Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nghiên cứu khoa học về truyền thông chính sách BHXH, BHYT

Thứ năm, 17/05/2018 - 18:38

(Thanh tra)- Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vừa phối hợp với Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Truyền thông về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT): Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả”.

Đây được coi là diễn đàn lần đầu tiên có sự tham gia của ba giới chuyên môn gồm: Nhà quản lý và thực thi chính sách BHXH, BHYT, nhà nghiên cứu và đào tạo báo chí - truyền thông và các nhà báo.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã khẳng định những kết quả đạt được trong việc truyền thông chính sách BHXH, BHYT là rất đáng khích lệ, song trong bối cảnh cách mạng 4.0 và kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay, công tác này phải ngày càng đa dạng, nhanh nhạy, chuyên nghiệp trong cách tiếp cận, phản ánh thông tin và xây dựng các thông điệp truyền thông.

TS. Phạm Đình Thành, nguyên Viện trưởng Viện khoa học BHXH Việt Nam chia sẻ, đánh giá một cách khách quan về công tác truyền thông BHXH, BHYT từ năm 2014, nhất là từ năm 2016 đến nay, diện mạo của công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT cả về hình thức lẫn nội dung, số lượng và chất lượng đã được thay đổi, sôi động và đa dạng. Công tác truyền thông đã được cải tiến mạnh mẽ về phương thức, lan tỏa sâu rộng và mang lại hiệu quả đáng khích lệ. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cả nước có 50% số người lao động tham gia BHXH, 35% số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 90% dân số tham gia BHYT.

Cho rằng truyền thông về các chính sách BHXH, BHYT hiện nay còn khô khan, khuôn mẫu, ít hấp dẫn, ThS. Nguyễn Sơn Minh (Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV) đề xuất: Trong bối cảnh kỹ thuật số trên nền tảng mạng Internet và mạng viễn thông di động, cần thử nghiệm và chấp nhận tư duy mới trong tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách một cách mềm dẻo, linh hoạt với phương châm “Người dân thích nghe, xem sản phẩm truyền thông trước khi lồng ghép các thông điệp truyền thông”. Viral video/viral clip là một đề xuất.

ThS. Nguyễn Sơn Minh dẫn chứng quảng cáo “Unsung Hero” của Thái Lan được yêu thích nhất trên toàn thế giới với 18 triệu lượt tương tác và khẳng định “đây là một kinh nghiệm có thể học hỏi cho truyền thông BHXH, BHYT tại Việt Nam”.

Giới thiệu đến hội thảo kinh nghiệm sử dụng các phương tiện truyền thông mới trong truyền thông chính sách tại Hàn Quốc, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhấn mạnh: Mạng xã hội và các công cụ trực tuyến hiện nay đang được sử dụng như một nhóm phương pháp và hình thức truyền thông tất yếu tại các quốc gia phát triển. Theo đó, ba nhóm ứng dụng quan trọng nhất của mạng xã hội trong truyền thông chính sách là: Thăm dò dư luận xã hội; tổ chức chương trình, chiến dịch truyền thông trực tuyến; quản trị khủng hoảng.

TS. Đỗ Anh Đức (Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV) gợi mở và đề xuất mô hình “truyền thông tham gia” có sự tham gia của công chúng, trong đó đề cao sự chủ động của con người, tạo điều kiện và khuyến khích các cộng đồng, cá nhân quyền lựa chọn, theo đuổi mục đích của mình. Trong mô hình này, người dân chủ động thiết kế hoạt động truyền thông và giao tiếp với nhau. Họ là chủ thể của hình thức truyền thông được tổ chức như một buổi sinh hoạt tập thể hay trò chơi. Người làm truyền thông đóng vai trò trọng tài dẫn dắt và cung cấp những gợi ý để các cá nhân tự tìm kiếm kiến thức, câu trả lời cho những vấn đề họ đặt ra. Những chủ đề của BHXH, BHYT có thể áp dụng hiệu quả dưới mô hình truyền thông tham gia như chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu, kể chuyện của bản thân, câu hỏi trắc nghiệm, xử lý tình huống và giải đáp thắc mắc…

BHXH và BHYT là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, là thước đo quan trọng phản ánh sự phát triển thịnh vượng và bền vững của xã hội. Vì vậy, cần tiếp cận truyền thông chính sách BHXH, BHYT trong góc nhìn đa chiều, liên ngành, vừa gắn với truyền thống, bản sắc của xã hội Việt Nam, vừa có sự tiếp thu những thành tựu của khoa học thế giới trong xu thế hội nhập.

Ban Mai

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm