Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Giữ "lửa nghề" cho lao động ngành Du lịch

Thái Hải

Thứ sáu, 29/04/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Hơn 2 năm "đóng băng" do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc cầm cự hoạt động, luân phiên cho công nhân nghỉ, tạm ứng kinh phí cho lao động chờ "bão dịch" đi qua, buộc phải tạm hoãn hợp đồng lao động... là những biện pháp mà các doanh nghiệp đã áp dụng để giữ chân người lao động.

Thực hiện tốt chính sách lương, cải thiện môi trường làm việc để giữ "lửa nghề" cho lao động ngành Du lịch. Ảnh minh họa: Internet

Duy trì một lượng nhân sự nòng cốt

Có thể nói, qua 4 lần dịch bùng phát, nhân lực du lịch xuất hiện một khoảng trống rất lớn không thể khỏa lấp trong ngày một ngày hai. Việc giữ chân những lao động chuyên nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để chuẩn bị cho sự phục hồi du lịch là bài toán cần giải bằng nhiều phương pháp.

TP Huế là một trong những địa phương có ngành Dịch vụ du lịch phát triển của cả nước. Hàng năm, địa phương này đón hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm quan các di tích, thắng cảnh. Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng buộc phải đóng cửa hoặc cho nhân viên nghỉ việc vì không có khách. Nhiều cơ sở hoạt động cầm chừng, duy trì một lượng nhân sự nòng cốt để chờ đến khi dịch được khống chế, du khách quay trở lại.

Nhiều doanh nghiệp du lịch tại đây cho biết, trong suốt 2 năm dịch, các đơn vị lữ hành du lịch vẫn mở cửa, các dịch vụ vẫn giữ được cơ bản số lượng nhân viên. Tuy nhiên, 30 - 40% nhân sự buộc phải nghỉ việc vì tình hình du lịch bấp bênh, ảnh hưởng đời sống kinh tế, phải chuyển qua công việc khác.

Khi được mở cửa trở lại đã đặt ra thách thức cho ngành Du lịch các địa phương, các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng vì thiếu hụt nguồn nhân lực. Về cơ bản là giữ 60% nhân sự, nhưng vào các dịp khách đến đông, buộc phải có 100% thì mới đáp ứng đủ nhu cầu cho khách. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp, khách sạn phải gọi thêm nhân viên thời vụ nhưng rất khó khăn.

Tại Nghệ An, hệ thống khách sạn, nhà hàng ở các địa điểm du lịch cũng gặp khó trước tình huống thiếu nguồn nhân lực phục vụ. Thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, các khách sạn, đơn vị lữ hành đều đủ lực lượng lao động. Tuy nhiên, sau đợt dịch chỉ còn khoảng 70% lao động, số còn lại nghỉ việc hoặc chuyển nghề. Việc bổ sung nguồn nhân lực mới đã được đào tạo khi ngành du lịch phục hồi là vấn đề khó khăn.

Trước mùa du lịch 2022, ngành du lịch Nghệ An đã có kế hoạch, phương án làm cầu nối cho các doanh nghiệp; cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề tuyển dụng các sinh viên học ngành Du lịch nhằm tăng thêm nguồn nhân lực cho du lịch trong những tháng cao điểm.

Cần chính sách tốt để kêu gọi nhân viên trở lại

Để giải quyết bài toán nhân sự du lịch, các chuyên gia cũng cho rằng các doanh nghiệp cần có chính sách tốt để kêu gọi những nhân viên đã nghỉ quay lại, đầu tư thêm kinh phí để đào tạo nhân lực mới và liên kết các trường du lịch cho sinh viên đến làm ở các cơ sở.

Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, công tác chuẩn bị, bảo đảm nguồn nhân lực du lịch là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch Đà Nẵng trong thời gian tới. Thống kê chưa đầy đủ, trong khoảng 4.000 hướng dẫn viên tại Đà Nẵng thì mới chỉ có khoảng 20% sẵn sàng trở lại làm việc sau đợt mở cửa vừa rồi. Ngành du lịch đang mở các lớp đào tạo, giúp lao động ngành nhanh chóng bắt nhịp lại với công việc sau dịch.

Các doanh nghiệp cần chủ động theo dõi tình hình thị trường để tuyển dụng lao động nhằm bảo đảm số lượng, chất lượng lao động tương ứng với mức độ phục hồi của các thị trường khách du lịch. Để hỗ trợ, Sở Du lịch sẽ phối hợp, triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp du lịch. Trong đó, tập trung vào các khóa bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ, chăm sóc khách hàng, thái độ phục vụ khách du lịch và tổ chức các chương trình giữ "lửa nghề" cho lao động ngành du lịch, tập huấn phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động kinh doanh du lịch để bảo đảm chất lượng, nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

Các doanh nghiệp đã phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố, nhiều tổ chức nghề nghiệp để triển khai các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề, nhất là việc chuyển đổi số để người lao động có được một số nhóm chuyên môn mới. Đặc biệt, tạo điều kiện để người lao động trong lĩnh vực du lịch được tiếp cận một số nguồn vay không thế chấp nhằm trang trải cuộc sống.

Các chuyên gia du lịch cũng cho rằng, việc duy trì lực lượng lao động du lịch phụ thuộc vào 3 yếu tố. Thứ nhất là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của các địa phương, hiệp hội. Thứ hai là dựa vào khả năng của từng doanh nghiệp cả về tiềm lực tài chính lẫn độ linh hoạt chuyển đổi công việc thay thế. Thứ ba là ở chính người lao động. Người lao động một mặt chủ động tìm kiếm công việc tạm thời nhưng vẫn giữ đam mê với ngành để có thể trở lại làm việc khi thị trường phục hồi.

Để giữ “lửa nghề”, nhiều doanh nghiệp, lữ hành du lịch thời gian qua đã cố gắng giữ một bộ phận nhân sự tối thiểu, duy trì kết nối bằng cách giao ban trực tuyến hàng tuần, lập các nhóm tương tác để trao đổi nhằm duy trì kỹ năng chuyên môn. Đồng thời, trả một phần lương cho nhân viên, tạo điều kiện cho họ được đóng bảo hiểm xã hội. Các nhân sự có kỹ năng bán hàng, marketing, phiên dịch, truyền thông… có thể tạo điều kiện để họ được làm nghề tay trái, bù đắp thu nhập chờ ngày trở lại.

Thực hiện tốt chính sách lương, cải thiện môi trường làm việc

Tại Hội thảo “Khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới," diễn ra đầu tháng 4/2022, ông Phạm Văn Thủy - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cho rằng, để bổ sung nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn tới phải tính đến việc mời những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch quay trở lại với nghề; đào tạo lại, đào tạo tại chỗ, "cầm tay chỉ việc", cùng với đào tạo nhân lực chất lượng cao, phù hợp với các ngành nghề, địa phương.

"Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cũng đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người lao động quay trở lại, tổ chức triển khai chương trình đào tạo, đào tạo lại với người lao động để đảm bảo nguồn nhân lực", ông Thủy cho hay.

Ngoài sự giúp đỡ của các địa phương, hiện, nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đang liên kết với các trường đại học, vừa tuyển dụng nhân sự mới, vừa đào tạo lại, bổ sung các kỹ năng cho nhân sự cũ. Bên cạnh đó, họ cũng đưa ra các cam kết về thu nhập, nhằm thu hút trở lại các lao động có tay nghề cao trong ngành.

Các chuyên gia du lịch cho rằng, ngay lúc này chúng ta cần cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi người lao động du lịch đã có kinh nghiệm quay trở lại làm việc, đáp ứng yêu cầu tổ chức kinh doanh phục vụ khách du lịch; tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng kết hợp với đào tạo mới nhân lực du lịch, đảm bảo yêu cầu bổ sung đủ nhân lực đáp ứng với từng cấp độ phục hồi du lịch phù hợp với các lĩnh vực.

Các địa phương, cơ quan quản lý, khu điểm du lịch cần đánh giá lại thực trạng du lịch, đồng thời phối hợp với các trường đào tạo xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch trong thời gian tới.

Trong điều kiện bình thường mới, cần rà soát nguồn nhân lực du lịch, nhận diện rõ những hạn chế, yếu kém, thiếu hụt về chuyên môn nghiệp vụ của từng bộ phận. Cùng với đó, cần có chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực du lịch có kinh nghiệm, kỹ năng nghề đã chuyển việc quay lại làm việc.

GS.TS Nguyễn Văn Đính, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp muốn thu hút lao động có kinh nghiệm, có tay nghề trở lại làm việc trong ngành du lịch thì cần thực hiện tốt chính sách lương, cải thiện môi trường làm việc, đào tạo bổ sung những kiến thức, kỹ năng chuyên môn mới và bổ sung các kiến thức phù hợp với điều kiện thực tế...

Đối với lực lượng lao động tuyển dụng mới, doanh nghiệp cần phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, các cơ sở đào tạo để đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các doanh nghiệp du lịch có thể thành lập các đường dây nóng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động để tiếp cận các chương trình hỗ trợ. Các đường dây nóng vừa tư vấn cho các doanh nghiệp và người lao động thiếu thông tin về vấn đề thủ tục, quy định, vừa có thể báo cáo nhanh cho các cơ quan thẩm quyền về nhu cầu thực sự của doanh nghiệp, của người lao động với những khó khăn hoặc các khoản hỗ trợ...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm