Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hàng chục nghìn tỷ đồng đã hỗ trợ cho người nghèo và cận nghèo

Thứ ba, 07/11/2017 - 15:06

(Thanh tra)- Theo Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững 2016-2017, hàng chục nghìn tỷ đồng tiền chính sách đã và đang đến với người nghèo và cận nghèo, tập trung vào các chính sách về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ tiền điện... Ước tính cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước sẽ giảm xuống dưới 7%.

Người nghèo nông thôn cần hỗ trợ nghề nghiệp để thoát nghèo. Ảnh: TA

Giảm dưới 7% hộ nghèo

Cụ thể, trong hai năm 2016 - 2017, ngân sách đã bố trí 18.642 tỷ đồng để thực hiện mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời hỗ trợ 5.483 tỷ đồng để bảohiểm y tế cho người cận nghèo và học sinh, sinh viên.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ y tế, thì ngân sách Trung ương cũng hỗ trợ giáo dục cho người nghèo 2 năm qua với số tiền 5.730 tỷ đồng để miễn giảm học phí và hỗ trợ kinh phí học tập theo Nghị định 86/2015. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ huy động trẻ em đến trường theo độ tuổi tăng.

Chính sách tín dụng ưu đãi cũng đến với hàng nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để các nhóm đối tượng này vay vốn. Trong đó, trên 74 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn lần đầu trong năm.

Trong 9 tháng năm 2017, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay trên 1.672 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 43.766 tỷ đồng, tăng 1.873 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong đó doanh số cho hộ nghèo vay là 9.292 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo là 7.592 tỷ đồng và cho vay hộ mới thoát nghèo là 8.746 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiều nghìn tỷ đồng cũng đã đến với các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo trong chính sách về hỗ trợ tiền điện; hỗ trợ nhà ở và các chương trình dự án: 30a; 135; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn xã...

“Tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn 8,23%, giảm 1,65% so với cuối năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo còn 44,93%, giảm 5,5%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Ước đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng dưới 7% (giảm 1,3% so với cuối năm 2016). Trong đó, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016). Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc, miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2016, đạt mục tiêu theo Quyết định 1722 (ngày 2/9/2016) của Thủ tướng Chính phủ”, Chương trình MTQG giảm nghèo nêu rõ.

Người nghèo, cận nghèo ở thành thị cũng cần được quan tâm. Ảnh: TA

Tránh thất thoát nguồn vốn

Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐTBXH) cho biết, mục tiêu năm 2018, sẽ góp phần giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân còn từ 1-1,5%. Riêng các huyện nghèo, xã nghèo sẽ giảm còn 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm còn 3-4%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020.

Để đạt được mục tiêu này, định hướng giải pháp chung cần tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động phong trào thi đua: “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, góp phần tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, các bộ, ngành Trung ương cần khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án về giảm nghèo liên quan. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong thực hiện công tác giảm nghèo. Việc triển khai Quyết định 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo giai đoạn 2017-2018. Đây là giải pháp rất quan trọng, bởi nếu thực hiện tốt sẽ tránh trùng lặp đối tượng, chính sách và phát huy được hiệu quả nguồn lực chính sách cho giảm nghèo.

Bộ LĐTBXH đề nghị UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đề xuất với cấp ủy Đảng xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác giảm nghèo để tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ này trên địa bàn. Chỉ đạo rà soát, đánh giá tỷ lệ nghèo chuẩn tiếp cận đa chiều nhằm xây dựng khả năng thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn, xây dựng kế hoạch chi tiết, đề xuất giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giảm nghèo, chống bệnh thành tích, quan liêu, không phản ánh đúng thực trạng giảm nghèo của địa phương, cơ sở...

Tràng An

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm