Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 02/06/2017 - 05:50
(Thanh tra)- Nhiều năm qua, gần 40 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu ở bên tả ngòi Han thuộc khu 1, xã Đông Khê, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ phải sống trong những ngôi nhà tranh tạm bợ. Mọi giao thương của người dân nơi đây với bên ngoài chỉ nhờ vào chiếc cầu tre đơn sơ bắc qua ngòi Han, mỗi khi lũ về lại lo bị cuốn trôi theo dòng nước. Với những người dân nơi này, không một giấc mơ nào lớn hơn mong ước có một cây cầu kiên cố, để hàng ngày họ đi lại được thuận tiện.
Đến khu 1 xã Đông Khê vào một ngày đầu hè, mặc dù chỉ cách trung tâm xã khoảng 3km, nhưng lâu nay gần một nửa số hộ dân của khu 1 vẫn phải sống trong thế bị cô lập bởi ngòi Han chia cắt đôi bờ. Cũng vì bị chia cắt nên các hộ dân nơi đây nhiều năm phải sống trong điều kiện không cầu, không đường, không nhà văn hóa, đời sống nhiều khó khăn, trắc trở như chính việc đi lại của họ vậy.
Ông Vũ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Khê cho biết, ngòi Han chảy từ những dãy núi cao bên huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, ra sông Chảy, chia cắt khu 1 của xã Đông Khê thành 2 phần. Khu vực bên hữu ngòi thì liền các khu dân cư khác của xã, có gần 60 hộ, với khoảng 300 khẩu; bên tả ngòi giáp với xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, có gần 40 hộ với hơn 100 khẩu. Sau bao năm sống trong cảnh đèn dầu, năm 2014, điện lưới quốc gia đã được kéo vòng qua đất Tuyên Quang về phục vụ bà con nơi "ốc đảo" phía bên kia ngòi Han.
Người dân nơi đây mỗi khi có việc cần qua bên trung tâm xã thì chỉ có cách duy nhất là đi đường vòng gần 10km qua đất Tuyên Quang hoặc qua chiếc cầu tạm bằng tre, do người dân tự làm. Mỗi khi mưa lũ, nước dâng lên cao, chảy xiết hay màn đêm ập xuống thì mọi việc qua lại cây cầu tạm này đều phải ngưng hẳn. Khi đó, cả thôn như bị cô lập, trơ trọi hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Khó khăn nhất là việc học của trẻ em nơi đây. Các cháu cuối thôn hoặc đi học nhờ trường bên xã Mỹ Bằng, xã Nhữ Hán của tỉnh Tuyên Quang, hoặc phải đi vòng gần 10km qua đất Tuyên Quang về trường của xã để học. Các cháu đầu thôn, giáp với cầu tạm, hàng ngày phải nhờ người lớn kèm qua cầu để tới trường. Gian nan cứ chất chồng, nhất là mùa lũ, các em đành nghỉ học vì nước chảy siết, dâng cao, rất nguy hiểm. Cũng vì lẽ đó, nhiều em không thể theo kịp bạn bè, bỏ học, theo cha mẹ lên rừng hay ra thành phố kiếm sống.
Không chỉ người dân “ốc đảo” phải vất vả, mà người dân bên này ngòi cũng gặp nhiều khó khăn, bởi bên kia ngòi là khu vực đất sản xuất bao đời nay của người dân khu 1. Gia đình anh Ngô Như Sơn có ruộng ngô, ruộng mía và vườn bưởi ở bên tả ngòi Han chia sẻ: “Ngày nào cũng vậy, vợ chồng tôi đều đưa con cái vượt sông để qua bên khu đất sản xuất. Mỗi khi mùa mưa đến, nước trên thượng nguồn đổ về thì việc đi lại vô cùng vất vả và nguy hiểm. Người làng gom góp tre bắc tạm cầu khỉ để đi lại nhưng chỉ mùa khô thôi, còn mùa mưa nước lớn lúc nào cũng lo bị cuốn trôi”.
Tương tự, mặc dù sống bên này ngòi Han nhưng đa phần đất sản xuất của gia đình chị Phùng Thị Nhị cũng ở bên kia ngòi. Mùa thu hoạch, gia đình chị phải đưa ra cửa ngòi, thuê thuyền chở về nhà. Những hôm mưa lũ thì cực nhọc vô cùng. “Gần nhà, xa ngõ”, nhiều hôm đứng bên này thấy bò ăn lúa, ăn ngô nhà mình mà đành phải chịu. Người dân ở đây chỉ mong Nhà nước làm cho cây cầu treo chắc chắn, để bà con đi lại thuận lợi, an toàn” - chị Nhị tâm sự.
Không có cầu, không có đường, việc sản xuất, vận chuyển nông sản của người dân cũng gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Trên chiếc cầu tre tạm bợ, vào mỗi mùa thu hoạch, bà con buộc phải chia nhỏ nông sản để gánh qua ngòi hay vận chuyển ra cửa ngòi Han, giáp với sông Chảy rồi thuê thuyền chở về nhà. Chi phí vận chuyển tốn kém, nông sản bị ép giá, chưa kể mưa về, lũ dâng, ngòi Han và dòng sông Chảy trở nên hung dữ, nông sản làm ra bị tồn đọng, người dân lo lắng.
Theo Phó Chủ tịch xã Đông Khê Vũ Anh Tuấn, gần 50% số hộ bên kia ngòi Han của khu 1 thuộc diện hộ nghèo. Dù người dân nơi đây có chăm chỉ làm ra thật nhiều nông sản, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Bởi việc vận chuyển nông sản đi tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn và thường xuyên bị thương lái ép giá. Dù biết là bị thiệt nhưng người dân đành chấp nhận bán rẻ thành quả lao động của mình. Còn những nhu yếu phẩm được thương lái vận chuyển vào thôn thì luôn bị đội giá lên gấp đôi. Ở đây đang xảy ra nghịch lý mua đắt, bán rẻ, tất cả cũng bởi giao thông bị chia cắt.
Em Nguyễn Thị Hiệp, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Đông Khê, cho biết: “Em ước được ở bên kia sông, để khỏi đi cầu tre hàng ngày, vì em sợ nước lắm. Nhưng không thể bỏ học được. Mỗi lần trời mưa gió lại càng khổ, bọn em không ai dám qua sông nên lại phải nghỉ học”.
Không những khó khăn trong phát triển kinh tế, do không đường, không nhà văn hóa, xa trạm y tế, nên mỗi khi có người ốm đau, sinh nở, bà con lại gặp vô vàn khó khăn. Sống bên tả ngòi Han từ nhỏ, ông Nguyễn Văn Quý, năm nay 85 tuổi, người cao tuổi nhất của thôn bộc bạch: “Muốn đi chợ mua con cá, con mắm cũng phải qua bên kia ngòi. Mùa nước cạn còn đỡ, chứ mùa mưa lũ nhà có hết gạo ăn cũng đành nhịn thôi. Bị cô lập, cách trở về giao thông, cuộc sống mưu sinh quá vất vả nên thanh niên và người còn sức khỏe đều bỏ làng đi làm ăn xa. Trong thôn chỉ còn người già và trẻ em thôi. Chỉ mong sao có một cây cầu cho chúng tôi đỡ khổ”.
Bà Đỗ Thị Minh Thìn - Trưởng khu 1 cho biết: Việc đi lại của bà con khu 1 bên “ốc đảo” rất vất vả và nguy hiểm, nhất là lúc mưa to nước dâng cao, người lớn thì bó gối ở nhà, lũ trẻ phải nghỉ học. Đêm hôm, người dân có việc cần đi lại hay cấp cứu người, phải thuê thuyền vượt sông với chi phí cao hơn thường ngày, hoặc chỉ còn cách thuê phương tiện đi vòng qua bên Tuyên Quang với quãng đường rất dài mới đến bệnh viện. Cũng vì đi lại khó khăn mà nhiều dự án phát triển kinh tế của xã, của huyện, đặc biệt là dự án phát triển cây bưởi đặc sản đưa về khu đất bãi, nơi “ốc đảo” phía tả ngòi Han không thực hiện được. Nhiều hộ bên này ngòi có đất sản xuất bên kia, nhưng đi lại khó khăn phải bỏ ruộng hoặc cho người khác thầu lại với giá 20kg thóc/sào/vụ. Cái nghèo với người dân khu 1 vì thế cứ mãi dai dẳng…
Phó Chủ tịch xã Đông Khê Vũ Văn Tuấn cho biết thêm, cuối năm 2016 đã có đoàn công tác thuộc ngành giao thông vận tải về khảo sát, nhưng thời gian cụ thể để xây cầu vẫn chưa có. Nhiều năm nay, cứ đến buổi họp tiếp xúc cử tri là người dân lại nêu mong muốn có một cây cầu để yên tâm đi lại và phát triển kinh tế. Xã đã có kiến nghị lên huyện, huyện đã gửi lên tỉnh, nhưng đến hôm nay người dân vẫn chưa có cầu để đi lại.
Nguyện vọng thiết tha của người dân đôi bờ ngòi Han là chính đáng, các cấp, ngành cần sớm quan tâm để người dân nơi đây không còn phải hàng ngày lội sông theo con nước đầy vơi…
Trung Kiên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024(Thanh tra) - Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, chiều 13/12/2024, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đặng Khánh Toàn đã đi thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng ở thành phố Nam Định và huyện Nam Trực.
Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Đức Tài
11:04 13/12/2024N. Phê
10:24 13/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình