Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số: Vẫn “loay hoay” chính sách

Thứ hai, 19/05/2014 - 13:46

(Thanh tra) - Theo ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, khoảng cách ngày càng tăng về trình độ phát triển của đa số các nhóm dân tộc thiểu số (DTTS) so với múc trung bình của cả nước; tình trạng dễ bị bỏ lại phía sau của nhiều hộ nghèo do không có hoặc thiếu đất sản xuất đi liền với không có hoặc thiếu việc làm ổn định… đang là những thách thức đối với công tác giảm nghèo vùng DTTS.

Biến cộng đồng DTTS từ chỉ là những đối tượng nhận chính sách thành chủ thể của quá trình giảm nghèo. Ảnh: Thảo Nguyên

Diễn đàn chính sách thường niên về giảm nghèo DTTS do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức diễn ra hôm nay (19/5). 

Khoảng cách giàu - nghèo tiếp tục gia tăng

Theo TS Phùng Đức Tùng, đại diện nhóm nghiên cứu đánh giá thực trạng nghèo DTTS, giai đoạn 2007 - 2012, các nhóm DTTS đã đạt được những tiến bộ trong giảm nghèo nhưng tốc độ giảm nghèo chỉ bằng 1/3 so với mục tiêu đề ra và chậm hơn rất nhiều so với mức giảm nghèo bình quân của cả nước. Tỷ lệ nghèo của các hộ gia đình thuộc khu vực các xã khó khăn chỉ giảm từ 51% năm 2007 xuống còn 45% năm 2012, giảm dưới 2% /năm.

Tình trạng nghèo của trẻ em DTTS rất đáng lo ngại với mức rất cao trong một khoảng thời gian dài. Thu nhập thực tế bình quân của các hộ gia đình tăng rất chậm chỉ ở mức 3,7%/năm. 

Cùng với đó, một tỷ lệ đáng kể các hộ nghèo DTTS không có khả năng tiếp cận, hưởng lợi từ các chính sách giảm nghèo hiện nay để thoát nghèo và có sự khác biệt về mức độ giảm nghèo giữa các nhóm dân tộc. Ba Na và Mông là hai dân tộc có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất với mức giảm hơn 20%. H’rê có tốc độ giảm nghèo chậm nhất, chỉ đạt 6%. Trong khi đó, Thái là dân tộc duy nhất có tỷ lệ nghèo tăng.

Đáng chú ý, tốc độ giảm nghèo có xu hướng chậm lại rõ rệt trong tương lai gần (kể cả đối với những nhóm DTTS có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất) do những biến động giảm về diện tích, chất lượng đất sản xuất, các nguồn sinh kế bản địa, cộng với sự gia tăng rủi ro, cạnh tranh trong quá trình tham gia vào nền kinh tế thị trường. 

Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc, Ủy ban Dân tộc Trịnh Công Khanh cũng cho biết, khoảng cách giàu - nghèo tiếp tục gia tăng. Khu vực Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên - Tây Nam Bộ có tỷ lệ hộ nghèo cao gấp đôi tỷ lệ bình quân của địa phương. Diện tích đất sản xuất ngày càng giảm. Năm 2012, có 117.458 hộ thiếu đất sản xuất và 23.285 hộ không có đất sản xuất. “Do thiếu đất sản xuất và điều kiện sản xuất dẫn đến vấn đề di cư tự do thời gian qua diễn biến phức tạp”, ông Khanh nói. 

Cần thực chất và cụ thể

Theo ông Danh Út, có “một thực trạng rất rõ ràng về sự chống chéo, trùng lắp các nội dung chính sách giảm nghèo dành cho các nhóm DTTS. Mặc dù đã có những thay đổi hướng đến nâng cao chất lượng giảm nghèo, chuyển sang mục tiêu giảm nghèo bền vững, hệ thống chính sách nghèo hiện nay vẫn chưa giải quyết được một số thách thức căn bản trên”. Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Thảo Nguyên

Ông Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng cho rằng, nếu không tìm được những hướng đi phù hợp để có thể huy động được sự tham gia chủ động của người dân, phát huy được những thế mạnh và nguồn lực của cộng động thì sẽ là cản trở đáng kể đối với mục tiêu giảm nghèo nói chung và giảm nghèo DTTS nói riêng.

Giám đốc Quốc gia UNDP Louise Chamberlain khuyến nghị, chính sách và chương trình chỉ nên là yếu tố kích hoạt năng lực nội sinh của cá nhân và cộng đồng để khắc phục những điểm bất lợi, yếu thế. “Không nên coi các cộng đồng DTTS chỉ là những đối tượng nhận chính sách, mà nên xem họ như là chủ thể của quá trình phát triển, có đủ khả năng đóng góp và tham gia vào sự phát triển của bản thân cũng như của cả đất nước.   

Chia sẻ mong muốn thoát nghèo nhưng do thiếu đất sản xuất, sản phẩm làm ra bán không được, giá cả bấp bênh nên mãi không thoát được nghèo, anh Thào A Chớ đề nghị Chính phủ đã quan tâm rồi thì quan tâm hơn nữa, có biện pháp sâu hơn, cụ thể hơn nữa, cử chuyên gia kỹ thuật hướng dẫn để các hộ nghèo biết cần nuôi con gì, trồng cây gì. Rồi cho con em được vay tiền đi học đại học, bố trí việc làm chứ “chúng tôi nghèo thế này không có tiền cho con đi học được đâu. Mà không đi học, không đi làm thì mãi không thoát được cái nghèo”. 

Tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, cải thiện năng suất cây trồng quan trọng là chìa khóa để tăng trưởng thu nhập trong ngắn hạn; đồng thời cần cung cấp hệ thống chính sách an sinh phù hợp cùng với bảo hiểm nông nghiệp để giảm tình trạng dễ bị tổn thương của người nông dân; các chương trình và chính sách trong lương lai nên cung cấp hỗ trợ và đầu tư thủy lợi cho các xã đặc biệt khó khăn..

“Diện tích đất sản xuất có xu hướng thu hẹp có một nguyên nhân do thu hồi đất thực hiện các dự án thủy điện. Do vậy, việc xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện cần được lập kế hoạch cẩn trọng, đánh giá tác động một cách nghiêm túc và đưa ra được các giải pháp tái định cư phù hợp với phong tục, tập quán canh tác của các nhóm hộ gia đình bị ảnh hưởng”, TS Phạm Thái Hưng đề xuất.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.

Nam Dũng

14:11 15/12/2024
Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm