Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

F0 hỗ trợ F0 ở TP HCM: “Cùng nhau vượt qua đại dịch”

Lương Ý

Thứ tư, 08/09/2021 - 18:56

(Thanh tra) - Hiểu được sự khó khăn của những F0 đang chiến đấu với Covid-19, nhiều người sau khi khỏi bệnh đã tự nguyện tham gia các hoạt động chống dịch.

Anh Thông và chị Hằng từng là F0 đã khỏi bệnh tự nguyện tham gia hỗ trợ, chăm sóc các F0 khác. Ảnh: L.Y

Tại TP HCM những ngày này, nhiều người từng là F0 đang sôi nổi tham gia các chương trình hỗ trợ các F0 khác chiến đấu với Covid-19. Có người đi khắp các phố phường để trao túi thực phẩm, có người lại xông pha vào tuyến đầu, trực tiếp thăm khám chữa trị cho các F0 nguy kịch.

Đang là F0 vẫn điều phối phát trăm túi thuốc mỗi ngày

Anh Nguyễn Hữu Thông (ngụ ở quận 2) cho biết bị nhiễm bệnh khi đi làm tình nguyện trong thời gian giãn cách xã hội. Mỗi ngày, anh Thông cùng những người bạn rong ruổi khắp các tuyến đường để phát nhu yếu phẩm, thuốc giảm đau, hạ sốt cho người dân. Cho đến 1 ngày, cơ thể phát ra những dấu hiệu bất ổn, anh Thông vội vàng test nhanh tại nhà và biết bản thân mình đã mắc Covid-19.

Trở thành F0 khi còn ngổn ngang nhiều dự định, anh Thông không tránh được cảm giác lo âu, nhất là khi 3 người bạn chung nhóm của anh cũng dương tính với SARS-CoV-2. “Chúng tôi mặc đồ bảo hộ kỹ lưỡng, ngày nào cũng “tắm trong cồn” nhưng cuối cùng vẫn bệnh. Tôi lo lắng lắm, bởi danh sách đã lên còn mấy ngàn hộ dân cần được giúp đỡ về lương thực, thuốc men. Nếu mình bị bệnh thì ai sẽ làm tiếp những việc này”, anh Thông kể.

Anh Thông đang trên đường đi gửi túi an sinh lương thực thức phẩm, thuốc men hỗ trợ các F0 khác. Ảnh: L.Y

Điều anh Thông trăn trở nhất là công việc giúp đỡ những F0 đang nguy kịch sẽ bị gián đoạn. Dù bản thân đã trở thành F0 nhưng anh Thông vẫn không ngừng suy nghĩ về chuyện giúp đỡ cho các F0 khác.

Sau khi tính toán kỹ càng, anh Thông quyết định vẫn làm tiếp công việc này. Thay vì đi khắp các ngõ hẻm, phố phường như trước, anh tự cách ly điều trị tại nhà, đồng thời nhận nhiệm vụ điều phối từ xa.

“Lúc sốt mê man thì thôi, chứ khi đã uống thuốc và tỉnh táo là tôi lại làm việc. Tôi gọi điện thoại, nhắn tin với các F0, F1 bằng đủ mọi cách, tôi mong những người đang mắc bệnh hiểu rằng còn sống là còn hy vọng, phải chiến đấu đến cùng chứ không bỏ cuộc”, anh Thông nói.

Sau 7 ngày chiến đấu, anh Thông hiện đã khoẻ lại. Công việc phát thuốc và nhu yếu phẩm vẫn được duy trì. Mỗi ngày, nhóm bạn của anh Thông phát hơn 100 phần thuốc và 200 - 400 phần nhu yếu phẩm. Có thời điểm làm hết công sức, nhóm phát được cả 1.000 phần lương thực. “Khỏi bệnh và có chiếc áo giáp ‘từng là F0’, tôi thấy mình càng phải làm nhiều việc nữa”, anh Thông cho biết.

“Được sống thêm lần nữa, tôi phải đi giúp đỡ F0 khác”

Khác với anh Hữu Thông, chị Phan Thị Hằng (ngụ ở quận 11) đang là thành viên của trạm y tế lưu động ở phường 11, quận 11. Chị Hằng phát bệnh vào tháng 7/2021 và từng gặp triệu chứng rất nặng. Sau khi khỏi bệnh, chị Hằng gia nhập đội tình nguyện viên trực tiếp đi thăm khám cho các F0 tự điều trị ở nhà.

Chị Hằng cùng tình nguyện viên tham gia hỗ trợ, thăm khám các F0 khác. Ảnh: L.Y

Trước khi bắt đầu công việc, chị Hằng được y tế địa phương ‘tập huấn’ trong thời gian ngắn. Hiện tại, chị Hằng có thể đo huyết áp, đo Sp02, tư vấn chế độ dinh dưỡng, phát thuốc hay thay bình oxy cho các F0. Trong trường hợp có F0 trở nặng, chị Hằng cũng hỗ trợ họ nhập viện.

Mỗi ngày, chị Hằng tiếp xúc hơn 50 F0 đang điều trị tại nhà, đa số đều là hỗ trợ thay bình oxy và cấp phát thuốc. “Với F0 có diễn biến xấu, tôi ghi chép lại rồi chuyển cho các bác sĩ, công việc khá áp lực vì phải làm liên tục 12 tiếng mỗi ngày nhưng những khi hay tin có F0 nào đó khỏi bệnh là tôi vui quên hết những vất vả trước đó”, chị Hằng nói thêm.

Những bữa cơm “vội” sau một ngày tham gia hỗ trợ chăm sóc F0 của chị Hằng. Ảnh: L.Y

Vì từng là F0 nên chị Hằng hiểu rõ áp lực tâm lý khi tự chữa trị tại nhà. Chị Hằng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, đồng thời tư vấn cho các F0 chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất. Điều buồn nhất với chị Hằng là không kịp giúp đỡ một số F0 trở nặng, còn chuyện xa gia đình hay làm việc với cường độ cao không phải là trở ngại lớn nhất lúc này.

“Ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, khi khỏi bệnh là tôi biết mình được sống thêm lần nữa, dù có lo lắng sẽ tái dương tính với Covid-19 nhưng bâu giờ không giúp đỡ các F0 khác thì gian khổ này sẽ dành phần ai”, chị Hằng chia sẻ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm