Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Hà Nội: Lao động tự do nhọc nhằn mưu sinh trong cơn bão dịch

Phương Anh

Thứ sáu, 21/05/2021 - 07:00

(Thanh tra) - Tác động của dịch COVID-19 đã khiến hàng triệu lao động tự do ở các tỉnh, thành phố lâm vào tình cảnh thất nghiệp. Không có hợp đồng lao động, nơi ở cố định, việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh… lao động tự do đang chật vật mưu sinh trong dịch COVID-19.

Lao động tự do chật vật mưu sinh thời dịch bệnh. Ảnh: PA

Anh Nguyễn Văn Tiến, quê ở Thái Bình, lên Hà Nội được hơn 3 năm. Như các lao động tự do từ quê lên đây thuê trọ để kiếm thu nhập chính, anh Tiến làm xây dựng. Được một người quen cho thuê phòng trọ với giá rẻ, ngày ngày anh nhận làm các công việc xây lắp cho những ngôi nhà tạm trong các khu nhà trọ ở khu vực Bắc Từ Liêm. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, tháng nào công việc đều đều thì tổng thu nhập của anh được hơn 10 triệu đồng, bình thường duy trì mức 7 - 8 triệu đồng. Trừ chi phí tiền nhà và sinh hoạt ăn uống, mỗi tháng anh gửi về cho vợ nuôi 2 con nhỏ dưới quê 5 - 6 triệu đồng. Cuộc sống bấp bênh, thu nhập vốn không ổn định, giờ đây khi dịch bệnh ập đến, nhiều khu nhà cũng tạm dừng xây dựng, anh Tiến buộc phải nghỉ ngơi. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thu nhập bị giảm. “Như tháng 4 vừa rồi, cố chắt chiu, tôi có hơn 2 triệu đồng gửi về quê”, anh Tiến chia sẻ.

Giống anh Tiến, chị Trần Thị Hiên, ở Nam Định, làm nghề bán hoa dạo ở phố Yên Phụ, đường Thanh Niên, cũng rơi vào cảnh khó khăn bởi dịch bệnh. Do điều kiện khó khăn, con gái lớn đang học đại học tại Hà Nội, chị Hiên lên Hà Nội kiếm sống để hỗ trợ con chi phí học hành, đồng thời có tiền gửi về hỗ trợ chồng nuôi con nhỏ đang học cấp 2. Dù vậy, sức khỏe của chị không được tốt do thoái hóa đốt sổng cổ, nên mỗi khi trái nắng trở trời là chị lại phải nghỉ.

Giờ đây, con gái đã tốt nghiệp đại học nhưng vẫn chưa xin được công việc ổn định. Ngày ngày, hai mẹ con chị dậy sớm lên chợ hoa Quảng An nhập hoa về bán, con gái giúp mẹ xong đi bán hàng cho một siêu thị gia đình. Dù thu nhập không cao, nhưng trước khi có dịch, 2 mẹ con chị vẫn đủ để lo sinh hoạt và hỗ trợ tiền cho em ăn học ở quê. Từ khi dịch bệnh bùng lên, nhiều người cũng dè chừng khi tiếp xúc để mua hoa về cắm, ngay cả những siêu thị, lượng người đến cũng thưa thớt vì sợ tập trung đông người. Nén tiếng thở dài, chị Hiên tâm sự, nếu ế quá, có lẽ chị cũng chỉ cố hết tháng 5 này rồi về quê, chứ giờ tình hình chung khó khăn, cũng để yên tâm bảo vệ sức khỏe trong cơn đại dịch này.

Ở một góc khuất gần bến xe Mỹ Đình, bác Mai Văn Nam, 62 tuổi, ở Thanh Hóa, ra Hà Nội làm nghề xe ôm tự do cũng được gần 10 năm. Trời nắng nóng, đeo chiếc khẩu trang kín mít, bác kể: "Hàng ngày, tôi bắt đầu công việc từ lúc 6giờ sáng đến khi nào hết khách thì thôi. Thời điểm chưa bùng dịch, mỗi ngày tôi chạy được khoảng 10  -15 chuyến. Tuy nhiên, sau khi dịch bùng phát, tôi chỉ chạy lác đác được vài chuyến, nhiều nhất cũng chỉ được 5 - 6 chuyến/ngày".

Bác kể, ở quê bác còn có mẹ già gần 90 tuổi, mấy năm nay ốm phải nằm một chỗ, vợ làm ruộng, con cái thì đã lập gia đình nhưng đều ở xa và cuộc sống cũng rất khó khăn. Thu nhập nghề phụ ở quê không có. Để có thể hỗ trợ tiền thuốc men cho mẹ đẻ và chi phí sinh hoạt hàng ngày, nên gần 10 năm nay, bác cố gắng chắt chiu chạy xe để giúp gia đình. Nắng mưa không kể, nhưng giờ đây khi sức khỏe yếu dần, dịch bệnh lại căng thẳng nên công việc thực sự khó khăn. Trong tình hình này, chắc bác cũng tính về quê thôi.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, quý I/2021, mặc dù những nỗ lực khôi phục kinh tế đi đôi với phòng, chống dịch đã phần nào cải thiện các gam màu xám của tình hình lao động việc làm trong nước, nhưng cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, trong đó nam giới chiếm 51% và số người trong độtuổi từ 25 đến 54 chiếm gần 2/3.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tổng số 9,1 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, có 540 nghìn người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập. Lao động khu vực thành thị chịu tác động nhiều hơn khu vực nông thôn với 15,6% lao động khu vực thành thị còn bị ảnh hưởng, trong khi đó, con số này ở nông thôn là 10,4%.

Nhóm lao động thất nghiệp chịu tác đông mạnh mẽ nhất khi 36,3% trong số họ vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực, tiếp đó là lao động có việc làm, chiếm 15,5%.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hiện có gần 18 triệu lao động Việt Nam làm các công việc phi chính thức (còn gọi là lao động tự do). Nhóm lao động này thường có đặc điểm là không có hợp đồng lao động, việc làm bấp bênh và thiếu ổn định, thu nhập thấp trong khi thời gian làm việc dài. Việc mất việc làm do đại dịch COVID-19 đồng nghĩa với việc mất thu nhập mà không có khả năng được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Chừng nào COVID-19 chưa ngừng lây lan thì việc làm của người lao động còn bị ảnh hưởng và sẽ càng nặng nề hơn, đang là nỗi lo của các tổ chức, doanh nghiệp, Chính phủ và người lao động, đặc biệt là những lao động tự do. Tuy nhiên, trong cơn đại COVID-19, cho thấy sự quyết tâm, đồng lòng của toàn dân cùng với Chính phủ chống dịch. Do vậy, chúng ta có niềm tin rằng đất nước sẽ vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhất là việc làm và lao động sẽ nhanh chóng trở lại nhịp bình thường.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm