Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đại biểu Quốc hội: Mức độ xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng

Thứ hai, 03/06/2019 - 16:27

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho rằng, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em còn tồn tại nhiều khoảng trống cần lấp đầy.

Các em học sinh tham gia đạp xe, phát tờ rơi với thông điệp thành phố an toàn cho trẻ em gái. (Nguồn: Plan International Việt Nam)

Liên quan đến vấn đề xâm hại trẻ em, sáng 3/6, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ bảy (Quốc hội khóa XIV), bà Triệu Thị Thu Phương (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) cho rằng những vụ bạo lực, xâm hại trẻ em liên tục xảy ra trong thời gian gần đây, gây bức xúc lớn trong xã hội. Đặc biệt, mức độ các vụ việc ngày càng nghiêm trọng.

Số liệu thống kê của Thư viện Quốc hội cho thấy, trong hai năm (2017, 2018) và quý 1 (năm 2019), trên cả nước xảy ra có hơn 3.500 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện; trong đó, số trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm khoảng 60%.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương nhấn mạnh, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi chính người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao (với 21,3%). Ngoài ra, có gần 60% trẻ em bị xâm hại bởi hàng xóm, người quen. Bên cạnh đó, ước tính có khoảng 68,4% trẻ (trong độ tuổi từ 1-14 tuổi) phải chịu ít nhất một hình phạt về thể chất hoặc tâm lý bởi người thân trong gia đình...

“Nhiều vụ xâm hại, bạo lực trẻ em báo động sự suy đồi đạo đức xã hội như hiếp dâm tập thể, người cao tuổi xâm hại tình dục trẻ em nhỏ tuổi, thầy giáo xâm hại tình dục nhiều học sinh…,” bà Triệu Thị Thu Phương nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho rằng, nhiều hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em khi mức độ chạm ngưỡng hình sự mới được phát hiện, xử lý. Bởi vậy, những con số nêu ra có thể chỉ là phần nổi của tảng băng. Trên thực tế, con số này có thể còn lớn hơn vì trẻ em và gia đình của nạn nhân không tố giác (do gia đình sợ gây ảnh hưởng đến thông tin cá nhân, cuộc sống riêng tư của trẻ em…).

Theo bà Triệu Thị Thu Phương, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. “Không ít trẻ em chưa nhận được sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ cần thiết nên bị xâm hại cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý chưa nghiêm,” bà Phương chỉ rõ.

Ngoài ra, cũng theo vị đại biểu Quốc hội này, hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em còn có những khoảng trống: thiếu các quy định triển khai chính sách về bảo vệ trẻ em, thiếu đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em và còn thiếu sự quan tâm, giám sát của cơ quan dân cử…

Bà Triệu Thị Thu Phương (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. (Ảnh: TTXVN)

Từ đó, bà Triệu Thị Thu Phương cho rằng, thực trạng trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi cần có một cơ chế hình thành lá chắn vững chắc hơn bảo vệ trẻ em, ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Ở góc độ khác, ông Lê Xuân Thân (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa) bày tỏ: “Tại nhiều nơi, cử tri đặt câu hỏi: tại sao hệ thống cơ quan, ban, ngành chức năng nhiều như vậy (từ Trung ương tới cơ sở) mà tình trạng xâm hại trẻ em vẫn diễn ra?”

Từ đó, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đề nghị Quốc hội mở rộng phạm vi giám sát để xác định trách nhiệm cụ thể các đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và có những giải pháp cụ thể để việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Xuất phát từ thực tế trên, Chuyên đề giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em được đa phần đại biểu nhất trí khi Quốc hội bỏ phiếu trong phiên làm việc sáng nay.

Trước đó, bắt đầu phiên làm việc sáng 3/6, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, tiêu chí lựa chọn, việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề trong Chương trình giám sát 2020 được dựa trên các tiêu chí cơ bản: vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất; bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.

Đề xuất nội dung chuyên đề giám sát và dự kiến cơ quan chủ trì, ông Nguyễn Hạnh Phúc chỉ rõ, tính đến ngày 23/3, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 77 cơ quan với 183 nội dung kiến nghị, đề xuất.

Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 1 trong 2 chuyên đề nội dung cụ thể: Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (dự kiến giao Ủy ban Tư pháp chủ trì về nội dung). Chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt nam là thành viên (dự kiến giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì về nội dung).

Kết quả, có 386 đại biểu (chiếm 79,13% tổng số đại biểu) đồng tình chọn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Bên cạnh chuyên đề giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em, chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020 cũng sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án…./.

Theo Nhóm PV/Vietnam+

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.

Nam Dũng

14:11 15/12/2024
Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm