Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 01/09/2017 - 11:36
(Thanh tra)- Bằng tấm lòng kính yêu Bác, yêu Đảng, ông Phan Hùng Dũng và mẹ con ông Nguyễn Như Lâm, bà Đặng Thị Ngân, đã có những việc làm hết sức đáng trân trọng.
Tấm băng mừng sinh nhật Bác được viết từ năm 1969 của ông Phan Hùng Dũng. Ảnh: Phó Vân
Tấm băng mừng sinh nhật Bác Hồ trong vùng địch
Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5 (đường Duy Tân, TP Đà Nẵng) đang trưng bày tấm băng khẩu hiệu vải sô, viết chữ bằng mực sơn, dài cỡ 1,5m do ông Phan Hùng Dũng làm và cất giữ từ năm 1969.
Lần theo địa chỉ của tác giả tấm băng, chúng tôi tìm đến nhà ông Dũng (số 115/35 đường Phương Sài, xóm Cận Sơn 2, phường Phương Sơn, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) thì được tin ông đã mất năm 2009. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Tám vẫn nhớ như in những dấu ấn liên quan đến chồng mình, đặc biệt tấm băng mừng sinh nhật Bác Hồ được trân trọng giữ gìn trong gia đình suốt những năm sống trong vùng địch.
Bà Tám kể: Ông nhà tôi quê ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, trong một gia đình cách mạng “nòi”, có đến 7 người hy sinh cho kháng chiến được công nhận liệt sĩ. Ông giác ngộ cách mạng từ rất sớm, thời trẻ ở địa phương làm liên lạc cho du kích, được cử đi học lớp tình báo của huyện mở, rồi bị thương khi đang học.
Khi cậu ruột và anh trai tập kết ra Bắc, mọi người khuyên ông thay đổi tên họ, vào Nha Trang để tránh vòng vây của địch. Vào đến nơi, trên đường đi tìm tổ chức, ông bị địch bắt, đánh đập dã man và theo dõi rất chặt. Sau khi được thả, ông làm nghề xích lô, rồi chạy xe lam nuôi vợ con qua ngày.
Mặc dù sống giữa hang ổ của giặc, nhưng trái tim ông luôn hướng về cách mạng, về Bác Hồ. Tấm ảnh Bác mang theo từ hồi còn ở quê vào được ông cất giữ cẩn thận, thỉnh thoảng ông đem ra cho vợ và con xem, giáo dục cho các con tình cảm với lãnh tụ của dân tộc.
Bà kể: Nhà có chiếc máy thu thanh nhỏ xíu, nhiều buổi tối ông vào buồng vặn khẽ “Đài Hà Nội” để nghe tin tức. Vào đầu tháng 9/1969, khi biết Bác Hồ vừa từ trần, ông Dũng khóc thầm rồi bảo: “Mai mẹ thằng Tẹo mua cho tôi hoa, nải chuối, bánh trái để tôi cúng Bác”. Mấy ngày liền, bàn thờ nhà nghi ngút khói hương, chúng tôi phải nói dối với hàng xóm là cúng thần linh để mấy đứa nhỏ bớt bệnh.
Sau năm 1969, ông bàn với tôi mua tấm vải sô màu vàng nhạt dài hơn mét rưỡi, bề ngang chừng 30cm về làm phông, rồi mua sơn đỏ, sơn xanh ngồi hì hục viết lên đó câu khẩu hiệu: “Mừng sinh nhật Bác Hồ 19/5/1890”. Ông có hoa tay nên viết chữ cũng đẹp. Hàng năm đến ngày 19/5, vào buổi tối, chúng tôi mang tấm ảnh Bác, băng khẩu hiệu đặt trang trọng trên bàn thờ và thắp hương tưởng nhớ đến công lao trời bể của Người, sau đó lại mang vào cất kỹ.
Đến ngày 2/4/1975, TP Nha Trang được giải phóng, ông nhà mừng lắm rồi đem tấm khẩu hiệu, dán ảnh Bác Hồ căng lên làm thành cổng chào, viết thêm hai câu đối dựng 2 bên: “Đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch” và “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm”. Ông gọi thanh niên, thiếu niên đến nhà bày cho các cháu hát các bài hát về Bác Hồ; trống dong, cờ mở hàng tháng trời, tạo khí thế vui mừng, phấn khởi khắp cả vùng.
Rồi ông tìm chỉ huy bộ đội, tự nguyện dùng chiếc xe lam là kế sinh nhai của gia đình để chở bộ đội, du kích tiếp tục truy quét địch vào tận Cam Ranh, suýt nữa thì bị dính đạn địch.
Sau đó, ông tham gia làm công an, rồi phường đội trưởng. Ông nói, cả đời mình làm ăn rồi, nay phải cống hiến sức lực còn lại cho đất nước. Ông mơ ước một lần được ra thăm Lăng Bác, nhưng hoàn cảnh lúc ấy còn khó khăn, vất vả nên ông chưa toại nguyện. Đến khi con cái trưởng thành mua vé máy bay cho ba ra Hà Nội thì ông bệnh tim nặng điều trị, mổ xẻ đến 2 lần. Ông mất, mọi người ai cũng nhớ thương ông, một người suốt đời hướng về cách mạng và Bác Hồ kính yêu...
Điều đặc biệt, tấm băng trưng bày trong Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5 mà ông Dũng hiến tặng năm 1978 đã tạo sự xúc động sâu sắc cho nhiều khách tham quan, nhất là các cháu thiếu niên, nhi đồng.
Hơn 10 năm cất giữ tấm ảnh Bác Hồ trong ống tre
Tháng 2/1965, ông Nguyễn Như Lâm, tức Nguyễn Đình Thọ, cán bộ Xã đội Kỳ Xuân lên chiến khu học về cách đánh Mỹ.
Kết thúc khóa học đạt kết quả xuất sắc, ông được cấp trên tặng thưởng tấm ảnh Bác Hồ. Ông đem tấm ảnh về trao lại cho mẹ là bà Kiểm (tức bà Đặng Thị Ngân, một cơ sở cách mạng ở Kỳ Xuân, nay là xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cất giữ.
Hơn nửa năm sau, ông hy sinh trong một trận chiến đấu.
Yêu quý Bác, thương nhớ con, bà Kiểm cất giữ như là báu vật suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Có tên trong “sổ đen” bởi chồng và con hy sinh trong chiến đấu, bản thân là cơ sở cách mạng nên gia đình luôn bị địch theo dõi, dòm ngó, vây ráp, bà Kiểm nảy ra ý nghĩ cuốn gọn tấm ảnh vào trong ống tre và đậy kỹ lại để trên gác bếp. Nhiều lần địch ập vào nhà lục soát kỹ lưỡng, nhưng khi nhìn ống tre đen màu khói tro, chúng cứ nghĩ là đồ đựng hạt giống mà bà con ở đây vẫn hay dùng nên không để ý. Hai lần bị đốt nhà, tài sản bị mất hết còn chiếc ống tre vẫn theo bên bà Kiểm. Bí mật này chỉ một mình bà biết, ngay cả con cháu trong nhà cũng không hề biết nhà có ảnh Bác Hồ.
Ngày 24/3/1975, Kỳ Xuân được giải phóng, Ủy ban Tự quản được thành lập và ra mắt nhân dân tại trường Hòa An. Khi nghe các cán bộ tiếc rẻ là không có ảnh Bác Hồ treo cho trang trọng, bà Kiểm liền rút trong ống tre ra tấm ảnh Bác Hồ, đưa cho ông Nguyễn Đình Nam (cán bộ Binh vận của Khu 5) mượn để làm lễ ra mắt Ủy ban.
Năm 1983, đoàn công tác Bảo tàng Khu 5 khi nghe câu chuyện cảm động đã đến vận động bà Kiểm tặng tấm ảnh cho Bảo tàng. Bà đã vui lòng trao lại từ đó đến nay.
Hai người con gái bà Kiểm là bà Nguyễn Thị Lũy và bà Nguyễn Thị Thu Hương cũng từng làm cơ sở cách mạng. Người con trai duy nhất của liệt sĩ Lâm là anh Nguyễn Ngọc Quân đang công tác tại Công an huyện Núi Thành. Câu chuyện về tấm ảnh Bác Hồ được cất giữ suốt cuộc chiến tranh, càng làm anh và con cháu tự hào về bà nội thân yêu của mình và nguyện cống hiến hết mình cho Đảng, cho đất nước.
Ngọc Phó - Hồng Vân
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hà Nội sẽ hạn chế hoặc cấm lưu thông với nhiều phương tiện chạy bằng xăng dầu gây ô nhiễm cao vào vùng phát thải thấp. Thí điểm trước tiên ở 2 quận Hoàn Kiếm và Ba Đình.
Hải Hà
12:08 12/12/2024(Thanh tra) - Sáng nay (12/12), Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã khai mạc Kỳ họp thứ 24.
Trần Lê
10:32 12/12/2024Thu Nga
21:26 11/12/2024Trần Kiên
20:41 11/12/2024Trung Hà
15:05 11/12/2024PV
14:44 11/12/2024Văn Thanh
Bùi Bình
CB
Hải Hà
Chính Bình
Trọng Tài
Thái Hải
Hoàng Long
Hải Hà
PV
Trần Lê
Trần Quý