Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cao su khép tán, công nhân sầu lòng

Thứ bảy, 09/05/2015 - 08:38

(Thanh tra)- Cây cao su đến kỳ khép tán. Thu nhập bình quân 500.000 đồng/người/tháng. Hàng chục công nhân xin nghỉ việc. Hàng chục vụ chặt phá cây cao su đã xảy ra. Dân cày đường băng, phá cây cao su để trồng xen... Đó là những gì đã, đang diễn ra ở huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

Vườn cây cao su ở bản Tô Pang, xã Chiềng Pằn. Ảnh: Hồng Bài

Dân chưa mặn mà với cây cao su

Là 1 trong 6 huyện nằm trong vùng phát triển cây cao su của tỉnh Sơn La, huyện Yên Châu quy hoạch trồng 4.000 ha cao su tại 7 xã. Trong đó, xã Chiềng Sàng 420 ha, Chiềng Pằn 650 ha, Chiềng Lán 480 ha, Sặp Vặt 455 ha, Chiềng Hặc 715 ha, Tú Nang 850 ha.

Sau 7 năm triển khai, huyện Yên Châu chỉ giao được 1.048,9 ha/4.000 ha (đạt 26,22% Nghị quyết) đất cho Cty Cổ phần (CTCP) Cao su Sơn La. Trong đó đất dân góp 913,2 ha, đất cộng đồng 135,7 ha. Đặc biệt, trong 5 năm (2010 - 2014), Yên Châu không giao được đất cho Cty cao su (tại xã Chiềng Hặc và Tú Nang).

Thực tế cho thấy, người dân Yên Châu chưa mặn mà với cây cao su. Tỷ lệ hộ dân nhất trí ký cam kết góp đất trồng cây cao su từ năm 2008 - 2014, hàng năm đạt thấp. Cụ thể: Năm 2010 đạt 28,2%; năm 2011 là 36,6%; năm 2012 đạt 22,7%; năm 2013 đạt 2,5% và năm 2014 chỉ có 3,4% hộ dân được tuyên truyền đồng ý góp đất trồng cao su.

Trong 1.048,9 ha đất giao cho Cty cao su, diện tích đã trồng cây là 883,25 ha, diện tích đất chưa trồng là 165,65 ha, đây là đất khe suối, giáp ruộng dân không cho trồng, đất đồi đá... Trong diện tích đã trồng cao su (883,25 ha) thì 103,85 ha phải thanh lý, hiện đã thanh lý 49,66 ha. Nguyên nhân là do trâu bò và người phá hoại, không cho chăm sóc. Như vậy, cây cao su trên đất Yên Châu chỉ còn, chăm sóc là 747,82 ha. Với diện tích trên, Yên Châu chưa đủ điều kiện để xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su theo lộ trình phát triển trồng cây cao su của tỉnh và Cty Cao su Sơn La.

Bà Quàng Thị Thu, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cán bộ chuyên trách về Chương trình Cây cao su huyện Yên Châu cho biết: Đất Yên Châu phù hợp với cây cao su, trên 60% diện tích trồng cao su năm 2008, phát triển tốt. Tuy nhiên, một số bản, do địa hình đất dốc, tầng đất canh tác mỏng, manh mún, diện tích đất bình quân/hộ ít (dưới 1 ha) nên cao su phát triển chậm. Một số bộ phận nhân dân chưa tin tưởng vào hiệu quả kinh tế của Chương trình Phát triển cây cao su... Từ đó dẫn đến tình trạng một số người chăn thả trâu bò vào vườn cao su, thậm chí chặt phá cây cao su, cày, đào đường băng sát hàng cây cao su để trồng cây lương thực, trồng xen chuối, sắn vào vườn cao su. Năm 2012, tại 3 xã Chiềng Pằn, Viêng Lán, Chiềng Sàng đã xảy ra 19 vụ chặt phá, làm thiệt hại 316 cây cao su. Năm 2013, xảy ra 8 vụ, chặt phá 69 cây cao su, 4 vụ đốt nương làm cháy cây cao su và 21 vụ trâu bò phá hoại vườn cao su tại xã Chiềng Pằn, Viêng Lán. Năm 2014 và đầu năm 2015 đã xảy ra 35 vụ phá hoại, làm thiệt hại 4.528 cây cao su.

Tiếp đó, tình trạng công nhân xin nghỉ việc ngày càng nhiều. Chỉ tính đến cuối năm 2014, toàn huyện đã có 35 công nhân xin thôi việc. Mới đây, 70 công nhân là người bản Tô Pang, xã Chiềng Pằn đã đồng loạt nghỉ việc, yêu cầu Cty bố trí việc làm và được đóng bảo hiểm hàng tháng dù chỉ đi làm một ngày. Nay mới có 36 người đi làm, còn lại 34 vẫn nghỉ. Gần 2 năm nay, cây cao su khép tán nhưng công nhân ít việc làm, không có công, không có lương.

Góp đất 7 năm chưa có sổ cổ đông

Năm 2008, 2009 huyện Yên Châu có 3 xã, 16 bản, 906 hộ gia đình tham gia góp một phần giá trị quyền sử dụng đất trồng cây cao su với tổng diện tích là 1048,9 ha, trong đó đất hộ dân góp 913,2 ha, còn lại đất cộng đồng.

Khi bắt đầu trồng cây cao su, CTCP Cao su Sơn La và người dân góp đất đã thỏa thuận giá trị góp đất là 10 triệu đồng/ha, người dân sẽ được hưởng 10% giá trị (hoặc sản lượng) sản phẩm mủ cao su thu được sau thu hoạch. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, cây cao su 7 năm tuổi sẽ cho sản phẩm và sau 5 năm thu sản phẩm mới có lãi. Với doanh nghiệp, khi sản xuất kinh doanh có lãi thì mới được chia. Như vậy, với người dân góp đất trồng cao su ở Yên Châu phải đợi 12 năm, thậm chí lâu hơn mới được chia sản phẩm. Vì đến năm 2015, cây cao su Yên Châu đã gần 8 tuổi, nhưng chưa cho thu mủ. Trong khi đó người dân góp đất vẫn chưa được Cty ký hợp đồng. Đây là điều làm người dân băn khoăn, lo lắng.

Ông Lò Văn Lống, Chủ tịch UBND xã Chiềng Pằn cho biết: Hiện nay toàn xã đã thu "sổ đỏ" của các hộ để tách thửa. "Sổ đỏ" tách diện tích đất góp trồng cao su không giao cho hộ giữ mà để lại tại Phòng Tài nguyên và Môi trường. Dân có thắc mắc gì thì về huyện mà hỏi. Tại sao phải giữ sổ đỏ của dân? Dân cũng không biết mình sẽ được hưởng lợi sản phẩm từ việc góp đất như thế nào? Có được hưởng hay không? Trên thực tế, Cty cao su chưa ký hợp đồng với hộ, đất đã giao nhưng sổ cổ đông chưa có.

Sau khi góp đất vào CTCP Cao su Sơn La, theo quy định, hộ góp 1 ha đất sẽ có 1 người được Cty nhận vào làm công nhân. Như vậy, Yên Châu có 502 người được Cty tuyển vào làm công nhân chính thức. Số công nhân mới vào được tập huấn về kỹ thuật trồng chăm sóc cây cao su.

Số người vào làm công nhân, trong 4 năm đầu góp đất, họ có việc làm, như: Khai hoang, đào đất, đào đường băng, trồng, chăm sóc cao su nên thu nhập đạt từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, khi cây cao su chưa khép tán, hộ công nhân còn trồng xen ngô với cây cao su nên có thêm thu nhập, kinh tế ổn định. Từ năm 2014 đến nay, cây cao su khép tán, công nhân hết việc làm, hết đất trồng xen, kinh tế ngày càng khó khăn.

Bà Quàng Thị Thu cho biết: Nhiều tháng, công nhân không có công, thu nhập không đủ tiền để đóng bảo hiểm. Qua khảo sát tại 2 đội Chiềng Pằn và Viêng Lán, thu nhập của công nhân chỉ đạt 500.000 đồng/tháng.

Theo nhận định của lãnh đạo UBND huyện Yên Châu, nếu CTCP Cao su Sơn La không bố trí đủ công ăn việc làm cho công nhân, thu nhập quá thấp, đời sống không đảm bảo thì nguy cơ tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng cao trong những năm tới.

Hồng Bài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

(Thanh tra) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng mạo danh nhân viên điện lực để đòi nợ tiền điện và yêu cầu khách hàng thao tác các bước theo đường dẫn (link) đối tượng cung cấp.

Theo EVNNPC

21:24 12/12/2024
Điện lực Bát Xát nhận nuôi trẻ mồ côi do bão số 3 gây ra

Điện lực Bát Xát nhận nuôi trẻ mồ côi do bão số 3 gây ra

(Thanh tra) - Hưởng ứng lời kêu gọi “Mỗi cơ quan, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và với tinh thần tương thân tương ái, Điện lực Bát Xát (thuộc Công ty Điện lực Lào Cai) đã có một nghĩa cử cao đẹp khi nhận nuôi và hỗ trợ em Lý Thanh Chiêu (sinh năm 2015), một trẻ mồ côi cha do hậu quả của cơn bão số 3 vừa qua.

Theo EVNNPC

21:11 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm