Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ghi ở miền triệu phú

Lệ Linh

Thứ bảy, 13/11/2021 - 16:24

(Thanh tra) - Mùa này, đến với đất cổ có được mệnh danh là Mường Vang (1 trong 4 mường trù phú của người Mường, Hòa Bình) có tên Lạc Sơn, đi giữa những tán dổi cao xanh, người ta thấy sự ấm no đến mức hết sức trù phú.

Một mùa dổi nữa đang về với bà con Lạc Sơn. Ảnh: Lệ Linh

Một thời, vốn được gọi là cây tự nhiên như bao cây rừng khác, nhưng khi biết phát huy giá trị, lại được thị trường chấp nhận và lựa chọn, cây dổi đang là cây cứu cánh nơi đây. Mỗi mùa dổi qua đi, những cái tên triệu phú họ Bùi tiếp tục được xướng danh ở đất này!

Đổi đờ từ phận hẩm hiu

Trước đây cũng như đồng bào các dân tộc phía Tây và Đông Bắc khác, dổi vốn là loại cây rừng đơn thuần, không nằm trong nhóm tứ thiết nên đồng bào các dân tộc người Mường ở Hòa Bình cũng như đất Mường Vang - Lạc Sơn chỉ để nó sống tự nhiên trong rừng. Ngoài việc mỗi năm nhặt lấy đôi cân hạt làm gia vị thì “số phận” ngày ấy của cây dổi cũng chỉ để làm cột kèo phụ trợ hay xẻ làm ván cho những ngôi nhà sàn không mang tính chất bề thế. Một thời bị bỏ bê, cây dổi đã không phát huy được giá trị và mai một dần, thậm chí kể cả là vắng bóng khi nạn chặt phá rừng xẩy ra.

Những năm gần đây, khi các loại phụ gia công nghiệp thể hiện những mặt trái, ảnh hưởng đến sức khỏe, người ta bắt đầu đi tìm hương liệu tự nhiên để phục vụ cho nhu cầu ăn uống. Trong sự kiếm tìm này, người ta đã đặt chân lên xứ Mường, được người dân mời ăn hạt dổi pha nêm với các khẩu vị. Rồi sự thích thú đã có, chinh phục nhiều người, lan xa và hạt dổi Lạc Sơn đã được nhiều người biết đến.

Thích nghi, biết và hợp; tiếng lành ngày một đồn xa, thị trường có cầu, nhiều người đã lên đất Lạc Sơn để tìm mua hạt dổi. Để đáp ứng cho nhu cầu này, từ cây một thời chấp nhận “thân phận” hẩm hiu, cây dổi Lạc Sơn đã được nhiều người biết đến. Những cây dổi còn sót và còn náu lại được sau những nhát rìu, nhát cưa nay đã được người Mường nâng niu tìm nhặt giống, đem về ươm trồng. Chẳng bao lâu, cây vươn cành và bắt đầu đem lại thu nhập cho người dân.

Dổi đem lại sự ấm no của mỗi gia đình. Ảnh: Lệ Linh

Trong các xã hiện có của Lạc Sơn hôm nay, nói về dổi cũng như thế mạnh của cây này cùng sự giầu lên nhanh chóng của không ít các hộ dân thì miền đất xã Chí Đạo luôn được nhắc đến. Trong sự nhắc tên đầy tự hào về thế mạnh của thứ cây rừng đem lại thu nhập cao này thì ông nông dân người Mường có tên Bùi Văn Bun, thôn Be Trên được nói đến nhiều hơn cả.

Dẫn chúng tôi theo những con đường đất đỏ, mịn mát vừa khô sương đêm, đưa bàn tay chai sạm của người chăm lao động, chỉ lên những thân cây thẳng tắp, ông Bun tự hào: Tiền cả đấy! Cứ mỗi mùa dổi qua đi, nhà tôi với những hộ dân trên này lại có thêm những khoản thu. Từ nghèo khó, nhờ cây dổi, chúng tôi đã qua đi cữ đói ăn và bắt đầu có cái bỏ ra từ loài cây đặc sản này. Dổi đang là sự cứu cánh của người Mường trên đất Chí Đạo đấy!

Theo nhịp bước chân, ông Bun đưa chúng tôi về thời gian trước, ngày cây dổi chưa phát huy được giá trị cùng với đói no các ngày trong tháng. Theo ông Bun, sở dĩ từ thời xa xưa các cụ già người Mường trên đây đã biết lấy hạt dổi sau các vụ về phơi khô để làm gia vị. Hạt dổi làm thuốc ho, giã cho vào nước tắm xông như một thần dược để cứu người cảm cúm. Hạt dổi nghiền ra cho vào các món nêm như cá nướng, cá hấp, chấm thịt gà… Thậm chí, thời xa xưa, hạt dổi còn được các thiếu nữ người Mường trên đây dập nhẹ, cho vào các túi vải đeo vào bên hông để tạo thêm sự hứng khởi cho các chàng trai để mắt tìm mình.

Có giá trị là vậy, nhưng theo ông Bun, một thời cây dổi chỉ gói gọn mình trong các thôn bản của người Mường nên sản lượng cũng không dùng hết. Dư thừa, kém giá là thực trạng chung của lâm sản trong đó có cây dổi. Vì vậy, cây dổi cứ mai một dần, thậm chí bị đốn tỉa không thương tiếc và dần khuất bóng trên các non xanh của rừng núi xứ Mường.

Thế rồi cũng may, đúng lúc dổi cạn kiệt nhất thì giá trị của nó được phát huy. Thấy người ta tìm lên hỏi mua, biết giá trị cây dổi bắt đầu được đánh thức, may mắn trên đồi sát nhà ông Bun còn sót lại 1 cây vài chục tuổi. Không bỏ sót cơ hội, sau mỗi mùa quả, ông nhặt nhạnh hạt và lao tâm khổ tứ ươm trồng. Quay đi quay lại, hiện nay nhà ông đã có cả trăm cây dổi được mệnh danh là lâu năm nhất trong xã. Trung bình giờ đây, mỗi cây dổi cho thu 10 - 15kg/cây, cá biệt có cây cho thu đến gần 30kg hạt sau mỗi vụ với giá bán 1 - 1,2 triệu/kg nhà ông đã có nguồn thu đến hơn trăm triệu đồng mỗi vụ.

Nói về dổi và nguồn thu từ dổi, ông Bun cho biết, nếu so với các cây khác thì khó có cây nào cho thu nhập như vậy. Bởi dổi là cây tự nhiên, không phải chăm sóc và ít bị sâu bệnh phá hoại nên người nông dân hầu như không phải đầu tư gì. Cái quan trọng nhất chỉ mất công ươm hạt, rồi có đất để trồng và mất công chăm sóc trong vài 3 năm đầu khi cây còn bé.

Mùa ấm no

Vào những ngày đầu Đông này, cây dổi ở Lạc Sơn nói chung và cây dổi ở xã Chí Đạo nói riêng bắt đầu vào mùa cho thu hoạch. Từ sáng sớm đến lúc mật trời chưa đứng bóng, khắp các ngả rừng, sườn đồi của đất Chí Đạo râm ran tiếng nói cười của thôn nữ và thanh niên vâm chắc tìm vào rừng để trèo và hái hạt dổi đổi công cho nhau. Để rồi sau đó, theo các bước chân, hạt dổi theo về, tãi ra sân phơi nắng để sau đó là cân đong và những sấp tiền xanh đỏ với mệnh giá cao được đếm chia và cất vào các ngăn tủ.

Chí Đạo những ngày này đang bắt đầu đỉnh điểm của mùa thu hái hạt dổi. Niềm vui này cũng đang đến với gia đình ông Bùi Văn Hền, xóm Be Trên.

Hiện ông Hền đang sở hữu vườn dổi gần một trăm cây, trong đó có 40 cây dổi trên 20 năm tuổi. Tãi đều những hạt dổi óng vàng do tụi con cháu vừa thu nhặt cữ sáng trên sân, ông Hền cho biết, mỗi năm gia đình thu trên 100 triệu đồng từ tiền bán hạt dổi và ươm cây giống. Có năm hạt dổi được giá, với mức bán trên 1,7 triệu đồng/kg, gia đình ông thu hoạch đến gần 200 triệu.

Từ cây rừng, nay dổi đã trở thành cây đặc sản. Ảnh: Lệ Linh

Nhờ cây dổi mà không ai có thể mường tượng ra sự nghèo khó trước đây của gia đình ông Hền. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm được thị trường chú ý, với việc giữ cây và nhân trồng, gia đình ông đã có sự thay đổi gần như là hết sức nhanh chóng. Trước một mùa dổi - mùa tiền đang đến, ông Hền bảo, thú thực người dân ở đây cũng như gia đình tôi, nếu không có cây dổi thì không biết đến lúc nào mới thoát được nghèo khó.

Theo lãnh đạo xã Chí Đạo, hiện với trên 600 hộ và khoảng 2.800 nhân khẩu, cây dổi đang được xác định là cây xóa đói giảm nghèo cho người Chí Đạo và nhiều vùng khác của Lạc Sơn. Để phát huy thế mạnh này, cùng với chủ trương, hỗ trợ và khuyến khích nên cả xã đã có vài vạn cây dổi được trồng trong đó có trên 1 vạn cây đang cho thu hoạch. Trung bình hiện nay, mỗi hộ gia đình đã có 15 cây cho thu hoạch, nhiều nhất phải kể đến xóm Be Trong và Be Ngoài với 100% các hộ dân tham gia trồng dổi.

Có lên Lạc Sơn và Chí Đạo, có tận mắt chứng kiến người dân thu hái và bán dổi cùng với đó là sự tấp nập tìm đến hỏi mua của tiểu thương các vùng miền mới lý giải được cây dổi và giá trị của nó trên đất này. Riêng xã Chí Đạo, theo thống kê, niên vụ vừa qua, xã đã có khoảng 100 tấn hạt dổi được xuất đi với hàng trăm tỷ được thu về.

Cây dổi hiện đang được người Mường trên đây mệnh danh là cây làm giầu. Trồng dổi rất đúng với câu nói “một vốn bốn lời”. Ngoài giá bán thì cây dổi vốn là cây tự nhiên, không kén đất, kể cả đất nghèo cây dổi vẫn có thể phát triển được. Một cây dổi được trồng xuống, 8 năm sau sẽ vào mùa thu hoạch chính, ngoài bán hạt thì người dân còn có của để dành đấy chính là gỗ của cây dổi. Cùng với sự phát huy của giá trị hạt thì mỗi m3 gỗ dổi cũng được bán với giá từ 10 triệu đồng trở lên. Hiện nay, với tinh dầu có vị thơm chứa trong thớ nên gỗ dổi cũng đang được thị hiếu người tiêu dùng ưa chuộng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm