Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khoáng sản vẫn “chảy máu”

Thứ ba, 26/11/2013 - 09:23

(Thanh tra)- Thời gian gần đây, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là nạn khai thác vàng trái phép ở huyện Vũ Quang, huyện Kỳ Anh và khai thác cát lậu trên sông La.

Tình trạng khai thác đất trái phép diễn ra hết sức nhức nhối. Ảnh: Trần Quốc

Tan nát vì... vàng


Những năm gần đây, “cơn lốc vàng” đã biến nhiều vùng núi của huyện Vũ Quang, huyện Kỳ Anh trở nên nham nhở. Cây rừng bị vàng tặc đốn hạ để “dọn chỗ” làm điểm khai thác vàng. Đặc biệt, với vị thế thuận lợi cho việc khai thác và vận chuyển nhiều đối tượng “vàng tặc” đã chọn địa bàn các xã giáp ranh với nước bạn Lào để hoạt động.


Gần đây nhất, ngày 30/10/2013, đoàn công tác liên ngành huyện Vũ Quang đã tiến hành truy quét “vàng tặc” tại Khe Đừng, Khe Tro (xã Hương Điền). Tuy nhiên, khi tổ công tác ập đến các đối tượng đã bỏ trốn hết. Tại hiện trường, tổ công tác thu giữ được 12 máy nổ, 15 giàn sàng, 200m2 bạt nilon, 150m ống nước, hơn 200 lít dầu diezen và nhiều đồ dùng sinh hoạt như quần áo, chăn màn, nồi và thức ăn còn bỏ lại.

Trước đó, vào ngày 25/9/2013, cũng tại khu vực Khe Tro, Đồn Biên phòng Hương Quang (đóng tại địa bàn xã Hương Quang, huyện Vũ Quang) phối hợp với lực lượng kiểm tra liên ngành đã bắt giữ 25 đối tượng đang khai thác vàng trái phép.

Qua điều tra ban đầu, nhóm đối tượng này khai nhận đều ngụ ở Nghệ An và Nam Định. Vì không có việc làm ổn định, lợi dụng thời điểm nước lũ dâng cao, nhóm này mang máy móc phương tiện vào khu vực Khe Tro để khai thác vàng trái phép.25 đối tượng khai thác vàng trái phép bị lực lượng chức năng bắt giữ tại Khe Tro, xã Hương Điền, huyện Vũ Quang. Ảnh: Trần Quốc

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vũ Quang cho biết: “Chúng tôi thường xuyên lập nhiều đoàn công tác liên ngành truy quét “vàng tặc”, nhưng do địa thế rừng núi hiểm trở nên đoàn công tác gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận. Nhiều lần nhận được tin báo của người dân có “vàng tặc” hoạt động, tuy nhiên, khi chúng tôi vào tới nơi thì bọn chúng đã lẩn trốn hết”. 

Tại huyện Kỳ Anh, việc khai thác vàng trái phép cũng diễn biến hết phức tạp. Cụ thể: Tại khu vực Rào Tre, khe Moòng Coòng, xã Kỳ Sơn, Cty Cổ phần Đức Hạnh đã tiến hành khai thác khoáng sản trong lúc chưa được cấp phép, ảnh hưởng tới an ninh trật tự trên địa bàn và gây ô nhiễm môi trường. Vị trí mỏ vàng Cty tiến hành khai thác nằm ở đầu nguồn nước đổ về sông Rào Trổ là nguồn cung cấp nước trực tiếp cho Khu kinh tế Vũng Áng, phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Trước tình hình đó, ngày 16/8/2013, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Công văn số 2930/UBND-CN, giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì và phối hợp với Công an tỉnh, Sở Công thương và UBND huyện Kỳ Anh xử lý nghiêm, dứt điểm việc Cty Đức Hạnh khai thác khoáng sản trái phép.

Ngoài ra, Công văn số 2930/UBND-CN cũng nghiêm khắc phê bình UBND huyện Kỳ Anh đã buông lỏng công tác quản lý, để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, gây bức xúc cho quần chúng nhân dân trên địa bàn.

Phải chăng thuốc chưa đặc trị?

Điều đáng nói là, nạn khai thác cát, đất, quặng Mang-gan... trái phép đang diễn ra hết sức phức tạp. Theo tìm hiểu của PV, việc khai thác khoáng sản trái phép ở đây có dấu hiệu bao che của chính quyền địa phương khi phần lớn những đối tượng này là người bản địa.

Lợi dụng mực nước ở đập Cù Lây xuống cạn nhiều đối tượng đã tiến hành khai thác cát trái phép. Ảnh: Trần Quốc

Sáng ngày 5/11, có mặt tại sông La đoạn chảy qua các xã Đức Hòa, Đức Nhân, huyện Đức Thọ, chúng tôi chứng kiến hàng chục ghe thuyền của “cát tặc” ngang nhiên hút cát lậu khiến người dân sống gần khu vực hết sức bất bình. Tiếng máy nổ hút cát, tiếng ghe máy gầm rú làm náo loạn cả một khúc sông La.


Trước tình trạng “cát tặc” lộng hành trên sông La, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành cũng như các địa phương xử lý nghiêm. Tuy nhiên, sau một thời gian tạm lắng, hiện nay tình trạng khai thác cát, sạn trái phép ở trên sông La lại diễn ra một cách ồ ạt và tràn lan, ảnh hưởng xấu tới hệ sinh thái của dòng sông.


Trước đó, vào cuối tháng 7, trung tuần tháng 8, lợi dụng mực nước ở đập thủy lợi Cù Lây (xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc) cạn, nhiều đối tượng đã tiến hành khái thác cát trái phép, khiến người dân địa phương lo lắng.


Đập Cù Lây là công trình thủy lợi trọng điểm của huyện Can Lộc, phục vụ nước tưới tiêu cho 2 xã Thuần Thiện và Tùng Lộc. Trước đây khi dự án ngọt hóa sông Nghèn chưa được hoàn thành, đập Cù Lây còn có vai trò chống hạn cho các xã vùng dưới như Ích Hậu và Phù Lưu. Cty THNH Một thành viên Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh là đơn vị được giao quản lý, điều tiết hoạt động xả nước cho đập và cùng với chính quyền xã Thuần Thiện bảo vệ đập. Tuy nhiên, tình trạng “cát tặc” diễn ra được cả tháng, Cty cũng như chính quyền địa phương chưa có giải pháp nào mang tính quyết liệt để ngăn chặn, đến khi người dân phản ánh lên cấp trên tình trạng này mới được giải quyết dứt điểm.

Cùng với đó, nạn khai thác đất trái phép trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã và đang diễn ra hết sức nhức nhối. Thời gian này, tuyến quốc lộ 1A đi qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh đang trong thời gian tiến hành cải tạo, nâng cấp nên cần một số lượng đất lớn để làm nền, từ nhu cầu đó, nhiều nhà thầu đã bất chấp tất cả khai thác đất trái phép trước lệnh cấm của chính quyền địa phương.

Việc khai thác quặng Mang-gan trái phép tại địa bàn xã Phú Lộc, huyện Can Lộc cũng diễn biến phức tạp. Trước đó, vào khoảng 14 giờ ngày 8/1/2013, ở khu vực đập Trống, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc xảy ra vụ hỗn chiến tập thể dẫn đến chết người. Nguyên nhân của vụ việc được xác định là do tranh chấp khai thác kinh doanh quặng Mang-gan.

Trao đổi với PV Báo Thanh Tra, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho biết: “Trong thời gian qua, chúng tôi đã tăng cường phối hợp với lực lượng liên ngành kiểm tra, truy quét các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, phương tiện di chuyển còn thiếu thốn nên gặp rất nhiều khó khăn”.

Tính đến nay, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã gửi rất nhiều công văn yêu cầu lãnh đạo các địa phương, phòng và cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc xử lý triệt để nạn khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, một khi chính quyền địa phương còn lơ là trong công tác quản lý thì “vàng tặc”, “cát tặc”...  vẫn còn “đất để sống”.

Trần Quốc

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.

Nam Dũng

14:11 15/12/2024
Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm