Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lập doanh nghiệp để làm dự án nhà ở xã hội

Hương Giang

Thứ ba, 29/08/2023 - 12:38

(Thanh tra) - Bên cạnh ý kiến tán thành, cũng có ý kiến đề nghị không quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Ý kiến khác đề xuất, Tổng Liên đoàn Lao động thành lập doanh nghiệp để thực hiện các dự án nhà ở xã hội.

Toàn cảnh Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4. Ảnh: P.Thắng

Sáng 29/8, Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4 cho ý kiến vào những nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Băn khoăn quy định Tổng Liên đoàn Lao động là chủ đầu tư nhà ở xã hội

Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết vẫn còn nhiều loại ý kiến liên quan quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê. Tuy nhiên, do đây là các dự án nhà ở xã hội cho công nhân để cho thuê, vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn.

Ý kiến này cho rằng cần chỉnh lý, bổ sung các quy định có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và các luật có liên quan để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và thực hiện việc cho thuê nhà ở xã hội này.

Chiều ngược lại, loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Lý do, đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua (theo quyết định của Thủ tướng) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong luật.

Vì vậy, nhóm ý kiến này đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành lập doanh nghiệp trực thuộc có chức năng kinh doanh bất động sản để thực hiện các dự án nhà ở xã hội cho công nhân.

Quy định theo hướng này sẽ không phải bổ sung nội dung trong Luật Nhà ở, không gây xung đột với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…

“Đây là nội dung quan trọng, còn nhiều ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban Pháp luật báo cáo đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến để có cơ sở tiếp thu, chỉnh lý”, ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Chủ đầu tư nhà ở thương mại được “linh hoạt” đóng góp phát triển nhà ở xã hội

Về đất để xây dựng nhà ở xã hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng báo cáo 2 phương án.

Một là quy định trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và bổ sung trách nhiệm theo hướng linh hoạt về phương thức thực hiện.

Theo đó, chủ đầu tư có thể dành quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, quỹ đất ở vị trí khác hay đóng góp bằng tiền mức tương đương giá trị quỹ đất, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong từng giai đoạn.

Phương án 2 giữ như dự thảo luật do Chính phủ trình, theo đó trách nhiệm bố trí quỹ đất nhà ở xã hội thuộc về UBND cấp tỉnh.

Theo phương án này, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại không phải có trách nhiệm đóng góp phát triển nhà ở xã hội, bởi vì để được chấp thuận làm chủ đầu tư và triển khai dự án, các chủ thể này đã phải tham gia đấu giá, đấu thầu dự án và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Ông Hoàng Thanh Tùng cho hay, qua thảo luận tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án 1 như đề xuất của Thường trực Ủy ban Pháp luật.

“Phương án này vừa bảo đảm trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại với việc phát triển nhà ở xã hội nhằm huy động nguồn lực xã hội chung tay với Nhà nước thực hiện chính sách an sinh xã hội này; vừa linh hoạt trong thực hiện trách nhiệm để khắc phục những vướng mắc như đã nêu trong Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Nhà ở năm 2014”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm