00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Màu áo xanh nâng cánh những ước mơ

Trung Hà

Thứ năm, 30/01/2025 - 13:30

(Thanh tra) - Luôn xác định “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” và quán triệt quan điểm “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cao Bằng đã và đang từng ngày “nâng bước” để hàng trăm con, em có hoàn cảnh khó khăn vùng biên ải hiện thực những ước mơ.

Nụ cười tươi tắn nở trên môi em Vừ Mí Lầu trước sự ân cần chăm sóc của Thiếu tá Sầm Thế Cương, với tấm khăn quàng đỏ trên chiếc áo truyền thống của dân tộc Mông. Ảnh: Trung Hà

Cao Bằng là một tỉnh miền núi với đường biên giới dài trên 333km, cuộc sống của bà con Nhân dân vùng biên còn nhiều khó khăn. Đa số là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc đến trường học cái chữ là ước mơ của rất nhiều em nhỏ.

Từ khi Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Cao Bằng triển khai chương trình "Nâng bước các em đến trường - Con nuôi đồn biên phòng", đến nay đã có nhiều trái ngọt, các em được tiếp sức để vượt qua khó khăn tiếp tục ước mơ được tới trường học thêm con chữ, có những em đã trưởng thành trở lại làm anh bộ đội, tiếp bước cha anh làm cầu nối với dân bản gìn giữ biên cương của Tổ quốc.

Sau khi được chia sẻ thông tin từ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Cao Bằng, chúng tôi đã vượt quãng đường 120km từ TP Cao Bằng, mất khoảng 4 giờ, chúng tôi có mặt ở Đồn Biên phòng Cô Ba (huyện Bảo Lạc).

Với gương mặt rạng rỡ, Lang Đình Trọng rảo bước về nhà, ngôi nhà thứ hai mang tên Đồn Biên phòng Cô Ba, nơi các anh, các chú đang hàng ngày nâng đỡ cho em thực hiện ước mơ. Ảnh: Trung Hà

Tại cổng, gặp Trung tá Trần Văn Khâm - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cô Ba đang đứng đón em Lang Đình Trọng (sinh năm 2013, xóm Ngàm Lồm, xã Cô Ba), con nuôi của Đồn để cùng về thăm gia đình em.

Trung Tá Khâm chia sẻ trên đường di chuyển: Em Trọng là người dân tộc Lô Lô, gia đình thuộc hộ nghèo, bố mất sớm do tai nạn, mẹ lấy chồng mới ở rể theo phong tục và sinh thêm em bé, gia đình ở xa trường nên không có điều kiện để em tiếp tục đi học, cán bộ chiến sỹ đã đến vận động xin cho em làm con nuôi của Đồn để tiếp tục được đi học. Nay em thi xong giữa học kỳ một, nên đưa về thăm nhà và trao đổi với gia đình tình hình ăn ở, học tập của em tại Đồn và thăm nắm tình hình của gia đình. Đây là hoạt động thường xuyên của Đồn với gia đình để giữ mối liên lạc thường xuyên, làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho con yên tâm rèn luyện.

Ngồi trong ngôi nhà mới, với hầu như không có tài sản gì, bà Lang Thị Tý (bà ngoại em Trọng) xúc động nói: "Cám ơn Đảng, Chính phủ đã hỗ trợ cho gia đình có ngôi nhà mới, khang trang, sạch sẽ, cám ơn Bộ đội Đồn Biên phòng Cô Ba đã yêu quý nhận chăm sóc, nuôi dưỡng cháu Trọng. Gửi cháu ở với các chú bộ đội Cụ Hồ gia đình yên tâm lắm".

Uống với gia đình chén rượu mời theo phong tục của người Lô Lô, chúng tôi thấy ấm lòng, tan hết cái rét mùa Đông trên vùng cao, bởi việc làm nhiều ý nghĩa nhân văn của lực lượng biên phòng nói chung, Đồn Cô Ba nói riêng và tình cảm đặc biệt gắn kết, tin tưởng của người dân nơi biên cương với những người lính biên phòng.

Bà ngoại, mẹ, cha dượng và em nhỏ của Lang Đình Trọng, với nụ cười thường trực trên môi, trò chuyện với Bộ đội Đồn Cô Ba về tình hình của em Trọng và gia đinh. Ảnh: Trung Hà

Rời Đồn Biên phòng Cô Ba, chúng tôi di chuyển mất khoảng một tiếng rưỡi cho 40km đến Đồn Biên phòng Cốc Pàng (huyện Bảo Lạc) vào sáng sớm ngày hôm sau. Dừng chân phía sau cổng Đồn, chúng tôi được chứng kiến một hình ảnh hết sức xúc động, Thiếu tá Sầm Thế Cương – Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cốc Pàng đang đeo khăn quàng đỏ cho em Vừ Mí Lầu (sinh năm 2012, người dân tộc Mông, xóm Lũng Mầm, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm) trước khi em đến trường.

Thiếu tá Cương chia sẻ: “Ban đầu, khi nhận cháu về anh em tôi phải tập cho cháu làm quen dần với nền nếp của đơn vị. Cháu đang quen với cuộc sống ở vùng bản làng xa xôi, heo hút, vì thế khi thực hiện được đúng nền nếp như Bộ đội, chúng tôi rất vui. Giờ đây, Lầu tự đã giác sinh hoạt theo các chế độ của đơn vị, giờ nào việc nấy. Ngoài thời gian đến lớp và học bài tại Đồn, cháu cùng cán bộ, chiến sĩ tăng gia sản xuất, dọn vệ sinh doanh trại, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, xong việc thì ra sân chơi thể thao vui vẻ".

Theo bước em Lầu đến lớp 6A, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Cốc Pàng, cô giáo Quan Thị Duyên, chủ nhiệm lớp của em Lầu, xúc động nói: "Em Lầu được các anh Bộ đội ở Đồn Biên phòng Cốc Pàng chăm sóc, chỉ bảo rất tốt. Ở trường em là học sinh chăm, ngoan, luôn hoà đồng và biết giúp đỡ người khác. Hoàn cảnh của em rất khó khăn, mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhà có tới 7 anh em giờ đều do ông bà nuôi, chắc mong muốn làm các anh, các chú vui nên em cố gắng học tập luôn đạt loại khá trong lớp".

Chia sẻ thêm về chương trình, Thiếu tá Cương cho biết: Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cốc Pàng không chỉ phối hợp với thầy, cô giáo dạy các con nuôi học tập, mà còn tận tình chỉ bảo trong sinh hoạt, hướng dẫn luyện tập nâng cao thể lực, làm quen với hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, bồi dưỡng kỹ năng sống để hình thành ý thức tự lập... của các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, để trái ngọt là sự phát triển bền vững, lâu dài của vùng biên giới. Bởi vì thông qua việc đỡ đầu, nuôi dưỡng các em là cơ sở để Đồn phát hiện, bồi dưỡng, "ươm mầm" những hạt nhân nòng cốt trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đồng thời góp phần tăng cường đoàn kết quân - dân, tạo nguồn nhân lực phục vụ xây dựng, phát triển vùng biên giới ngày càng vững mạnh, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”, bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Đồng chí Ma Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng khẳng định: Chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng" có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là Đề án của Chính phủ về “Xây dựng xã hội học tập”, tạo điều kiện cho hàng trăm em học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khu vực biên giới có thêm cơ hội vươn lên trong cuộc sống, qua đó góp phần bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương ở khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, để có nguồn lực giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn được nhiều nhất, tốt nhất, ngoài khoản đóng góp tự nguyện, đều đặn hằng tháng thì cán bộ, chiến sĩ được nhận khen thưởng, nâng lương, thăng quân hàm... còn ủng hộ thêm. Bên cạnh đó, các đồn biên phòng còn thực hành tiết kiệm trong mọi công việc, nhất là tiết kiệm lương thực, thực phẩm, dành nguồn thu từ tăng gia sản xuất để chăm lo cho các con nuôi.

Tính đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Cao Bằng đã nâng bước được 168 lượt cháu (trong đó 111 cháu đã nâng bước xong, hiện còn 57 cháu đang được nâng bước) với kinh phí gần 7 tỷ đồng, nhận nuôi được 45 lượt cháu với kinh phí trên 4 tỷ đồng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hóa kiểm tra các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ

Thanh Hóa kiểm tra các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ

(Thanh tra) - Để kịp thời khắc phục các hư hỏng, tồn tại và xây dựng, bổ sung phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn công trình, chủ động trong công tác ứng phó thiên tai, tình huống khẩn cấp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương tổ chức thực hiện kiểm tra công trình trước lũ và công tác ứng phó thiên tai, ứng phó với tình huống khẩn cấp.

Văn Thanh

20:11 19/02/2025

Tin mới nhất

Xem thêm