Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp được...“chết”

Thứ tư, 05/03/2014 - 16:10

(Thanh tra) - Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tòa án nhân dân Tối cao và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức sáng nay (5/3).

Ông Justin Yap, chuyên gia cao cấp của Công ty Tài chính quốc tế. Ảnh: Thảo Nguyên

1 trong 3 vấn đề mà nhóm các chuyên gia biên tập và soạn thảo Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) nêu ra để xin ý kiến các chuyên gia trong hội thảo chính là chức danh quản lý tài sản phá sản (hay còn gọi là Quản tài viên).

Theo đó, Người quản lý tài sản phá sản (thay thế cho Tổ quản lý, thanh lý tài sản quy định trong Luật Phá sản 2004) là người quản lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán để xử lý các công việc liên quan đến việc phá sản. 

Ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Người quản lý tài sản phá sản là chế định mới tiến bộ của Dự thảo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan điểm tranh luận rất cần ý kiến đóng góp của các chuyên gia như: Về danh xưng gọi Người quản lý tài sản phá sản là hay Quản tài viên; Người quản lý tài sản phá sản chịu trách nhiệm tập thể hay cá nhân; Ai có quyền chỉ định Người quản lý tài sản phá sản….

Thêm nghề mới

Theo ông Justin Yap, chuyên gia cao cấp của Công ty Tài chính quốc tế (thuộc Ngân hàng Thế giới) về pháp luật phá sản, một số quốc gia châu Âu, châu Á hiện đang có chức danh quản lý tài sản phá sản để quản lý và giải quyết tài sản cho những doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, đây chính là người giữ vai trò trung tâm ở tất cả các hệ thống Luật Phá sản hiện đại. 

“Người quản lý tài sản phá sản giúp duy trì động lực thiết yếu của quá trình đối với cả hai quá trình phá sản/thanh lý hay phục hồi doanh nghiệp thành công”. Do đó, theo ông Yap, Người quản lý tài sản phá sản phải là người có uy tín và có được sự tin cậy từ cả xã hội lẫn hệ thống tòa án; phải có trình độ chuyên môn và được đào tạo thích hợp; có đủ thẩm quyền và năng lực để thực thi nhiệm vụ trong quyền hạn của mình. Đặc biệt người có chức danh này phải bảo đảm liêm chính và độc lập với các bên.

Góp ý với vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, điều kiện để trở thành Người quản lý tài sản cần phải chặt chẽ hơn và cần phải có chế tài nếu người làm quản lý tài sản không thực hiện được tốt chức năng và công việc của mình. 

Ông Bùi Văn Mai, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam nêu vấn đề, quản lý tài sản phá sản được coi là nghề mới, nhưng không khuyến khích phát triển vì không khuyến khích doanh nghiệp phá sản nên không cần “đẻ” ra một bộ máy để quản lý hay tổ chức thi cử. Điều 10 của Dự thảo quy định những người được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề quản lý tài sản phá sản gồm luật sư, kiểm toán viên, người có cử nhân luật, cử nhân kinh tế, tài chính và có kinh nghiệm ba năm làm việc trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, quản trị doanh nghiệp” không rõ, không thống nhất. 

Theo ông Mai, “người có bằng cử nhân luật, cử nhân kinh tế, tài chính và có kinh nghiệm ba năm làm việc trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, quản trị doanh nghiệp” không thể hội đủ điều kiện để trở thành Quản tài viên, còn điều kiện để trở thành luật sư, kiểm toán viên đã được quy định rất chặt chẽ trong các luật khác. Cho nên chỉ cần quy định luật sư, kiểm toán viên đạt những yêu cầu thông qua một cuộc sát hạch thì được cấp chứng chỉ làm Người quản lý tài sản phá sản". 

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật phải quy định rõ ràng ở đây là Kiểm toán viên là Kiểm toán Nhà nước hay Kiểm toán độc lập. “Nếu là Kiểm toán độc lập thì không thể chỉ định được vì Kiểm toán độc lập hoạt động hoàn toàn độc lập, có khi phải đấu thầu, hoặc có quyền từ chối không tham gia vụ việc”, ông Mai nói. 

Bà Lê Thu Hà, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thì cho rằng, vai trò của Người quản lý tài sản phá sản cũng cần nhấn mạnh vào vai trò tiếp quản, bảo vệ tài sản và khôi phục hoạt động của doanh nghiệp. Nếu vai trò của Người quản lý tài sản chỉ tập trung vào việc thanh lý các tài sản khi doanh nghiệp phá sản thì sẽ không tạo được sự khác biệt lớn với vai trò của Tổ quản lý, thanh lý tài sản do tòa án lập ra theo Luật phá sản 2004. “Điều kiện trở thành Người quản lý tài sản phá sản phải có kiến thức, nhất quyết phải bảo đảm 2 kiến thức là pháp luật và quản trị kinh doanh”, bà Hà đề xuất.

10 năm: 83 doanh nghiệp được phá sảnCác đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh Thảo Nguyên

Trong rất nhiều trường hợp, đợi đến khi Tòa án mở thủ tục phá sản doanh nghiệp thì đã quá trễ cho các chủ nợ không có bảo đảm, và việc doanh nghiệp phá sản và thanh lý tài sản thường không mang lại lợi ích đáng kể gì cho các chủ nợ không có bảo đảm. Đây cũng là lý do nhiều chủ nợ không có bảo đảm không mặn mà với việc nộp đơn xin phá sản doanh nghiệp.

Việc các doanh nghiệp không mặn mà đối với việc làm thủ tục phá sản cũng được chứng minh qua các số liệu mà đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra đó là: Gần 10 năm mới chỉ có 83 trường hợp được Tòa tuyên bố phá sản (có 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản và 236 trường hợp mở thủ tục phá sản). Trong khi đó có hàng trăm doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động, mất khả năng thanh toán, ra đi không làm “giấy khai tử” - không có tuyên bố phá sản.

Luật sư Dương Anh Đức nhận định, muốn tạo môi trường trong sạch trong kinh doanh thì phải đẩy sớm thời điểm tuyên bố phá sản chứ không để doanh nghiệp “chết” quá nhiều năm mà không được tuyên bố phá sản. Cần phải tìm một lối thoát, một cơ chế, nếu đã mở rộng hết cửa, khuyến khích hết cỡ cho “khai sinh” doanh nghiệp thì cũng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp được chết. “Tóm lại mất khả năng thanh toán là phá sản. Nếu không luật này có được sửa đổi ban hành ra thì 1 năm cũng chỉ giúp được 1 - 2 doanh nghiệp phá sản”. Cùng với đó, theo luật sư Đức, bên cạnh cơ chế phá sản thì cũng phải cho doanh nghiệp được giải thể. 

Với kinh nghiệm lâu năm làm Quản tài viên, ông Phil Smith, Giám đốc Dịch vụ tái cơ cấu của KPMG cho biết: Quản tài viên hay Người quản lý tài sản phá sản phải chịu trách nhiệm cá nhân nhưng có thể thuê một doanh nghiệp luật hay các cá nhân, tổ chức để thực hiện nhiệm vụ. “Phải quy định trách nhiệm cá nhân thì mới cho phép Người quản lý tài sản phá sản đưa ra hành động kịp thời, nhanh chóng vì lợi ích của chủ nợ có bảo đảm hoặc không có bảo đảm” . 

Cũng theo ông Smith, để thi hành luật hiệu quả không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp “chết” vẫn không được tuyên bố phá sản, thì Dự thảo phải quy định những trường hợp cơ quan Nhà nước như cơ quan Thuế cũng là một bên yêu cầu mở thủ tục phá sản.  

Dự thảo Luật lần này cũng cho phép chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ đến hạn trong thời hạn 3 tháng (kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu). 

Kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết sẽ tiếp thụ tất cả các ý kiến, tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi để hoàn chỉnh Dự thảo Luật

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.

Trung Hà

15:05 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm