Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Giữ nét đẹp Tết cổ truyền nơi đất khách

Thanh Hòa

Thứ sáu, 28/01/2022 - 13:39

(Thanh tra)- Những ngày tháng 12, mọi công việc trở nên gấp gáp hơn để hoàn tất một năm, ai cũng mong sang năm mới an vui hơn với những điều may mắn, thành công mới. Tại xóm tái định cư Phước Long 1, TP Nha Trang, các hộ dân tất bật hoàn thành phần công việc của mình và lên kế hoạch đón Tết cổ truyền.

Tết đến, việc gói bánh chưng không thể thiếu ở mọi gia đình

Xóm tái định cư Phước Long 1 nằm gọn trong lòng khu đô thị Phước Long, TP Nha Trang. Khu vực xóm tái định cư Phước Long 1 vốn dĩ trước đây là cánh đồng rộng lớn mênh mông, người dân bản địa canh tác nông nghiệp nuôi tôm, làm muối… phát triển kinh tế, do vậy nơi đây còn có tên gọi là Đồng Muối. Cách đây hơn 10 năm trước, theo xu thế phát triển đô thị UBND tỉnh Khánh Hòa đã quy hoạch thành khu đô thị Phước Long 1. Đến nay, khu đô thị đã hình thành và hoàn thiện hạ tầng với những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, những con đường đất năm nào đã thay bằng đường trải nhựa rộng lớn đẹp đẽ, khang trang.

Các hộ gia đình trong xóm tái định cư Phước Long 1 phần lớn thoát ly xa quê hương, nên khi dịp Tết đến ai cũng đau đáu nhớ nhà, người thân, bạn bè. Tuy nhiên, mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau, vì điều kiện nên không phải năm nào cũng về quê dịp Tết.

Khi ngoài hiên những bông cúc vàng đã chúm chím đơm nụ, những chậu mai đã nhú những chồi non đầu cành và nụ chen giữa kẽ lá, lúc này, nỗi nhớ quê hương càng trở nên thẳm sâu trong lòng những người con xa quê, xa xứ.

Các hộ dân trong xóm tái định cư Phước Long 1 cùng nhau gói bánh chưng

Theo thông lệ, sau những ngày làm việc, những người trong xóm tái định cư này lại quây quần cùng nhau bên ấm chè xanh, tách trà… ly rượu kể cho nhau nghe những câu chuyện tâm tình, những việc đã làm được trong năm cũ.

Năm nào cũng vậy, dịp Tết đến mọi người trong xóm lại lên kế hoạch mua lá dong, lá riềng, nếp thơm để gói bánh chưng xanh; đi kiếm củi khô đốt lò nấu bánh chưng và đoàn viên trong đêm Giao thừa. Chị em tổ chức làm mứt Tết, dưa hành, dưa kiệu.

Trung tá Nguyễn Cảnh Thống, quê ở Nghệ An vào công tác tại Học viện Hải quân Nha Trang, rồi lập nghiệp ở đây chia sẻ: Ngày nay, phố xá hiện đại, các loại bánh chưng, bánh tét chỉ cần bước ra ngõ là đã có rồi, rất dễ mua. Người dân trong xóm chúng tôi muốn mua lá dong, nếp thơm, đậu xanh, thịt lợn tự gói và nấu bánh để tạo không khí Tết, đồng thời tạo cho con trẻ trong xóm hiểu được văn hóa truyền thống gói bánh chưng thờ tổ tiên, ông bà.

Anh  Nguyễn Minh Thiều trực đêm để nấu bánh chưng

Đối diện nhà anh Thống là nhà gia đình anh Nguyễn Minh Thiều, làm nghề lao động tự do, cho hay, theo quan niệm của nhiều người Việt, Tết Nguyên đán thực sự có ý nghĩa trọn vẹn khi được sống trong không khí họp mặt gia đình, thăm thân, chúc tụng họ hàng, bạn bè. Tết là dịp những người xa quê đi làm ăn, học tập mong mỏi được trở về quê để đoàn viên bên gia đình, thờ cúng ông bà, tổ tiên. Hơn 20 gia đình trong xóm tái định cư Phước Long 1, TP Nha Trang đều là người miền Bắc, miền Trung có nếp sống tương đồng nên dễ hòa hợp. Dịp Tết cổ truyền ai cũng mong được về quê, nhưng do năm nay dịch bệnh Covid-19, điều kiện khó khăn không thể về đoàn tụ sum họp nên đành ở lại xóm để đón Tết.

“Xa nhà cả năm, nên cũng mong sớm được trở về với mái ấm cố hương, được hưởng khoảnh khắc sum họp cùng người thân bên mâm cơm Giao thừa. Nhưng không phải cứ thích là về được. Vì vậy, cả xóm không có gia đình nào về quê và đã có kế hoạch đón Tết tại đây”, anh Nguyễn Minh Thiều nói.

Một vài cái Tết gần đây, gia đình chị Nguyễn Quỳnh Phương (quê ở Thanh Hóa)  không về quê ăn Tết, phần là do chồng chị công tác trong quân đội, phần do con nhỏ phải đi học nên không thu xếp được thời gian. Chị Phương cho biết, quê hương là cội nguồn, người lớn không về dịp Tết thì thật tiếc, trẻ con không về dịp này cũng là thiệt thòi lớn. Để tạo không khí dịp Tết, các gia đình trong xóm sẽ cùng nhau tổ chức tất niên, tiệc đón Giao thừa, tổ chức “xông đất” từng nhà. Vui nhất vẫn là đêm Giao thừa, các gia đình tập trung ở không gian ngoài trời đốt lửa sinh hoạt, tổ chức tiệc theo nghi thức Tết quê hương. “Xã hội hiện đại, con người cũng phải thay đổi theo để hợp với xu thế. Tuy nhiên, văn hóa là cội nguồn thì không thể thay đổi được mà phải giữ gìn cho thế hệ mai sau. Tổ chức Tết trong xóm là một phần để giáo dục con cháu nhớ về cội nguồn, về quê hương xứ sở”, chị Quỳnh Phương thổ lộ.

Mọi người cùng nhau lo cho một cái Tết đủ đầy

Ông Phạm Thế Tư, vào thăm con, trông cháu nhỏ tại xóm tái định cư Phước Long 1 đã hơn nửa năm, khẳng định: Hơn 60 tuổi rồi, tôi đi rất nhiều nơi, nhiều vùng miền, tiếp xúc nhiều người nhưng chưa thấy ở nơi đâu người dân lại sống chan hòa, đoàn kết như ở đây. Do yêu cuộc sống và người dân trong xóm này nên tôi đang có dự tính mua đất làm nhà ở đây cho gần con cháu.

Một mùa Xuân nữa lại về, Tết cổ truyền đang đến trên từng nẻo đường quê, góc phố đô thị. Trong xóm tái định cư Phước Long 1, người dân đã bắt đầu treo cờ Tổ quốc, trang hoàng nhà cửa, lắp bóng điện nháy trước hiên nhà. Một năm mới đã chuẩn bị bắt đầu với bao cảm xúc, tình người trong xóm tái định cư luôn đong đầy tình thương mến, và khát vọng một cuộc sống tốt đẹp ngày mai.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm