Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người thương binh “tàn nhưng không phế”

Chủ nhật, 22/12/2013 - 22:11

(Thanh tra)- Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1977, người thanh niên Hoàng Trọng Cường (SN 1959, quê quán xóm 13, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà) lên đường nhập ngũ. Khi chiến tranh kết thúc, anh trở về với chiếc nạng thay chân. Nhưng nghị lực vượt khó đã giúp người thương binh vượt qua mọi khó khăn, lập mô hình trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc. Mô hình này không chỉ giải quyết khó khăn về kinh tế cho gia đình mà còn giúp đỡ các anh em thương binh trên địa bàn huyện Lộc Hà.

HTX 27/7 đã được xây dựng khang trang trên diện tích 2 ha. Ảnh: Yến Yến


Chúng tôi về gặp anh thương binh Hoàng Trọng Cường trong một ngày mùa đông lạnh cắt da thịt, cả một vùng đất rộng 2 ha ở xứ đồng Rành Rành, Cửa Chùa ngày xưa bỏ hoang bây giờ được xây dựng thành mô hình chuồng trại chăn nuôi lợn siêu nạc. Anh Cường vẫn chiếc áo cộc tay ngồi trên xe lăn, đi xúc từng xô thức ăn đổ cho đàn lợn mới thả được một tuần sau khi xuất chuồng lứa thứ nhất. Đây là gia tài của cả 20 xã viên đều là thương binh, bệnh binh trong hợp tác xã (HTX) 27/7 do anh Cường làm chủ nhiệm.

Mô hình được thành lập từ những định hướng của Nghị quyết 26-NQ/TW và NQ 08-NQ/TU, sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ngành, đặc biệt là của huyện Lộc Hà và xã Thịnh Lộc. Tháng 2/2012 thương binh Hoàng Trọng Cường cùng anh em đã tranh thủ mọi nguồn lực thành lập trang trại nuôi lợn vệ tinh siêu nạc. Sau gần 1 năm chính thức đưa vào hoạt động (từ tháng 2/2013), mô hình chăn nuôi lợn sau 5 tháng đã xuất lứa đầu tiên được gần 64 tấn, thu được 3 tỷ đồng, lãi ròng 220 triệu đồng.

Để có được thành quả như ngày hôm nay, anh đã trải quanhiều gian nan, thử thách. Chỉ mới trở về quê hương được 7 năm nay, khởi đầu vớiđồng vốn ít ỏi, không nắm vững kỹ thuật chăn nuôi nên ban đầu anh chỉ nuôi 3con lợn nái Móng Cái làm giống để nuôi lợn thịt, mỗi năm gia đình anh xuất chuồngđược 2-3 tấn lợn hơi, thu lãi 8-10 triệu đồng. Hiện tại trang trại đang thả đợt 2 với 600 con lợn. Ảnh Yến Yến

Theo kinh nghiệm chăn nuôi từ mô hình chăn nuôi trong quân đội mà anh đã từng làm, để phát triển nuôi lợn bền vững thì con giống rất quan trọng, nếu thu mua từ chợ hoặc từ hộ khác về nuôi thường hay xẩy ra dịch bệnh, lợn tăng trọng chậm, làm cho chăn nuôi bấp bênh, hiệu quả kinh tế thấp. Một khi con giống tốt thì chỉ cần nguồn thức ăn đảm bảo, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ thì sẽ có hiệu quả cao. Chính vì vậy nên năm 2010, được huyện hỗ trợ 10 con lợn nái ngoại và hướng dẫn xây dựng chuồng trại, tổ chức tập huấn kỹ thuật nên anh Cường đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi.

Khi trở về quê hương, điều mà người thương binh trăn trở không chỉ là phát triển kinh tế làm giàu cho mình mà còn muốn giúp anh em thương bệnh binh khác vượt qua khó khăn. Mảnh đất Thịnh Lộc cằn cỗi, sỏi đá, quanh năm chỉ được vài vụ lúa và hoa màu, người bình thường đã vất vả kiếm sống huống chi người thương binh tật nguyền. Thấy anh em thương binh đại đa số không có việc làm, không qua trường lớp, chỉ trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ nên anh đã tập hợp anh em lại mở trang trại chăn nuôi.

Thành công đã đến với HTX 27/7 khi HTX đã liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam để cùng xây dựng mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi bền vững. Bên phía HTX phải có mặt bằng và xây dựng chuồng trại theo đúng thiết kế của công ty, công ty CP cung cấp toàn bộ con giống, thức ăn và kỹ thuật nuôi, phòng dịch và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Khi lứa đầu tiên xuất chuồng cho thu nhập cao, các xã viên tiếp tục thả đợt 2 với 600 con, dự kiến sau 5 tháng sẽ cho xuất chuồng. Thương binh Hoàng Trọng Cường cho biết: “Để có được thành công như hôm nay, tôi đã phải vượt qua nhiều khó khăn. Ban đầu, cái khó khăn nhất là kêu gọi anh em thương binh thành lập HTX và chung vốn làm ăn bởi ai cũng khó khăn, thiếu thốn, bỏ một lúc một số vốn lớn lỡ có trục trặc gì thì không biết xoay sở làm sao. Thứ 2 nữa là niềm tin của người dân, thấy tôi bệnh tật đau yếu, đi lại khó khăn, có người bảo thân tôi còn lo chưa nổi lại đi lo cho người khác. Tuy vậy, tôi đã bỏ ngoài tai tất cả, được anh em tin tưởng giao phó, tôi đã làm thủ tục mượn đất, vay tiền ngân hàng để đầu tư. Bây giờ thì anh em tin rồi, người dân cũng tin tưởng và làm theo nên tôi phấn khởi lắm.”

Từ một vùng đất bạc màu, cát trắng, quanh năm gió, cát, không có đường giao thông. Nhưng với niềm tin, nghị lực của người lính, tình yêu, trách nhiệm với quê hương, cộng với sự giúp đỡ từ Phòng Nông nghiệp huyện Lộc Hà và xã Thịnh Lộc. Đến nay HTX đã xây dựng được một cơ sở khang trang, với hơn 2 km đường bê tông, một chồng nuôi heo hiện đại quy mô 600 con/lứa, có đầy đủ hệ thống xử lý môi trường, kho bãi, nhà kỹ thuật, nhà vô trùng, khu sinh hoạt cho công nhân…

Ông Nguyễn Đức Dong - chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết: Mô hình chăn nuôi của hợp tác xã 27/7 do thương binh 1/4 Hoàng Trọng Cường cùng anh em thương binh trong và ngoài xã thành lập là một mô hình kinh tế tiêu biểu của xã Thịnh Lộc. Ban đầu mới thành lập, HTX cũng gặp không ít khó khăn, lãnh đạo huyện và xã cũng đã tạo mọi điều kiện giúp HTX hoàn tất thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, làm đường vào trang trại thu lợi nhuận cao. Hiện nay, HTX do anh Cường làm chủ nhiệm đã cho thành quả lớn, đưa lại công ăn việc làm cho thương, bệnh binh trong và ngoài xã. Đây cũng là lời khẳng định cho một mô hình thật, có hiệu quả cao, tạo niềm tin cho người dân làm mô hình trang trại, nâng cao thu nhập cho HTX, cho địa phương.

Bản thân người thương binh Hoàng Trọng Cường cũng là một tấm gương đáng khâm phục về nghị lực vượt qua số phận. Hiện nay sức khỏe của anh Cường yếu, mỗi tuần phải lọc máu tuần 3 lần tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vì căn bệnh suy thận, nhưng người thương binh “tàn nhưng không phế” này vẫn miệt mài làm việc và hi vọng HTX của anh sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa.


Yến Yến

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm