Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dốc toàn tâm lực để đảm bảo ATGT đường sắt

Thứ bảy, 05/11/2016 - 06:34

(Thanh tra)- Ông Phạm Lê Tiến, Đại học Giao thông Vận tải khẳng định, mục tiêu đổi mới ngành Đường sắt, trước mắt là cần tập trung triển khai thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp đột phá, trong đó nhóm giải pháp thứ ba là tăng cường công tác đảm bảo an toàn chạy tàu, an toàn giao thông (ATGT) đường sắt. Đây là giá trị cốt lõi quan trọng hàng đầu mà toàn ngành phải dốc toàn tâm, toàn lực để kiểm soát, lấy phương châm phòng ngừa làm chính.

Đường ngang không gác chắn dẫn vào 1 cơ sở kinh doanh tại trung tâm Thường Tín. Ảnh: HO

Sau vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt đặc biệt nghiêm trọng tại đường ngang km 15+380, huyện Thường Tín, Hà Nội ngày 24/10, hậu quả làm 6 người chết, đến chiều 26/10, cũng trên địa bàn huyện này lại tiếp tục xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến một người chết.

Thực tế, những vụ TNGT đường sắt dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam bắt đầu từ Ga Hà Nội đi qua các huyện Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên đang tồn tại rất nhiều đường ngang dân sinh. Trong khi tỷ lệ đường ngang có rào, gác chắn chiếm tỷ lệ thấp, tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới TNGT đường sắt.

Thực tế nhiều vi phạm ATGT đường sắt đang xảy ra phổ biến như: Sinh hoạt, đun nấu bếp than tổ ong sát đường sắt, gia công các vật liệu gỗ tại vị trí từ Ga Hà Nội đến đường Lê Duẩn. Tình trạng lấn chiếm, ngồi trên taluy rào chắn đường sắt tại cổng Bệnh viện Bạch Mai...

Cá biệt, tại đoạn ngã ba Đại Từ tới đường hồ Linh Đàm, một số hộ dân còn tự tháo rời 2 bên taluy ngăn giữa đường bộ với đường sắt để làm lối vào nhà phục vụ cho hoạt động kinh doanh. “Vi phạm này tồn tại thời gian dài đến nay, rất nguy hiểm cho người và phương tiện đi lại, dân tình xung quanh cũng rất bức xúc nhưng chưa giải quyết được” - đại diện tổ dân phố số 12, phường Hoàng Liệt chia sẻ.

Tại vị trí gần trung tâm thị trấn Thường Tín, một số nhà dân có mặt tiếp giáp với đường sắt, còn leo qua hàng rào là bờ tường để sang đường...

Một đường ngang dẫn vào ngõ lớn tại huyện Thanh Trì cũng không có gác chắn. Ảnh: HO

Bên cạnh nguyên nhân thiếu ý thức, vi phạm của một bộ phận người tham gia giao thông thì cũng có nguyên nhân khách quan đến từ hạ tầng giao thông còn bất cập dẫn tới nguy cơ TNGT đường sắt. Ngay tại trung tâm thị trấn Thường Tín, hàng ngày có rất đông học sinh, sinh viên và người lao động phải đứng chờ xe buýt tại vị trí “kẹp” giữa 2 làn đường bộ và đường sắt. Nếu ai chứng kiến cảnh chờ xe buýt này thì không khỏi “lạnh gáy” khi một bên là quốc lộ 1A cũ với dày đặc phương tiện xe tải đi qua, một bên là đường dành riêng cho tàu hỏa. Trong khi đó, vị trí đứng chờ xe buýt một là đứng dưới lòng đường bộ, hai là đứng dựa vào taluy ngăn cách, nhiều lúc đông người, có người còn buộc phải đứng vào trong taluy sát với khoảng cách tàu chạy.

Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 8, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP Hà Nội xác nhận, trên tuyến không có quỹ đất để bố trí điểm dừng, đỗ đón trả khách của xe buýt đặc biệt là chiều đường từ Hà Nội về Hà Nam. Vì vậy, nếu chẳng may xe container mất phanh, va chạm với các phương tiện khác hay tàu hỏa hất văng vật chắn ra ngoài, thì hậu quả của những vụ TNGT này sẽ vô cùng thảm khốc.

Cũng theo đánh giá của Đội CSGT số 8, lòng đường nhỏ hẹp, lưu lượng phương tiện đông và hỗn hợp trên quốc lộ 1A qua Thường Tín. Cứ vào giờ cao điểm, mật độ phương tiện gia tăng đột biến, tại các điểm giao cắt hay đi qua những khu dân cư, nhà máy, tình trạng ùn tắc giao thông luôn rình rập. Ngoài hiện tượng các cửa hàng, nhà dân lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hiện có gần 200 điểm giao cắt với đường ngang, khi các đoàn tàu chạy qua đều gây ùn ứ và nảy sinh nguy cơ TNGT rất cao.

Nhiều học sinh, sinh viên hàng ngày đang phải chờ xe buýt trong nguy cơ thường trực TNGT như thế này. Ảnh: HO

Theo một khảo sát từ Đại học Giao thông Vận tải, 66,9% TNGT xảy ra trên các nút giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt mà chủ yếu là các lối đi dân sinh tự mở trái phép. TNGT đường sắt xảy ra với xe ô tô khoảng 10%, mô tô khoảng 50%, xe đạp 15%, phương tiện khác và người đi bộ chiếm khoảng 35%. Trong các tuyến đường sắt thì tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh có số vụ TNGT cao nhất với 80% số vụ. Ngoài Nghệ An, Quảng Nam, Hải Dương và Phú Thọ thì Hà Nội là địa bàn xảy ra nhiều vụ TNGT đường sắt.

Theo ông Tiến, các giải pháp để kéo giảm TNGT đường sắt cần tiếp tục triển khai có hiệu quả: Đề án Đảm bảo ATGT đường sắt đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030; Đề án Đổi mới toàn diện công tác quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Khắc phục kịp thời các điểm đen, vị trí mất ATGT trên đường bộ, đường sắt. Triển khai kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt đến năm 2020.

Đồng thời, tổ chức cảnh giới, tập trung hoàn hiện hệ thống đường gom, hàng rào cách ly, nút giao khác mức cầu vượt đường sắt, không để phát sinh thêm đường ngang trái phép. Xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự ATGT đường sắt, nhất là các lỗi vi phạm có nguy cơ cao như vi phạm về quy tắc giao thông tại đường ngang, vi phạm về hành lang đường sắt, chạy quá tốc độ... Và tăng cường, đẩy mạnh công tác phối hợp kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính giữa lực lượng thanh tra - an toàn đường sắt với lực lượng CSGT tại các tỉnh, TP.

Hữu Oanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm