Theo dõi Báo Thanh tra trên
Khoa Lê
Thứ sáu, 08/10/2021 - 10:54
(Thanh tra) - Làng gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước được đánh giá là làng nghề gốm cổ nhất Đông Nam Á. Làng Bàu Trúc làm gốm duy nhất không có bàn xoay từ xa xưa đến nay. Đến Bàu Trúc, du khách có thể thử đôi bàn tay của mình cùng nặn gốm với các nghệ nhân Chăm. Mỗi năm, Bàu Trúc đón hàng chục nghìn lượt du khách đến tham quan, mua sản phẩm gốm làm quà lưu niệm.
Hiện, làng gốm Bàu Trúc được xem là làng nghề duy nhất làm gốm không có bàn xoay. Ảnh: Khoa Lê
Theo các vị cao niên ở làng gốm Bàu Trúc, tổ nghề của làng là ông Pô Klông Chanh, người dạy cho phụ nữ Chăm lấy đất sét ở vùng sông Quao (mỗi năm, chỉ được lấy đất một lần sau mùa thu hoạch lúa, mỗi lần kéo dài nửa tháng, là thứ mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất quanh năm khô hạn này) đem về cất giữ và pha trộn với một tỉ lệ cát mịn nhất định, tạo độ kết dính cao để nhào, nặn, tạo hình sản phẩm.
Khác với nghề gốm nổi tiếng ở các địa phương khác như: Bát Tràng (TP Hà Nội), Thổ Hà (tỉnh Bắc Ninh), Thanh Hà (tỉnh Quảng Nam), Minh Long (tỉnh Bình Dương)… nghề gốm của làng Bàu Trúc khi làm, các nghệ nhân Chăm không dùng bàn xoay mà đặt khối đất sét tùy kích thước, cố định trên một cái bệ đỡ cố định rồi nghệ nhân đi vòng quanh bệ đỡ, dùng đôi bàn tay của mình để tạo nên hình thù sản phẩm gốm.
Đây là phương pháp làm gốm thủ công, chứa đựng tính nghệ thuật cao với sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng khâu nặn tạo hình thù, thi triển những nét chạm khắc trên sản phẩm là những hoa văn mang đậm nét văn hóa Chăm Pa như: Hình răng lược, sông nước, chấm vỏ sò, hoa văn móng tay… xuất phát từ cái hồn riêng của nghệ nhân khi thổi cảm xúc và sáng tạo nhào nặn nên những sản phẩm trong không gian, thời gian riêng.
Cung đoạn kỹ thuật nung lộ thiên, đặc biệt là sắp xếp sản phẩm gốm chồng lên nhau nhưng bảo đảm có độ hở nhất định rồi phủ rơm, trấu, củi, nhựa cây rừng đốt từ 4-6 tiếng, tạo nhiệt độ từ 500 - 6.000 độc C, làm cho sản phẩm gốm rắn chắc và có màu đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu… rất độc đáo, có tính độc bản cao (tức không có khuôn mẫu cho sản phẩm). Đó là yếu tố để nghề làm gốm Bàu Trúc nổi tiếng, vang xa từ xưa cho đến bây giờ.
Các nghệ nhân ở làng gốm Bàu Trúc hay nói vui là nghề “làm bằng tay, xoay bằng mông”. Nếu tính bước chân, mỗi ngày nhào nặn sản phẩm, mỗi nghệ nhân, thợ làm gốm Bàu Trúc đi bộ từ 7 đến 8 km. Hầu như phụ nữ Chăm ở Bàu Trúc đều biết làm gốm. Các cháu gái 12-15 tuổi đã bắt đầu học nghề cho đến khi có chồng thì biết làm đủ các sản phẩm dùng cho sinh hoạt gia đình.
Nghệ nhân trẻ Đàng Năng Tự, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước là một trong những người trẻ tuổi tiêu biểu chịu khó học tập, nghiên cứu và có nhiều sáng tạo được đánh giá cao vì biết cách nâng nghệ thuật làm gốm truyền thống lên tầm cao mới với sản phẩm gốm mỹ nghệ “Tháp Chăm thu nhỏ” rất độc đáo, được xem là nghệ nhân trẻ thành đạt nhất làng.
Nghệ nhân trẻ Đàng Năng Tự cho hay: “Tôi có thể làm sản phẩm “Tháp Chăm thu nhỏ” nhiều kích cỡ, cao từ 10 cm đến 1,9 m… giá bán từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng. Sản phẩm làm ra được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh yêu thích”.
Còn ông Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã Gốm Chăm Bàu Trúc, cho biết: “Hơn chục năm nay, bà con tại làng gốm Bàu Trúc đã phát triển thêm dòng gốm mỹ nghệ, các nghệ nhân chế tác nhiều sản phẩm lạ, trang trí hoa văn độc đáo, có tính mỹ thuật cao hơn, như: Đèn gốm trang trí, đèn ngủ, lọ hoa, bình nước, bình trà, lục bình, tháp nước, các biểu tượng văn hóa phương Tây, văn hóa phương Đông... Hiện nay, có nhiều sản phẩm mới do thế hệ các nghệ nhân trẻ thiết kế và nặn tạo hình trở nên phổ biến ở các đô thị trong nước, được sử dụng để trang trí nhà cửa, quán cà phê, nhà hàng, khách sạn và các khu nghỉ dưỡng”.
“Các sản phẩm gốm đa số khi chế tác vẫn dựa trên nền tảng văn hóa Chăm để giữ được dáng vẻ và nét đặc sắc riêng, giá bán từ vài chục nghìn đồng đến hàng triệu đồng/sản phẩm, cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Thuần cho biết thêm.
Theo thống kê, làng gốm Bàu Trúc có hơn 500 hộ dân thì có hơn 80% hộ gắn bó với nghề gốm. Có một hợp tác xã, 3 doanh nghiệp, 4 tổ hợp tác và 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 600 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, đời sống của bà con đồng bào Chăm cũng khấm khá hơn.
Từ năm 2006 đến nay, thông qua nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư gần 30 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, đã tạo bộ mặt mới cho làng gốm Bàu Trúc. Từ đó, nhiều công ty du lịch thường xuyên đưa du khách đến tham quan. Và, năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghệ thuật làm gốm truyền thống Bàu Trúc vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.
Nam Dũng
14:11 15/12/2024(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân