Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 22/03/2014 - 09:02
(Thanh tra) - Cây thuốc lá, một trong những loại cây kinh tế chủ lực ở vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai đang vào mùa thu hoạch. Cả ngàn lò sấy thuốc lá hoạt động hết công suất để kịp thời sấy khô sản phẩm. Phục vụ cho nhu cầu này, từng đoàn xe nối đuôi nhau chở củi từ bìa rừng về tập kết ở các lò, trong đó, có những khúc củi có đường kính từ 30-40cm. Việc lấy củi sấy thuốc làm cho rừng xanh ngày càng cạn kiệt, thế nhưng, chính quyền các cấp tỉnh Gia Lai vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu…
Lò sấy thuốc lá ở xã Chư Gu, huyện Krông Pa tiêu tốn nhiều gỗ rừng
Mang rừng vào… lò sấy
Những ngày tháng 3 này, vùng Tây Nguyên nắng như đổ lửa. Ven sông Ba, bà con nông dân các huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh Gia Lai đang tất bật thu hoạch cây thuốc lá. Trên lộ, từng đống lá thuốc tươi xanh nằm xếp lớp chờ gia chủ vận chuyển về. Từ ngã ba Mỹ Thạch, huyện Chư Sê xuôi theo Quốc lộ 25 vào thị xã Ayun Pa, đi thẳng xuống thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, không khó để chúng tôi “mục sở thị” hình ảnh các loại xe bò, xe tải, xe công nông “chất” đầy củi, gỗ, vô tư ngược xuôi trên đường. Ghé vào bất kỳ lò sấy thuốc lá nào ở khu vực các xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa; xã Ia Trôk, Ia Broăi, huyện Ia Pa; Chư Gu, Chư Rcăm, huyện Krông Pa… đều thấy gia chủ tích trữ một đống gỗ lẫn củi cao ngất ngưỡng chờ… đưa vào lò đốt. Đáng nói, có những khúc cây rừng đường kính lên đến 30 - 40cm (tiêu chí quy định củi thì có đường kính dưới 25cm - PV), được cắt thành khúc dài chừng 1,2 - 1,5m, với đủ chủng loại gỗ cũng được người dân biến thành chất đốt.
Chúng tôi lái “con ngựa sắt” cà tàng vào thôn Bình Minh, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, nơi tập trung nhiều lò sấy nhất huyện, thấy nhà nhà, người người đều bận rộn. Trong các khoảnh sân rộng, dưới chân các ngôi nhà sàn và những tán cây… ở đâu cũng có phụ nữ, trẻ em, người già, nam phụ lão ấu… ngồi xâu lá thuốc. Sau lưng những ngôi nhà, các lò sấy thuốc lá hoạt động hết công suất, từng cột khói bốc lên trắng xóa. Ở đây, hầu như nhà nào cũng có lò sấy, nhà ít thì 1 - 2 lò, nhà nhiều thì lên tới 5 - 6 lò. Cả thôn có 53 hộ thì có đến 47 hộ làm nghề sấy thuốc lá với hơn 100 lò, tất cả công đoạn sấy thuốc được tiến hành trong 7 ngày 6 đêm liên tục. Để có củi cung cấp cho các lò sấy này hoạt động, ngoài số củi điều ít ỏi do người dân chặt phá các vườn điều, số còn lại được người dân chặt trộm từ rừng, mặc dù, họ biết rằng, việc làm này là không được phép.
Cũng vì những lý do trên, nhiều cánh rừng trên địa bàn các huyện Krông Pa, Ia Pa và thị xã Ayun Pa bị người dân “tận diệt” không thương tiếc. Theo thời giá hiện tại, mỗi ster củi được mua bán với giá dao động từ 420.000 đồng đến 450.000 đồng. Đó là giá bán sỉ; với giá thu mua lẻ, mỗi khúc củi đường kính 15 - 20cm, dài 1,2 - 1,5m trên dưới 50.000 đồng/khúc, nếu củi có đường kính lớn hơn, tất nhiên giá cũng sẽ cao hơn. Với mức giá này, một cây rừng có đường kính vừa và nhỏ sau khi bị “xẻ thịt” cũng bán được từ vài trăm ngàn đến một triệu đồng. Điều này lý giải tại sao những người làm “nghề” khai thác gỗ, củi xuất hiện ngày càng nhiều tại vùng “chảo lửa” này.
Thuốc lá mọc lên, rừng ngã xuống
Vài năm trở lại đây, cây thuốc lá được giá nên người dân các huyện Krông Pa, Ia Pa, thị xã Ayun Pa và một số địa phương khác ở vùng Đông Nam Gia Lai đua nhau phá bỏ cây điều để trồng thuốc lá. Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, diện tích cây thuốc lá và lò sấy thuốc đã tăng lên đáng kể. Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, hiện toàn tỉnh có khoảng 1.000 lò sấy thuốc, trong đó, nhiều nhất là huyện Krông Pa với hơn 700 lò, huyện Ia Pa gần 200 lò và thị xã Ayun Pa gần 100 lò… Niên vụ sản xuất 2013 - 2014, khu vực Đông Nam Gia Lai trồng được gần 4.000 ha thuốc lá, trong đó tập trung ở các địa phương như: Huyện Krông Pa có gần 2.600 ha, huyện Ia Pa có gần 1.000 ha và thị xã Ayun Pa 350 ha. Năng suất của vùng ước đạt 2,7 tấn thuốc lá khô/ha, ước tổng sản lượng khoảng 10.500 tấn thuốc lá sấy khô. Đem con số này nhân với lượng củi dùng để sấy trung bình như lò sấy của gia đình anh Đinh Văn Tân, chắc hẳn ai cũng thấy lượng củi đổ vào các lò sấy ở mức “khổng lồ”, phải lên đến hàng vạn ster gỗ, củi mỗi năm.
Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi may mắn làm quen với anh Ksor Phin, dân tộc Jrai, ở thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, khi đang ngồi nghỉ mệt trong một quán nước. Trong câu chuyện thân mật, Ksor Phin cho biết, thấy cây thuốc lá mang lại hiệu quả kinh tế hơn hẳn cây điều nên cách đây 3 năm, vợ chồng anh quyết định chặt bỏ 1,5 ha điều và chuyển sang trồng thuốc lá. Ban đầu nguồn nguyên liệu để anh đốt lò sấy thuốc là những gốc điều trong vườn, nhưng chưa hết một mùa thuốc, củi điều đã hết veo. Mày mò tìm kiếm, anh lên thị xã Ayun Pa mua trấu về đun. Thế nhưng, chưa hết một “mẻ” thuốc, vợ chồng anh đã “oải” vì mỗi lần đốt lò phải mất cả tuần, trong khi sức người thì có hạn. Thế là, anh chuyển hướng vào rừng chặt củi. Số củi kiếm được không chỉ sử dụng cho gia đình mà anh còn mang đi bán. “Khoảng đầu tháng 12 Dương lịch, tôi bắt đầu đi chặt củi để sấy thuốc lá và bán cho các lò. Mỗi lần “đi củi”, tôi vào rừng từ sáng sớm. Củi, gỗ chặt xong, tôi chất sẵn dưới các lùm cây ven đường, chờ đến buổi trưa hoặc xẩm tối, lúc ít người để ý mới chở về. Trước đây, một chuyến vào rừng tôi kiếm được vài xe. Giờ thì khó hơn, vì cây rừng ngày càng ít, trong khi lò sấy và số người đi chặt củi ngày càng nhiều”, anh Ksor Phin than thở.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi năm diện tích cây thuốc lá ở huyện Krông Pa và huyện Ia Pa tăng lên hàng trăm ha. Kéo theo đó, nhu cầu chất đốt cũng tăng lên, trong khi củi điều thì có hạn. Hệ lụy là khoảng trống ở các khu rừng xuất hiện ngày càng nhiều hơn, mà minh chứng rõ nhất là hình ảnh những khoảnh rừng bị “cạo trọc”, nham nhở theo dạng da báo, ngay dưới chân đèo Tô Na và dọc Quốc lộ 25 vào thị trấn Phú Túc.
Đem thắc mắc “có hay không việc người dân phá rừng làm củi đốt”, chúng tôi cố gắng liên lạc với ông Bùi Đức Việt, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa, nhưng không thể được, vì lần nào ông cũng… bận. Còn ông Nguyễn Văn Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Ayun Pa, giải thích: “Nguồn đun chủ yếu ở các lò sấy thuốc lá là trấu, vì trên địa bàn thị xã Ayun Pa có nhiều nhà máy xay xát gạo, đủ cung cấp cho gần 100 lò thuốc ở các xã Ia Rtô, Ia Sao và phường Sông Bờ. Còn nguồn củi mà các lò trên địa bàn thị xã đang sử dụng chủ yếu là củi điều. Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở người dân, nếu ai sử dụng củi rừng tự nhiên sẽ bị lập biên bản ngay”.
Tuy nhiên, nhiều hộ trồng thuốc lá cho biết, cho đến thời điểm này, củi vẫn là nguồn nguyên liệu chính dùng để sấy thuốc lá, bởi việc đốt lò bằng trấu tốn nhiều công sức. Hơn nữa, nếu dùng trấu thì cũng phải có củi làm nguồn dẫn, trong khi đó hiện tại người dân cũng chưa có phương pháp sấy thuốc lá nào ngoài việc dùng củi dẫn lửa hỗ trợ cho đốt bằng trấu, nên tình trạng tích trữ củi vẫn còn tiếp diễn. Vì vậy, sức ép khổng lồ của nhu cầu nguyên liệu sấy thuốc lại tiếp tục đổ xuống những cánh rừng.
Vẫn biết, cây thuốc lá mang lại lợi ích kinh tế cao, giúp người dân vùng nông thôn tỉnh Gia Lai cải thiện cuộc sống, thế nhưng, nó cũng khiến cho những cánh rừng ở tỉnh miền núi này ngày càng teo tóp khi người dân “tận diệt” rừng, lấy củi làm chất đốt. Để bảo vệ những cánh rừng tự nhiên hiếm hoi còn sót lại, chính quyền và ngành chức năng địa phương cần sớm có các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng không tốt đẹp nói trên.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.
Nam Dũng
14:11 15/12/2024(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân