Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

“Điểm sáng” BHXH tự nguyện, hướng đến mục tiêu bao phủ toàn dân

Kiên Trần

Thứ ba, 03/08/2021 - 06:37

(Thanh tra)- Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện đã mở ra cho người lao động tự do nhiều cơ hội tham gia và hưởng thụ chính sách an sinh một cách thuận lợi nhất. Trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục là “điểm sáng”, hướng đến mục tiêu “BHXH toàn dân”.

Vận động, tuyên truyền người dân tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh minh họa: Trần Kiên

Nhiều bứt phá

Chính sách BHXH tự nguyện ra đời từ năm 2008 nhằm tạo cơ hội cho mọi người lao động ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH.

Sau hơn 10 năm triển khai, đặc biệt là từ nửa cuối năm 2018 đến nay, cùng với định hướng thực hiện “BHXH toàn dân” được khẳng định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết số 28), công tác phát triển BHXH tự nguyện đã có nhiều bứt phá.

Trước đó, trong vòng 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, từ năm 2008 đến hết năm 2018, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện mới đạt gần 280.000 người.

Từ năm 2020 đến nay, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện gặp rất nhiều khó khăn song vẫn đạt được những kết quả quan trọng với 1,128 triệu người tham gia (tăng 554.000 người, gấp hai lần so với năm 2019), vượt chỉ tiêu được giao.

Tính đến ngày 5/7/2021, toàn quốc ước có 1,17 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 466.586 người so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 65,89%). Con số này cho thấy những “trái ngọt” sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 28, góp phần đưa chính sách BHXH ngày càng lan tỏa trong cuộc sống với diện bao phủ được mở rộng.

Theo BHXH Việt Nam, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, toàn ngành đã chủ động, nỗ lực vượt khó, thực hiện các giải pháp truyền thông, vận động sáng tạo, phù hợp, đảm bảo mục tiêu “kép”, vừa mở rộng hiệu quả diện bao phủ người tham gia BHXH tự nguyện, vừa đảm bảo đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Cả nước đã có trên 12.400 đại lý thu, trên 37.300 điểm thu và trên 52.200 nhân viên đại lý thu. Hệ thống đại lý thu được phủ khắp đến từng xã, phường, thị trấn với mạng lưới cộng tác viên được trải đều đến từng thôn, bản, tổ dân phố… tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận chính sách và tham gia BHXH.

Đặc biệt, diện bao phủ BHXH không ngừng tăng cả về số người tham gia và số người thụ hưởng, nhất là về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.

Cần điều chỉnh chính sách để nâng mức hưởng thụ

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, Việt Nam được quốc tế đánh giá đang là quốc gia có tỉ lệ thụ hưởng chính sách BHXH tự nguyện cao so với khu vực.

Tuy nhiên, xét về mức độ hấp dẫn, việc chỉ quy định thực hiện 2 chế độ hưu trí và tử tuất với thời gian đóng góp kéo dài khiến người dân ngại chờ đợi nên không mặn mà tham gia BHXH tự nguyện.

Một nguyên nhân nữa là do mức hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn người dân. Hiện tại, ngân sách nhà nước hỗ trợ 15.400 đồng/tháng tiền đóng BHXH tự nguyện đối với người tham gia không thuộc hộ nghèo và cận nghèo, 38.500 đồng/tháng đối với người thuộc hộ cận nghèo và 46.200 đồng/tháng đối với người thuộc hộ nghèo. Thời gian người tham gia BHXH tự nguyện được nhận hỗ trợ tối đa trong vòng 10 năm từ ngân sách nhà nước.

Vì thế, ngoài đề xuất tăng mức hỗ trợ, theo các chuyện gia, cần sửa đổi chính sách và cải thiện công tác tổ chức thực hiện nhằm tăng sức hấp dẫn của loại hình an sinh này, như tạo điều kiện về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm để được hưởng lương hưu; bổ sung các chế độ BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt, nhằm tăng tính hấp dẫn, tạo thuận lợi hơn nữa cho người cao tuổi tham gia BHXH tự nguyện.

Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm quyền lợi cho người tham gia như: ốm đau, thai sản... trong quá trình đóng. Hiện nay, tại các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, TP lớn, lực lượng lao động tự do, lao động phi chính thức có số lượng lớn chính là lực lượng mà BHXH tự nguyện hướng đến.

Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, Nghị quyết số 28 đã đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm tăng nhanh diện bao phủ người tham gia BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân và đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHXH.

Những nội dung về cải cách chính sách BHXH được đặt ra tại Nghị quyết số 28, theo ông Trần Đình Liệu không chỉ mở rộng diện bao phủ đến lao động khu vực chính thức, mà còn đặc biệt chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức - “khoảng trống” chưa được quan tâm triệt để trong những lần thiết kế chính sách trước đây.

Những kết quả trên là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực mà ngành BHXH Việt Nam đã quyết liệt triển khai thời gian qua, góp phần phát triển thêm nhiều người dân được tham gia vào lưới an sinh của Nhà nước, được chăm lo cuộc sống, sức khỏe khi về già không còn khả năng lao động, từ đó góp phần củng cố ngày càng vững chắc hơn nền an sinh xã hội của đất nước.

Mở rộng diện bao phủ BHXH đến lao động nông thôn

Mục tiêu đến năm 2025, trong số 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH thì nông dân, lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Tính đến hết năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện đã đạt khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức.

Một số địa phương thực hiện tốt công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện như: Nghệ An, Thái Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Nam. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm