Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chia mức phạt xe không chính chủ đối với cá nhân và tổ chức

Thứ hai, 04/03/2013 - 15:07

(Thanh tra) - Theo Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt vừa được Bộ Giao thông Vận tải công bố lấy ý kiến, xe không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt từ 100 nghìn đồng đến 8 triệu đồng, áp dụng cụ thể đối với cá nhân và tổ chức.

Chế tài xử phạt tương ứng với tính chất và mức độ vi phạm, bảo đảm tính răn đe và khả thi mức xử phạt hành chính. Ảnh: Hồng Hà

Xe không chính chủ bị phạt tối đa 8 triệu đồng

Nội dung của Dự thảo Nghị định này có nhiều điểm mới so với những Nghị định trước đó về hình thức và mức xử phạt đối với hành vi vi phạm giao thông. Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, Dự thảo quy định chế tài xử phạt tương ứng với tính chất và mức độ vi phạm, bảo đảm tính răn đe và khả thi mức xử phạt hành chính, hình thức xử phạt bổ xung, áp dụng biện pháp khác tương xứng với hành vi vi phạm và khả thi khi thực hiện.

Thay vì xử phạt 1 triệu đồng đối với xe máy và 6 - 10 triệu đồng với ô tô không sang tên đổi chủ như Nghị định số 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Dự thảo đã hạ mức phạt xuống và chia đối tượng áp dụng. 

Cụ thể, phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng đối với cá nhân là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô, từ 200 - 400 nghìn đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô vi phạm. Phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng đối với cá nhân là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô, từ 4 - 8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm.

Từ tháng 11/2012, khi Nghị định 71 có hiệu lực thi thành quy định xử phạt xe không chính chủ đã khiến nhiều người dân băn khoăn về tính khả thi và Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng phạt lỗi này trong lúc chờ thông tư hướng dẫn. 

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 29/11/2012, người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, chủ trương đăng ký xe chính chủ, chuyển quyền sở hữu không phải là mới, nhưng vừa qua do cách tổ chức thực hiện không tốt nên gây phản ứng khác nhau trong xã hội. Các bộ đều thống nhất là khi triển khai thực hiện, có 2 điểm không thuận trong dân. Một là, việc phạt hành vi không chuyển đổi phương tiện lại được phổ biến thành truy cứu người điều khiển phương tiện có phải chính chủ hay không. Hai là, người dân phản ánh giá trị xe không cao nhưng phí sang tên đổi chủ cao, hơn nữa còn làm tăng thủ tục hành chính.

Thi công không bảo đảm an toàn giao thông phạt đến 60 triệu đồng

Ngoài quy định về xử phạt xe không chính chủ, Dự thảo cũng quy định phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 - 10 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm một trong các hành vi: Thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ không thực hiện theo đúng quy định trong giấy phép; thi công trên đường bộ đang khai thác không treo biển báo thông tin công trình hoặc treo biển báo thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định; không có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông thông suốt, để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng; không bố trí người hướng dẫn, điều khiển giao thông khi thi công ở chỗ đường hẹp hoặc ở hai đầu cầu, cống, đường ngầm đang thi công theo đúng quy định; để vật liệu, đất đá, phương tiện thi công ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông.

Mứt phạt từ 20 - 30 triệu đồng được áp dụng đối với cá nhân, từ 40 - 60 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm: Thi công công trình trên đường đô thị không thực hiện theo phương án thi công hoặc thời gian quy định; hoặc thi công trên đường bộ đang khai thác không bố trí đủ biển báo hiệu, cọc tiêu di động, rào chắn theo quy định; không đặt đèn đỏ vào ban đêm tại hai đầu đoạn đường thi công; không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông theo quy định để xảy ra tai nạn giao thông.

Chống người thi hành công vụ có thể bị phạt đến 5 triệu đồng

Dự thảo còn quy định, phạt tiền 3 - 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự hoặc chống lại người thi hành công vụ, xúi giục người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ, sử dụng uy tín của cá nhân, tổ chức để gây áp lực, cản trở người thi hành công vụ; đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.

Phạt tiền 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho người điều khiển phương tiện trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ. Người tổ chức đua ôtô, xe máy, xe đạp trái phép, chống người thi hành công vụ... sẽ bị phạt tiền 30 - 40 triệu đồng, đồng thời tịch thu phương tiện vi phạm.
 

Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang xin ý kiến các bộ, ngành để sớm hoàn chỉnh Dự thảo, trình Chính phủ vào tháng 5 và áp dụng từ ngày 1/7.


Hồng Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm