Theo dõi Báo Thanh tra trên
Tuấn Khải
Thứ ba, 10/12/2024 - 18:41
(Thanh tra) - Nhận thức được tầm quan trọng trong chuyển đổi số ngành Nông nghiệp trong tình hình mới, bắt kịp xu hướng, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2025 tầm nhìn đến năm 2030, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Cà Mau đã và đang áp dụng, triển khai, công tác chuyển đổi số đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Thủy sản là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh Cà Mau. Ảnh: A.X
Để có góc nhìn toàn diện về ứng dụng chuyển đổi số đối với kinh tế nông nghiệp, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau xung quanh vấn đề này.
Được biết, chuyển đổi số góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của nhiều lĩnh vực, riêng ngành Nông nghiệp đã ứng dụng công tác chuyển đổi số như thế nào và lợi ích ra sao?
Nhận thức được tầm quan trọng trong chuyển đổi số ngành Nông nghiệp trong tình hình mới, bắt kịp xu hướng, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Cà Mau đã và đang áp dụng, triển khai, công tác chuyển đổi số đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Về phát triển hạ tầng số, đến tháng 12/2024 cơ sở hạ tầng thông tin của ngành được trang bị đầy đủ gồm: 17 máy chủ, hệ thống mạng LAN, 576 máy tính bàn, 36 máy tính xách tay, 371 máy in, 52 máy quét Scan… tất cả đều có kết nối mạng nội bộ và internet.
Về phát triển kinh tế số, xã hội số, hiện có 100% công chức, viên chức Sở NN-PTNT đều có tài khoản thanh toán điện tử; 100% tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị tại Trung tâm Giải quyết TTHC đều thanh toán phí, lệ phí thông qua các ví điện tử.
Về chính quyền số, ngành đã triển khai xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành, phát triển ngành NN-PTNT hoạt động năm 2021; phần mềm quản lý, cung cấp thông tin về tình hình phát triển sản xuất trên các lĩnh vực ngư - nông - lâm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ứng dụng hệ thống phục vụ công tác chỉ đạo điều hành trên cơ sở dữ liệu đang hoạt động thuộc hệ thống quản lý văn bản và điều hành (iOffice) của tỉnh; 100% văn bản đều được xử lý, phát hành đi qua môi trường mạng (trừ văn bản mật); 100% hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) được tiếp nhận, số hóa, xử lý, giải quyết trực tuyến đạt; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Trong phát triển sản xuất nông, lâm, ngư có nhiều mô hình, giải pháp ứng dụng công nghệ được triển khai mang lại hiệu quả như: Ứng dụng công nghệ mới trong quản lý môi trường, chất lượng nước; sử dụng thiết bị cho ăn tự động, thông qua phân tích dữ liệu tự động về hiệu quả sử dụng thức ăn của mô hình nuôi tôm công nghệ cao...
Có thể nói, lợi ích từ công tác chuyển đổi số ngành Nông nghiệp mang lại rất rõ nét. Từ đó, giúp lãnh đạo các cấp kịp thời nắm bắt tình hình phát triển ngư – nông – lâm. Qua đó, có định hướng chỉ đạo, giúp ngành Nông nghiệp đạt chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm. Cùng với đó, nhiều công nghệ mới hiện đại được ứng dụng, áp dụng từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp ngành nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau.
Định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới là gì?
Định hướng của ngành NN-PTNT tỉnh Cà Mau giai đoạn 2026 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có một số chỉ tiêu như sau: Phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP ngư, nông, lâm nghiệp duy trì 4%/năm; sản lượng thủy sản đạt 700.000 tấn, trong đó sản lượng tôm đạt 290.000 tấn; sản lượng lúa 400.000 tấn, phát triển lúa hữu cơ, sinh thái, chất lượng cao.
Tổng đàn heo xuất chuồng 400.000 con, gia cầm xuất chuồng 9 triệu con; tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán đạt 27,5%; tỷ lệ diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý bền vững đạt 15%; 100% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 90%, trong đó có 50% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Có 6 đơn vị cấp huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tầm nhìn đến năm 2050, nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân khu vực nông thôn tiếp tục được cải thiện, nâng cao; nguồn tài nguyên thiên nhiên được quản lý, khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tương đương bình quân chung của cả nước.
Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau xác định đâu là nhiệm vụ trọng tâm, trụ cột chính để phát triển kinh tế nông nghiệp, thưa ông?
Về nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngành NN-PTNT tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức triển khai thực hiện tốt quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, tập trung phát triển kinh tế biển, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Triển khai quyết liệt, đồng bộ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng thương hiệu. Tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành hàng nông nghiệp theo hướng phát triển chiều sâu, tạo lợi thế cạnh tranh cao.
Ngoai ra, nâng cao hiệu quả, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản; nghiên cứu, phát triển một số loài thủy sản mới có hiệu quả kinh tế cao; ứng dụng công nghệ sinh học vào phát triển các khu, vùng nông nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Tập trung đầu tư trung tâm đầu mối về thủy sản, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư mới cảng cá động lực để tăng hiệu quả đầu tư, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần tháo gỡ thẻ vàng IUU.
Ngành nông nghiệp có kế hoạch, lộ trình gì về ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp? Kết quả đạt được trong năm 2024 như thế nào, thưa ông?
Năm 2024, cơ sở hạ tầng thông tin của ngành đã được trang bị đầy đủ, có kết nối mạng nội bộ và kết nối internet; tỷ lệ xử lý văn bản trên môi trường mạng đảm bảo 100%; thực hiện báo cáo cải cách hành chính trên hệ thống thông tin báo cáo tỉnh... Ngoài ra, Sở NN-PTNT trang bị 17 phòng họp trực tuyến Mega V-Meeting kết hợp với Zoom và các phần mềm khác có thể kết nối với Trung ương và địa phương giúp công tác chỉ đạo điều hành được tốt hơn.
Ngành Nông nghiệp xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ then chốt, trọng tâm trong thời qua và tiếp tục thực hiện hiệu quả trong giai đoạn sắp tới, với các mục tiêu chính như: tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy và Đề án của UBND tỉnh Cà Mau về chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của công chức, viên chức.
Hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp; thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị trong hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh trên nền tảng kỹ thuật số.
Đóng góp của ngành Nông nghiệp vào sự phát triển chung của nền kinh tế tỉnh Cà Mau như thế nào, thưa ông?
Năm 2024, tổng sản phẩm (GRDP) ngành ước đạt 15.280 tỷ đồng (theo giá so sánh), tăng 3,44% so cùng kỳ năm 2023, vượt kế hoạch năm. Qua đó khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của kinh tế ngư, nông, lâm nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau, là trụ đỡ của nền kinh tế và là khu vực đảm bảo cuộc sống, sự phát triển của hầu hết người dân Cà Mau, chiếm tỷ trọng 31,9% trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh.
Trong giai đoạn 2026 - 2030, mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (VAT) ngành nông lâm thủy sản đạt bình quân 5%/năm và tỷ trọng khu vực ngư, nông, lâm nghiệp chiếm khoảng 23%.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.
Trung Hà
15:05 11/12/2024(Thanh tra) - Những năm gần đây, tại nhiều vùng quê Việt Nam, việc lắp đặt đèn năng lượng mặt trời (NLMT) trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành xu hướng nổi bật, diện mạo nông thôn từ đó cũng trở nên hiện đại, tiện nghi, an toàn hơn.
PV
14:44 11/12/2024Bùi Bình
14:37 11/12/2024Văn Thanh
13:59 11/12/2024PV
10:46 11/12/2024Tuấn Khải
18:41 10/12/2024Hải Hà
Trung Hà
Chính Bình
Chính Bình
Trung Hà
Trung Hà
PV
Hải Hà
ĐT
Văn Thanh
PV
Hải Hà