Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khổ như công nhân khu công nghiệp

Thứ năm, 02/06/2011 - 08:24

(Thanh tra)- Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về công nhân (CN) trong các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) cho thấy, họ phải liên tục làm tăng ca, thêm giờ song thu nhập vẫn rất eo hẹp, 50% CN ở trọ tạm bợ, hầu hết bị cắt xén chế độ khám bệnh, “mù” văn hóa ngày càng tăng… Còn doanh nghiệp (DN) dùng mọi thủ đoạn bóc lột người lao động để rồi phải đối mặt với đình công, CN liên tục bỏ việc.

Những công nhân này vẫn đang ngày ngày làm việc trong bao bộn bề lo toan về cuộc sống.(Ảnh minh họa)

Mặc dù 1,6 triệu lao động trực tiếp của 260 KCN, 15 KKT đóng góp rất lớn cho kinh tế quốc gia, song Viện trưởng Viện CN & Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Đặng Quang Điều nhận xét: “Nói đến CN tại KCN, KKT là nói tới CN nghèo, nhiều lúc rất xót xa. Nếu Chính phủ còn duy trì chính sách tiền lương tối thiểu, đời sống CN càng khó khăn”!

DN trốn khám bệnh, CN “mù” văn hóa
Vụ Quản lý các KCN khẳng định: DN hầu như phớt lờ các quy định khám chữa bệnh cho CN, thậm chí chấp nhận bị phạt tối đa 2 triệu đồng hoặc cao hơn thay vì phải chi cho mỗi CN khám bệnh bình quân 25.000 đồng/năm.

Viện trưởng Đặng Quang Điều cho biết, do thu nhập quá thấp, nhiều CN hết sức… lạ lẫm với xem phim, kịch tại rạp còn du lịch là thứ hưởng thụ quá cao siêu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, Nghị định 29/2009 đã đề cập tới nâng cao đời sống tinh thần cho lao động trong các KCN, KKT song chưa hề có chính sách đầu tư từ ngân sách cụ thể nào cho hoạt động văn hóa - thể thao tại đây, khiến hiện tượng người lao động “mù” văn hóa ngày càng tăng. 

Bà Nguyễn Phương Lan lo ngại tệ nạn xã hội (mại dâm, ma túy) phát sinh ngày càng nhiều trong đội ngũ lao động; xuất hiện lối sống thực dụng, buông thả.

Làm cực nhọc song lương vẫn “bèo”
Ông Lê Tuyển Cử,  Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Thu nhập thực tế của đa số CN chưa đủ chi tiêu cho các nhu cầu cơ bản hằng ngày. Đáng lưu ý, 10 - 15% tổng thu nhập ít ỏi là các khoản phụ cấp không ổn định (xăng xe, nhà trọ, làm thêm giờ, chuyên cần…), có thể bị cắt bỏ. Gần đây, giá cả hàng hóa thiết yếu tăng cao, đời sống CN càng giảm sút do DN luôn lấy mức lương tối thiểu Nhà nước quy định (chỉ bằng 60 - 70% nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người lao động) làm gốc tham chiếu trả lương cho CN. Ông Đặng Quang Điều cho biết, 3 năm gần đây, khoảng 20% CN còn không được tăng lương!

Phó Trưởng Ban Quản lý (BQL) các KCN tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Hữu Trọng, xác nhận: Do thu nhập thấp, CN dệt may sẵn sàng tăng ca 2 - 3 giờ/ngày, kéo dài hàng tháng khiến ảnh hưởng xấu tới sức khỏe (đặc biệt là lao động nữ), dễ xảy ra tai nạn lao động.

Khảo sát gần đây của BQL các Khu chế xuất - KCN TP HCM cho thấy, do trên 60% CN thuê nhà trọ, giá cả sinh hoạt tăng nhanh… khiến CN nữ tiết kiệm tối đa nên tích lũy được chút ít, còn CN nam rất khó.

Theo kết quả điều tra của Viện CN & Công đoàn, 30,7% CN được hỏi cho rằng, tiền công, phụ cấp DN trả chưa thỏa đáng so với công sức bỏ ra.  Do đó, nhiều DN luôn đau đầu đối phó với tình trạng CN “nhảy việc” sang chỗ khác thu nhập cao hơn. Mặc dù quá trình thành lập KCN đã được 20 năm, song có tới 35,6% CN mới làm trong DN dưới 1 năm, 37,4% làm từ 1 - 3 năm, 21,3% làm từ 3 - 5 năm… Hầu hết DN ngoài Nhà nước thường xuyên bị biến động lao động. Hàng tháng, bình quân có 15 - 30% CN được tuyển dụng mới bổ sung cho số nghỉ việc.

Ăn đạm bạc, ở tạm bợ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê: CN dành 55 - 62% thu nhập cho ăn uống không phải chứng tỏ CN “sống để ăn” mà do thu nhập tụt hậu quá xa so với sức tăng giá lương thực, thực phẩm.

Phó Trưởng BQL các KCN tỉnh Đồng Nai, bà Nguyễn Phương Lan cho biết, tổng thu nhập trung bình của CN trong KCN của tỉnh khoảng 2,4 - 2,8 triệu đồng. Ngoài bữa ăn giữa ca do DN tổ chức, CN thường ăn đơn giản với thực phẩm rẻ tiền, làm sẵn, không bảo đảm vệ sinh… để tiết kiệm tiền và thời gian. Tuy nhiên, đại diện BQL các KCN tỉnh Long An chỉ rõ bản chất của “bữa ăn giữa ca”: CN ngành may, túi xách, giày da chỉ được ăn 7.000 - 8.000 đồng/suất, lại qua nhà thầu phục vụ nên chất lượng thật của bữa ăn rất thấp. BQL các Khu chế xuất - KCN TP HCM thống kê năm 2010 xảy ra 30 cuộc đình công, lãn công thì 14 liên quan đến bữa ăn giữa ca kém chất lượng (phổ biến từ 10.000 - 20.000 đồng), khiến CN không đủ sức khỏe làm việc. Cơ quan này phải lập danh sách, gửi công văn khuyến cáo những DN tổ chức dưới 10.000 đồng/suất ăn cải thiện bữa ăn để tránh phải đối mặt với đình công, lãn công.

 “Khác với một số nước, Việt Nam không bắt buộc DN thuê lao động phải bảo đảm cung cấp chỗ ở cho người lao động”, Phó Vụ trưởng Lê Tuyển Cử nhấn mạnh. Theo số liệu của Vụ Quản lý các KKT, toàn quốc mới khởi công 24 dự án xây nhà ở cho CN trong KCN (9 dự án tại TP HCM, Hà Nội đã hoàn thành) với tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng, giải quyết chỗ ở cho khoảng 125.000 lao động. Tuy một số DN trong KCN bắt đầu cung cấp nhà ở đủ tiêu chuẩn cho người lao động, song CN không “dám” vào do tiền thuê đắt gấp 2 - 4 lần mức chi phí nhà ở được cơ cấu trong lương! Do đó, 50% CN các KCN vẫn phải “dạt” vào trọ trong các hộ gia đình, với chất lượng nhà rất thấp.

Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, phàn nàn: Quyết định 66/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho CN tại các KCN thuê đang gặp nhiều vướng mắc do một số chủ đầu tư dự án chỉ được chính quyền, đặc biệt tại Hà Nội, cấp quyết định giao đất mà không được cấp “sổ đỏ” nên không thể mang thế chấp để vay vốn ngân hàng. Từ năm 2010, Quốc hội không cho phép chủ đầu tư dự án xây nhà ở cho CN trong KCN thuê được hưởng ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN nên khó kêu gọi đầu tư. Bộ Xây dựng đã làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhưng mới chỉ có 1 dự án nhà ở cho CN tại KCN Long An được vay vốn ưu đãi.

Đại diện BQL các KCN tỉnh Bình Định nhận xét, rất ít DN bất động sản, chủ đầu tư hạ tầng KCN mặn mà tham gia xây dựng nhà ở cho CN thuê vì chính sách yêu cầu lợi nhuận không quá 10% trong khi lãi vay ưu đãi của ngân hàng đã trên 13%, vốn đầu tư lớn song thu hồi chậm…

Hàng loạt nhà máy mọc lên kéo theo nhu cầu cần... nhà trẻ! BQL Khu chế xuất - KCN TP HCM bức xúc nhất về vấn đề này bởi hầu hết CN chỉ đủ tiền gửi con tại các nhóm trẻ gia đình, không bảo đảm chăm sóc. Ông Điều khẳng định: Chưa KCN nào có nhà trẻ, chỉ lác đác một vài DN xây dựng nhà trẻ cho CN thì đội ngũ lao động ổn định hơn hẳn. Do đó, nhiều gia đình CN đẻ xong phải gửi về quê cho ông bà trông nom…

Đình công gia tăng
Do DN xử phạt CN bất hợp lý, trả lương không thỏa đáng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, trì hoãn ký hợp đồng dài hạn dù đã hết thời hạn tập sự, sa thải không có lý do chính đáng… khiến số lượng đình công tại các KCN có chiều hướng gia tăng.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Phải cải cách tiền lương, hỗ trợ nhà ở
Viện trưởng Đặng Quang Điều cho rằng, giải pháp cốt lõi bảo đảm đời sống CN trong KCN là giải quyết hài hòa tiền lương, bảo đảm người lao động đủ sống và có tích lũy.

Lãnh đạo BQL các KCN Thừa Thiên - Huế đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Bộ luật Lao động không còn phù hợp (tiền lương tối thiểu vùng, chính sách đối với lao động nữ…). Đồng thời, xây dựng Luật Việc làm, Luật Tiền lương tối thiểu, trong đó chú trọng cải cách tiền lương, tiền công theo cơ chế thị trường và dựa trên thỏa thuận giữa các bên, không phân biệt giữa các loại hình DN.

Phó Cục trưởng Vương Duy Dũng giữ quan điểm Nhà nước phải thành lập quỹ cho chủ đầu tư và cả các hộ gia đình xây dựng nhà ở cho CN thuê vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế cho 2 nhóm đối tượng trên. Đồng thời, ban hành tiêu chuẩn chất lượng nhà ở cho CN thuê tại hộ gia đình, buộc DN trong KCN phải có trách nhiệm hình thành nguồn vốn tạo lập nhà ở cho người lao động của mình.

Ông Điều đề nghị các địa phương khi lập quy hoạch KCN, KKT phải bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở cho CN; quy hoạch khu đô thị phục vụ CN dành cho 2 - 3 KCN gần nhau, trong đó lưu ý xây dựng cả nhà trẻ… Đặc biệt, chính quyền địa phương phải xử phạt nghiêm khắc các chủ DN vi phạm quy định liên quan đến người lao động. “DN có vốn đầu tư nước ngoài rất sợ bên ngoài biết mình bạc đãi CN vì dễ bị khách hàng quốc tế tẩy chay hàng hóa”, ông Nguyễn Hữu Trọng “mách nước”…

BQL Khu chế xuất - KCN TP HCM lại đề nghị bổ sung ngay chế tài xử phạt đối với DN đã xây dựng thang bảng lương, được BQL xác nhận hợp lệ, song không chịu thực hiện. “172 DN đối phó theo cách này mà thanh tra lao động không thể phạt. Họ áp dụng lương tất cả CN đều ở bậc khởi điểm, người có thâm niên được tính thêm phụ cấp hoặc chia nhỏ mỗi bậc lương theo quy định thành nhiều bậc nữa. Do đó, mỗi lần tăng lương CN chỉ được thêm 14.000 - 16.000 đồng, khiến lương người có thâm niên 15 năm cao hơn CN mới vào… 125.000 đồng, dẫn tới đình công”, đại diện BQL bức xúc!

Phó Vụ trưởng Lê Tuyển Cử nhấn mạnh “sẽ tổng hợp các đề xuất trên để trình cấp có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ khó khăn cho CN và đưa vào báo cáo tổng kết 20 năm thành lập KCN, KKT”.

Đức Minh - Thu Hằng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình cùng dân tộc

Xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình cùng dân tộc

(Thanh tra) - Nhằm khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, tạo không khí thi đua sôi nổi, động viên, khích lệ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước ra sức phấn đấu, cống hiến, thiết thực chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước. Ngày 13/12, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát động thi đua năm 2025.

Nguyễn Điểm

16:01 13/12/2024
Ấn tượng chương trình ngày hội rèn luyện sức khỏe người cao tuổi Hà Nội

Ấn tượng chương trình ngày hội rèn luyện sức khỏe người cao tuổi Hà Nội

(Thanh tra) - Ngày 13/12/2024, tại Hà Nội đã diễn ra Ngày hội rèn luyện sức khỏe người cao tuổi Thủ đô năm 2023, với sự tham gia của gần 3.000 người cao tuổi đến từ khắp các quận, huyện Hà Nội. Chương trình do Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Sức khỏe ngoài trời người trung cao tuổi Hà Nội tổ chức, với sự đồng hành của Vinamilk và nhãn hàng sữa Sure Prevent Gold. Đây là sân chơi giúp người cao tuổi rèn luyện sức khỏe, khuyến khích phong trào tập luyện thể dục - thể thao trong cộng đồng.

Vân Trang

14:15 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm