghe theo từng lời hướng dẫn chỉ bảo và gắn với cái danh là: Người khéo nói, khéo làm.

Nâng cao ý thức gìn giữ những bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: Hải Minh

Dân vận khéo

Ea Hiu (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) là xã có nhiều buôn thấp về chất lượng đời sống, trong đó buôn Jăt B được coi là buôn đặc biệt khó khăn với 118 hộ, hơn 500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Ê Đê sinh sống. Hầu hết đồng bào giữ phong tục sản xuất truyền thống nên đến mùa thu hoạch vẫn không đủ ăn, đời sống thiếu thốn trăm bề. Điện, đường, trường trạm chưa được đầu tư xây dựng nên con em muốn đi học phải đi xa hoặc bỏ học ở nhà cùng nhiều tập tục lạc hậu được duy trì.

Vài năm trở lại đây, những con đường được thảm nhựa, bê tông hóa sạch sẽ; nhiều nhà xây, cửa hàng tạp hóa mọc lên san sát; trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang cho thấy một diện mạo mới no ấm, vui tươi ở xã vùng III này. Sở dĩ Ea Hiu có được kết quả đáng ghi nhận này là nhờ sự gần gũi với người dân, khéo nói, khéo làm của những người có uy tín.

Gắn bó với buôn làng, chứng kiến những thăng trầm, nghèo đói, lạc hậu trong cuộc sống của bà con, ông Y Bhem Knul được bầu chọn là người có uy tín của buôn Jắt B. Khi nhận chức danh này, ông luôn tự nhủ cần giúp bà con thay đổi. Không chỉ phối hợp với cấp ủy, ban tự quản buôn tổ chức họp dân, phát động quần chúng, ông còn gần gũi nắm bắt tình hình của từng hộ trong buôn để có cách tuyên truyền, vận động phù hợp. Khi địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới, ông đã phân tích cho người dân hiểu chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Nói về kinh nghiệm vận động người dân, ông Y Bhem cho biết: “Buôn Jắt B là buôn đặc biệt khó khăn của xã Ea Hiu. Trước đây bà con trong buôn vẫn mang nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại nên làm dân vận phải khéo và kiên trì. Những hộ chưa “thông” thì mình đến tận nơi phân tích, giảng giải, đi ngày không gặp thì tranh thủ đi ban đêm, đi một lần chưa được thì đi nhiều lần. Mỗi đối tượng người già, trẻ nhỏ, thanh niên mình có cách vận động khác nhau”.

Là người có uy tín tiêu biểu, nhiều lần được ra Hà Nội dự hội nghị, đi viếng Lăng Bác, tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, ông Y Bhem đều về nói chuyện lại cho bà con nghe về sự đổi thay, phát triển của đất nước, hướng mọi người đến sự đoàn kết, cảnh giác với lời xúi giục của kẻ xấu, bám trụ buôn làng để xây dựng cuộc sống no ấm hơn. Nhờ khéo vận động và làm gương của ông Y Bhem, hầu hết các hộ trong buôn Jắt B và các buôn lân cận đều đồng thuận dời hàng rào, hiến đất mở rộng đường, đóng góp xây dựng 12 tuyến đường nội buôn, kéo điện thắp sáng các trục đường chính.

Đi trên con đường bê-tông chạy dọc giữa buôn, già Y Bhem Knul kể: Con đường này xưa rất hẹp, vận chuyển nông sản rất khó khăn. Triển khai xây dựng nông thôn mới, chính quyền tuyên truyền, vận động hiến đất để mở rộng đường, nhưng do bà con chưa hiểu lợi ích nên không ưng bụng. Mình từng gắn bó với công tác mặt trận nên mình biết nói cái gì để dân hiểu, dân tin. Nói rồi thì phải làm gương, mình là đảng viên, người có uy tín, nên bàn với gia đình hiến tặng gần 500 m2 đất để xây dựng nhà văn hóa cộng đồng buôn. Giờ thì đường sá buôn làng đã bê-tông hóa, môi trường sạch đẹp, nhà cửa khang trang, bà con vui lắm.

Quyết tâm thoát nghèo

Người dân địa phương tham gia trồng cây sầu riêng mang lại thu nhập. Ảnh: Hải Minh

Những năm qua, các chính sách của Nhà nước đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, như trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, phổ biến, chuyển giao kỹ thuật trồng đa canh, đồng thời hỗ trợ vốn phát triển sản xuất. Nhờ vậy, các buôn làng ngày càng khang trang, đời sống đồng bào được nâng lên rõ rệt.

Trong căn nhà khang trang mới xây năm 2019, ông Ai Chiếu ở buôn Mò Ó vui mừng kể về con đường đi lên thoát nghèo của gia đình. Trước đây nhà Ai Chiếu nghèo lắm, tài sản không có gì, vợ chồng ông đi làm thuê khắp nơi. Năm 2017, gia đình ông được hỗ trợ 4 con dê giống theo Chương trình 135. Sau gần 3 năm chăm sóc, đàn dê sinh sản thêm được 33 con, ông bán bớt 21 con và vay thêm 20 triệu đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua 3 sào ruộng. Từ đó, cả gia đình không còn lo thiếu gạo ăn. Đến nay, gia đình Ai Chiếu tuy chưa giàu nhưng cũng có xe cày, xe máy, nhà xây, ruộng, rẫy. Vui nhất là mình được trả lại sổ hộ nghèo cho Nhà nước từ năm 2019.

Không chỉ gia đình Ai Chiếu, ở Ea Hiu còn rất nhiều hộ vươn lên thoát nghèo từ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Từ nguồn vốn của Chương trình 135, xã Ea Hiu đã được phân bổ 933 triệu đồng mua bò sinh sản hỗ trợ 67 hộ nghèo phát triển chăn nuôi.

Bên cạnh đó, từ nguồn ngân sách của tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ngân sách huyện, UBND huyện Krông Pắc đã phân bổ cho xã Ea Hiu trên 1,4 tỷ đồng thực hiện mô hình nuôi bò và nuôi dê với tổng số 91 hộ nghèo tham gia.

Ngoài ra, hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã còn được vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ trên 24,38 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 94 hộ nghèo theo Chương trình 167 giai đoạn II và đã có 3 hộ nghèo được làm nhà Đại đoàn kết...

Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hiu Nguyễn Hanh cho biết: Không chỉ được hỗ trợ làm nhà ở, vốn sản xuất, cây, con giống, hộ nghèo, cận nghèo còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện, chi phí học tập, tiền ăn trưa... mà Nhà nước còn quan tâm đầu tư xây dựng đường giao thông từ huyện vào xã, từ xã tới 12 thôn, buôn. Xã  cũng đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống kênh mương dẫn nước từ đập Krông Búk Hạ, bảo đảm nguồn nước tưới cho cây trồng. Hệ thống điện chiếu sáng, trạm y tế, trường học, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng các thôn, buôn đều được đầu tư xây dựng khang trang, góp phần nâng cao mức sống cho người dân trên địa bàn.

Điều đáng vui mừng là phần lớn hộ nghèo, cận nghèo đã không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại như trước kia mà biết tận dụng những gì được hỗ trợ để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Có thể thấy, các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước đã tạo “đòn bẩy” để người dân xã vùng III Ea Hiu vươn lên. Các chính sách của Nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn như Chương trình 135, chính sách đối với người có uy tín, các chương trình về giảm nghèo theo chương trình mục tiêu quốc gia được huyện triển khai một cách linh hoạt, bảo đảm quy định, đúng kế hoạch đã phát huy hiệu quả tích cực, nhất là làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm kinh tế phù hợp của bà con. Nhờ đó, diện mạo buôn làng ngày càng khởi sắc, đời sống người dân nâng lên.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nghệ An mở đợt cao điểm kiểm tra trên biển xử lý tàu cá "3 không"

Nghệ An mở đợt cao điểm kiểm tra trên biển xử lý tàu cá "3 không"

(Thanh tra) - Tỉnh Nghệ An vừa có văn bản chỉ đạo các ban, ngành chức năng mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử lý tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động...

Văn Thanh

12:44 22/11/2024
Điện Biên: Mường Ảng phát huy hiệu quả nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giúp dân giảm nghèo

Điện Biên: Mường Ảng phát huy hiệu quả nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giúp dân giảm nghèo

(Thanh tra) - Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Mường Ảng (Điện Biên) phát huy hiệu quả nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giúp diện mạo các địa bàn còn nhiều khó khăn đổi thay, tạo sinh kế, việc làm… giúp cải thiện đời sống Nhân dân, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm còn 22,13%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 18,04%.

Trần Trung

11:43 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm