Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Còn độc quyền, đường sắt còn lạc hậu

Thứ hai, 14/08/2017 - 23:17

(Thanh tra)- Ngày 14/8, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng dẫn đầu kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ

Hành khách bỏ đường sắt vì chất lượng dịch vụ

Mở đầu buổi làm việc, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, Bộ trưởng nêu, doanh thu năm 2016, Tổng Công ty đạt 6.500 tỷ đồng, nhưng so với 2015 là giảm 12%. Thời điểm hiện nay, khách hàng lựa chọn đi tàu kém hơn trước. Nói cách khác, thị phần giảm dần qua các năm.

“Thủ tướng đặt vấn đề về hiệu quả sản xuất kinh doanh, đề nghị ngành đường sắt có suy nghĩ để tăng hiệu quả kinh doanh, tăng thị phần. Đi nước ngoài, thấy giá cước vận tải đường sắt rẻ nhất, an toàn nhất, ta hãy xem lại của chúng ta”, Tổ trưởng Tổ Công tác cho hay và lưu ý, hình như còn có tư tưởng bao cấp đè nén, bao phủ trong nền kinh tế thị trường.

Các vấn đề về an toàn đường sắt; kêu gọi đầu tư, xã hội hóa; đẩy mạnh khai thác hạ tầng; quản lý, thực hiện các dự án nâng cấp cải tạo, nhất là các đường ngang dân sinh; cổ phần hóa, thoái vốn cũng được Thủ tướng đặt ra đối với ngành đường sắt.

Giải trình, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, đường sắt vẫn là nền kinh tế xương sống của ngành Giao thông vận tải nên Tổng Công ty quyết tâm giữ những ưu điểm như vận tải khối lượng lớn, tính an toàn, chỉ số đúng giờ cao, các ga đường sắt tạo điều kiện cho dân đi lại... Cùng với đó là khắc phục những nhược điểm như tốc độ di chuyển còn chậm, chất lượng dịch vụ kém. 

"Khi các phương thức khác đã tiệm cận nhu cầu của dân thì đường sắt vẫn rất lạc hậu, hạ tầng và thiết bị cũng như vậy", ông Minh nói và nhìn nhận, "Hành khách bỏ đường sắt không phải vì giá vé mà hành khách bỏ đi vì chất lượng dịch vụ, đặc biệt là chất lượng vệ sinh của đường sắt còn thấp".

Cho nên, ngành đã đưa ra các giải pháp như như bán vé sớm, bán vé linh hoạt, đa hình thức... để nâng cao chất lượng dịch vụ. Còn về kết cấu hạ tầng đường sắt, theo ông Minh, rất lạc hậu, tốc độ bảo trì cũng rất chậm. 

"Theo tốc độ bảo trì hiện nay thì phải mất 70 năm nữa mới quay hết một vòng bảo trì. Nhưng nếu đến 70 năm nữa thì không biết sản phẩm còn lại gì? Rồi khi ấy sẽ có những hạng mục bị hỏng nặng hơn thì tính thế nào?", vị Chủ tịch HĐTV băn khoăn.

Tiếp lời, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Tá Tùng nhấn mạnh, cải thiện kết cấu hạ tầng đường sắt rất khó khăn. Những năm vừa rồi, ngành đã “mở cửa hết cỡ”, kêu gọi các nguồn lực, xã hội hóa đầu tư để đường sắt phát triển nhưng với cơ chế hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu cho các nhà đầu tư. 

Đường sắt cứ như... đường làng

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, ngành Đường sắt nên đặt vấn đề chuyển sang cơ chế tạo tiền chứ không phải tiền đâu để làm, cho nên cần liên kết với các cảng. Hiện vận chuyển container tương đối hiệu quả giữa đường bộ, cảng biển, còn đường sắt thì đang “bỏ trống”.

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà bày tỏ trăn trở trước tình trạng đường bộ, hàng không phát triển mạnh nhưng đường sắt vẫn lạc hậu, bị thu hẹp do nội bộ ngành không có cạnh tranh, không ai tác động đến mình, không có yếu tố thị trường, còn tinh thần độc quyền.

Phó chủ nhiệm VPCP cũng chỉ ra thực trạng “không nước nào như nước mình, đi đường sắt mà nhà mọc hai bên, đường sắt cứ như đường làng”. 

“Không làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam được thì phải có đoạn ngắn. Như tôi từ TP Hồ Chí Minh muốn đi Mũi Né, Nha Trang nếu có tàu cao tốc thì tốt quá. Phải làm được hạ tầng thì mới phát triển được, còn không cạnh tranh rất khó”, ông Hà đề nghị ngành đường sắt nên mạnh dạn.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nêu, mặc dù hàng không và đường bộ phát triển rất mạnh nhưng đường sắt vẫn còn dư địa và lợi thế rất lớn.

“Với công nghệ đường sắt như hiện nay, tôi nghĩ triển vọng của ngành không phải lo ngại gì cả, quan trọng là chúng ta tái cấu trúc, đổi mới để phát huy các lợi thế, thu hút đầu tư. Đúng như Thứ trưởng Tuấn nói, bài toán của ngành đường sắt là làm sao tạo ra tiền chứ không phải tiền đâu để làm”, ông Lộc nhấn mạnh.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Tổng Công ty làm tốt 6 vấn đề Thủ tướng đặt ra. Đặc biệt quan tâm đến năng lực quản trị điều hành, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, ý thức kỷ luật, kỷ cương.

“Nếu không làm tốt công tác quản trị thì có đầu tư nữa cũng không hiệu quả. Đây là vấn đề rất quan trọng, đây là vấn đề tư duy, tư tưởng để tạo ra sự cạnh tranh. Không gì bằng là chúng ta phải cạnh tranh quyết liệt”, ông Dũng đề nghị Tổng Công ty phải đề xuất cơ chế, mạnh dạn tạo ra cơ chế để thu hút đầu tư, tránh độc quyền. 

“Chúng ta phải đặt ra cơ chế để thu hút đầu tư. Nếu như không thu hút đầu tư mà độc quyền theo hướng của những năm trước đây thời bao cấp thì không ổn. Nguồn lực ngân sách Nhà nước rất hạn chế, không có sự cạnh tranh trong phạm vi nội bộ, không có sự cạnh tranh trong doanh nghiệp thì không thể phát triển được”, Tổ trưởng Tổ Công tác nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho rằng, đã cổ phần hóa thì phải thoái vốn. Dịch vụ thì giao cho các doanh nghiệp tư nhân làm. Ngành đường sắt cần chủ động làm việc với các địa phương để hạn chế tai nạn giao thông, xử lý đường ngang… bằng những giải pháp cụ thể.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.

Nam Dũng

14:11 15/12/2024
Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm