Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

“Đòn bẩy” phát triển vùng dân tộc thiểu số tại Sóc Trăng

Lam Sơn

Thứ ba, 26/10/2021 - 21:40

(Thanh tra) - Đó là tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiến bộ vào hoạt động sản xuất, từng bước đưa công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại tỉnh Sóc Trăng phát triển kinh tế, xã hội.

Một mô hình trồng lúa đạt chứng nhận VietGAP. Ảnh: ĐTT Mỹ Tú

Chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ ứng dụng khoa học công nghệ

Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, nhiều chương trình, đề án, dự án được triển khai tại vùng DTTS cũng như liên quan tới công tác dân tộc. Có thể kể đến Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2025”. Tiếp đó, 3 dự án KH&CN với tổng kinh phí là 25 tỷ đồng gồm: Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú (Penaeus monodon) kết hợp với các đối tượng có giá trị kinh tế cao (cá đối mục, cá măng) theo hướng bền vững tại khu vực ven biển tỉnh Sóc Trăng”; Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhà nuôi chim yến và phát triển nghề nuôi chim yến tại tỉnh Sóc Trăng”; Dự án “Mô hình sản xuất gạch block bê tông bọt không chưng áp thay thế các cơ sở sản xuất gạch đất nung tại tỉnh Sóc Trăng” hỗ trợ đắc lực cho các địa phương tại tỉnh Sóc Trăng tập trung phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cũng đang triển khai 17 đề tài, dự án có liên quan đến việc phát triển du lịch sông nước miệt vườn; phát triển mô hình xã nông thôn mới thông minh; xây dựng một số mô hình trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chăm sóc sức khỏe... phù hợp với điều kiện của địa phương để góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng DTTS trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí hơn 26 tỷ đồng.

Mặc dù còn gặp không ít khó khăn từ dịch bệnh và thiên tai, song theo đánh giá của UBND tỉnh Sóc Trăng, thông qua các chương trình, dự án về ứng dụng KH&CN đã giúp đồng bào DTTS chủ động chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa các cây trồng, vật nuôi và tuân thủ những quy định, khuyến cáo của các ngành chức năng trong việc tổ chức sản xuất... Từ đó sản xuất, đời sống của đồng bào tiếp tục được nâng lên, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.

Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS nhiều lĩnh vực

Một đề án khác đáng chú ý trong công tác dân tộc đó là “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025”.

Đề án đến nay Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng đã có những bước xây dựng và thực hiện trên quan điểm xây dựng được  bộ dữ liệu về các DTTS tập trung vào các lĩnh vực: Lịch sử, văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán; các sản phẩm truyền thống của DTTS, thông tin địa lý vùng DTTS có tích hợp dữ liệu thông tin đa phương tiện.

Đồng thời, có các giải pháp tiệm cận với hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin thuận lợi trên thiết bị di động thông minh để hỗ trợ phổ biến đường lối, chính sách pháp luật; giáo dục về giới tính, quyền phụ nữ, quyền trẻ em cho đồng bào DTTS; cung cấp thông tin việc làm phù hợp với trình độ, nhu cầu của đồng bào DTTS; hỗ trợ chuẩn đoán khám chữa bệnh từ xa đối với đồng bào DTTS.

Tiếp đó, tỉnh Sóc Trăng cũng xây dựng lộ trình các ứng dụng hỗ trợ cảnh báo thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn vùng DTTS. Xây dựng diễn đàn đối thoại trực tuyến về công tác dân tộc.

Cùng với nhóm giải pháp về nâng cấp nền tảng công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, theo kế hoạch của tỉnh Sóc Trăng, nhóm giải pháp về đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, phổ cập các kiến thức về công nghệ thông tin cho đồng bào DTTS đã được lên phương án để thực hiện.

Thời gian tới các lớp đào tạo, tập huấn, phổ cập kiến thức về công nghệ thông tin nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng là cán bộ, lãnh đạo vùng DTTS, người có uy tín trong vùng DTTS sẽ được tổ chức. Xây dựng và triển khai nhằm nâng cao nhận thức, chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất của đồng bào DTTS. Các mô hình tổ chức đào tạo từ xa cũng sẽ được tổ chức trực tuyến tập trung vào lĩnh vực tiếng dân tộc, trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất, đào tạo nghề cho thanh niên DTTS...

Theo đánh giá chung, Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng đã phát huy vai trò trong việc tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản và chỉ đạo thực hiện chương trình, dự án, chính sách dân tộc; hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác dân tộc; triển khai thực hiện các chính sách đặc thù, các chương trình, dự án, đề án phát triển vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS. Đồng thời, các nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS cũng được huy động và sử dụng có hiệu quả; giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến công tác dân tộc theo quy định của pháp luật; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, phát huy truyền thống đoàn kết của các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đồng thời góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào DTTS tại Sóc Trăng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm