Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hiện thực khát vọng xây dựng “thành phố bên sông”

Hải Hà

Thứ ba, 03/05/2022 - 06:36

(Thanh tra)- UBND TP Hà Nội đã phê duyệt và công khai đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Nhiều chuyên gia đánh giá, quy hoạch sẽ từng bước hiện thực hoá khát vọng xây dựng “thành phố bên sông”, khơi dậy các giá trị kinh tế, văn hoá, xã hội của vùng đất bãi rộng lớn, làm thay đổi diện mạo Thủ đô trong tương lai không xa…

Toàn cảnh quy hoạch phân khu sông Hồng. Ảnh: HH

Khu vực ven sông sẽ… “thay áo mới”

Phân khu đô thị sông Hồng có chiều dài 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện với diện tích gần 11.000ha. Trong đó, sông Hồng chiếm 3.600ha (33%), đất bãi sông trên 5.400ha (50%), phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời như các xã: Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt và các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá…

Đây là quỹ đất vô cùng rộng lớn, nhưng nhiều năm nay chưa được khai thác hiệu quả. Tại khu vực bãi giữa chủ yếu là trồng rau, hoa màu, cây ăn quả… giá trị kinh tế thấp. Ở khu đất bãi bồi dọc hai bên bờ sông, nhiều diện tích bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích.

Đặc biệt, ở những khu vực gần khu dân cư có nhiều mảnh đất rộng được chăng dây thép hoặc quây tôn để làm nhà xưởng, trồng cây, không ít người dân lao động nghèo dựng lều lán làm nơi sinh sống… Vi phạm “nóng” nhất phải kể đến khu vực ngõ 76 An Dương thuộc quản lý của 2 phường Yên Phụ và Tứ Liên (quận Tây Hồ). Đây là con ngõ rộng nhất để các phương tiện di chuyển vào khu bãi bồi ven sông.

Tình trạng vi phạm cũng diễn ra khá phổ biến tại khu vực đất bãi sông Hồng thuộc các phường Đông Ngạc, Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm). Hay tại ngõ 195 Hồng Hà, phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm); khu vực bờ vở sông Hồng thuộc phường Phúc Xá (quận Ba Đình)… cũng có một số hộ dân sử dụng đất canh tác làm nhà ở tạm.

Tại một số khu vực ven sông đã hình thành những xóm nghèo tạm bợ trên những căn nhà nổi, nhà lắp ghép lấn chiếm mặt nước khu vực bãi sông Hồng hay những khu nhà trọ đông đúc với giá thuê rẻ…

Theo ông Hoàng Văn Sáng - Chủ tịch UBND phường Yên Phụ (quận Tây Hồ), những vi phạm trên tồn tại khá lâu, nhưng khó xử lý dứt điểm. Khi lực lượng chức năng quyết liệt lập chốt, các vi phạm được xử lý. Song, do việc dựng lều lán, quây tôn diễn ra rất nhanh, chỉ mất 2-3 tiếng là xong và được thi công vào ban đêm để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, nên nhiều “công trình” tái vi phạm đến cả… chục lần”.

Trước thực trạng trên, việc phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là cơ hội để khu vực 2 bên sông “thay áo”, ổn định đời sống người dân.

Theo quy hoạch, phân khu đô thị sông Hồng gồm 3 phân đoạn chính: Từ cầu Hồng Hà tới cầu Thăng Long trở thành khu vực phát triển không gian sinh thái; từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì là khu vực trung tâm đa chức năng với các công trình công cộng, văn hóa, thương mại, dịch vụ, và cuối cùng, từ cầu Thanh Trì đến cầu Mễ Sở là không gian sinh thái trọng tâm với các khu vực nông nghiệp trồng rau, cây cảnh, thủy sản.

Đồ án quy hoạch cũng xác định xây dựng mới 6 cầu đường bộ qua sông Hồng gồm: Cầu Hồng Hà, Mễ Sở, Thượng Cát, Ngọc Hồi, Tứ Liên và cầu Trần Hưng Đạo. Ngoài ra, TP định hướng khai thác thêm cảnh quan ở những khu vực xen kẹt ngoài bãi sông để có thể kết hợp thành công viên hay tiện ích để phục vụ người dân.

Người dân Thủ đô kỳ vọng quy hoạch phân khu sông Hồng là cơ hội để Hà Nội làm nên "kỳ tích sông Hồng". Ảnh: HH

Cơ hội làm nên… “kỳ tích sông Hồng”

Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vừa được UBND TP phê duyệt, không chỉ đáp ứng nguyện vọng của hàng chục vạn cư dân đang sinh sống tại vùng bãi sông Hồng mà còn là mong mỏi của toàn thể nhân dân Thủ đô.

Quy hoạch phân khu hoàn thành sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô mà TP đang thực hiện, nhằm sớm đưa Thủ đô phát triển đồng bộ, văn minh, hiện đại, bền vững, nhất là trong bối cảnh nhiều quận trung tâm không còn quỹ đất để phát triển.

Gần đây, quận Hoàn Kiếm có chủ trương cải tạo, phát triển khu đất bãi bồi, bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hoá, du lịch… Khi quy hoạch được phê duyệt thì không chỉ riêng quận Hoàn Kiếm thực hiện chủ trương cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi, mà cả TP sẽ thực hiện theo quy hoạch được duyệt trên suốt hơn 40km chiều dài đoạn sông Hồng chảy qua địa phận nội đô.

Phường Chương Dương và Phúc Tân - 2 địa bàn của quận Hoàn Kiếm nằm bên bờ sông Hồng; đây là 2 phường có quỹ đất rộng (tổng diện tích là 179,8ha) và đông dân nhất của quận với 39.702 người, nhưng hạ tầng lại đang rất xuống cấp.

Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, TP phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ là cơ sở thuận lợi để quận Hoàn Kiếm tiếp tục nghiên cứu thực hiện tái thiết bộ mặt đô thị, nâng cao điều kiện sống cho người dân khu vực ngoài bãi sông Hồng thuộc địa bàn quận.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội khai thác, phát huy giá trị cảnh quan mặt nước, cây xanh của sông Hồng tại quận Hoàn Kiếm. Quận sẽ cùng với đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, phát triển khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch và báo cáo TP để lồng ghép đảm bảo phù hợp với quy hoạch phân khu mà TP vừa phê duyệt.

Theo các chuyên gia, sau khi quy hoạch được duyệt, điều quan trọng nhất chính là triển khai quy hoạch vào thực tiễn. Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng chia sẻ, Hà Nội cần phải tính toán để có được nguồn lực phát triển và chuẩn bị các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư, giải quyết thách thức hiện nay là tạo dựng môi trường sống tốt cho hàng chục vạn người dân đang sinh sống ngoài khu vực đất bãi vốn mấy chục năm qua phải sống trong tình trạng tạm bợ, không có giấy phép, hạ tầng thiếu thốn.

“Khi giải phóng mặt bằng, Hà Nội rất cần tạo quỹ đất để đấu thầu, tạo nguồn lực tái thiết, đầu tư xây dựng các khu vực theo quy hoạch, tránh tình trạng các dự án “đắp chiếu”, gây lãng phí nguồn lực, mất niềm tin của nhân dân” - kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng bày tỏ.

Có thể nói, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được duyệt là cơ hội rất lớn để phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, văn minh, hiện đại và giải quyết vấn đề sinh kế cho người dân sống 2 bên sông. Từ đây, Hà Nội đã có đủ căn cứ pháp lý để sớm hiện thực hóa khát vọng xây dựng “thành phố bên sông”. Hi vọng, tương lai không xa, Hà Nội sẽ làm nên “kỳ tích sông Hồng".

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Làng Nủ đã hồi sinh trở lại

Làng Nủ đã hồi sinh trở lại

(Thanh tra) - Sau cơn bão số 3 cả một ngôi làng bỗng chốc tan tác, để lại phía sau chỉ là bùn đất, nước mắt và sự mất mát không thể tả thành lời nhưng với sự nỗ lực của các cấp các ngành cùng huyện Bảo Yên đến nay Làng Nủ, xã Phúc Khách đã hồi sinh trở lại cuộc sống bình thường.

Nam Dũng

17:59 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm