Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Cán bộ mang văn bản giấy lên thì mời về”

Thứ năm, 13/06/2019 - 19:50

(Thanh tra)- “Cán bộ nào lên phòng tôi mang văn bản giấy thì mời về, không tiếp, không bao giờ tôi ký tay và nhận hồ sơ”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, hiện tại, trừ các văn bản mật, còn lại ông dùng chữ ký số.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi kiểm tra. Ảnh: HG

Ngày 13/6, Tổ Công tác của Thủ tướng làm việc với các bộ, ngành đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai các nhiệm vụ được giao liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử.

Buổi làm việc có sự tham gia đại diện các bộ, cơ quan: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ban Cơ yếu Chính phủ.

Hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách nền hành chính theo hướng hiện đại, quan trọng hơn nữa là xây dựng Chính phủ phục vụ, hướng tới người dân và doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ.

Ngày 24/6 tới đây, Thủ tướng sẽ khai trương hệ thống e-Cabinet kết nối các thành viên Chính phủ, hướng tới Chính phủ phi giấy tờ. “Đến tháng 11/2019, sẽ khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia, tinh thần là không cầu toàn mà chọn một số dịch vụ làm trước như cấp đổi bằng lái xe và một số dịch vụ mà người dân, doanh nghiệp cần nhất”, Bộ trưởng cho biết.

Nhắc tới các ví dụ thực tế ở nhiều quốc gia như mỗi người dân đổ rác hay đỗ xe sai vị trí đều được ghi nhận, phản ánh về trung tâm và bị phạt nguội chứ không có cảnh sát đến tận nơi hay có nước quy định người dân xếp hàng không quá 15 phút khi làm dịch vụ công, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ, “nếu chúng ta vẫn làm như cũ thì không được”.

Theo ông Dũng, chỉ đạo của Thủ tướng là nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ việc nhỏ nhất, với nền tảng thể chế, nền tảng công nghệ thông tin, nền tảng cơ sở dữ liệu... Đặc biệt, hướng tới nền kinh tế số, phục vụ người dân mới là mục tiêu của Chính phủ điện tử, Chính phủ điện tử là công cụ phục vụ nhân dân. Phải đẩy mạnh cải cách nội bộ, lấy cơ quan Trung ương làm hình mẫu, tạo áp lực với cấp dưới.

Bộ Nội vụ không cải cách thì hướng dẫn được ai?

Tại buổi làm việc, nhiều khó khăn, vướng mắc cũng được nêu ra. Đại diện Bộ Thông tin Truyền thông cho hay, trong nội bộ đã áp dụng chữ ký số, tất cả các văn bản đều trình duyệt trên môi trường điện tử, chỉ trừ các văn bản liên quan đến khen thưởng, bổ nhiệm thì phải sử dụng bản giấy song song.

Ngoài ra, văn bản gửi ra bên ngoài của Bộ Thông tin Truyền thông vẫn phải sử dụng “bản giấy ký tươi” vì vướng quy định hiện hành về lưu trữ.

Ông Đăng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) cho rằng, không nên quan niệm ký bằng bút vào bản giấy mới là ký trực tiếp. Việc phải có bản giấy trong khi đã có văn bản điện tử lưu trên hệ thống vì Đề án về lưu trữ tài liệu điện tử chưa được thông qua nên chưa thể đảm bảo 100% tài liệu trên hệ thống không vì lý do nào đó biến mất hoặc bị sửa đổi.

“Cho nên, sau khi ký số, in ra giấy 1 bản để lưu ở cơ quan được coi như là một biện pháp “bảo hiểm”. Khi hệ thống tài liệu lưu trữ điện tử được thiết kế, vận hành đảm bảo quy định về bảo mật thông tin, việc in ra một bản có chữ ký số sẽ không cần thiết”, ông Tùng thông tin.

Còn ở Bộ Nội vụ, theo ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chánh Văn phòng cho hay, 100% cán bộ, công chức của bộ đã được cấp chứng thư số. Nhưng trên trục liên thông, văn bản đến vẫn còn chậm, có khi thiếu hồ sơ kèm theo gây khó khăn cho người tiếp nhận.

“Vậy việc xử lý hồ sở trên nền điện tử như thế nào? Lãnh đạo bộ đã ký số chưa?” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng hỏi. Về việc này, ông Thủy cho hay, đã triển khai được 3 cấp độ từ cấp phòng, vụ đến lãnh đạo Bộ. Và gần đây, như Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa (thành viên Tổ Công tác của Thủ tướng) đã có văn bản ký chữ ký số.

Toàn cảnh buổi kiểm tra. Ảnh: HG

Sau khi lắng nghe Bộ Nội vụ triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý, Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, mà cải cách hành chính có 2 lĩnh vực là nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và thủ tục hành chính.

“Là cơ quan thường trực mà không cải cách bằng người ta khi mình có công cụ trong tay, có Cục Văn thư Lưu trữ ngay tại Bộ, thử hỏi cải cách ở Bộ không làm thì hướng dẫn được ai”, ông Dũng nói và đặt vấn đề, do hạ tầng hay yếu tố khác?

"Thay người đó là thay được tất"

“Chỉ do yếu tố con người, thay người đó là thay được tất”, Bộ trưởng thẳng thắn và nói, “cán bộ nào lên phòng tôi mang văn bản giấy lên thì mời về, không tiếp, không bao giờ tôi ký tay và nhận hồ sơ, trừ các văn bản mật”.

Theo ông Dũng, trong tổng số 369 văn bản VPCP nhận được của Bộ Nội vụ, chỉ có 39 văn bản ký số, tỷ lệ 10,57% - rất thấp so với các bộ, trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông là 56%.

“Tất cả danh mục chúng tôi có danh mục hết, nói có sách, mách có chứng chứ không nói chơi”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh và đề nghị, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính phải quyết liệt; kiên quyết cải cách trong nội bộ.

Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng lưu ý, ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ phải thật tốt, nếu người ban hành văn bản không làm thì không thể gương mẫu được.

“Đấu thầu mà có địa phương không dám mua 1 chiếc iPad, thế thì chết. Trong khi đó, có địa phương người ta mua ô tô rồi. Nói như vậy để thấy cùng một việc nhưng mỗi địa phương làm một cách khác nhau là do người chỉ đạo, do người đứng đầu”, Tổ trưởng Tổ Công tác phát biểu.

Tổ Trưởng Tổ công tác thúc dục, đẩy sớm tiến độ xây dựng các Nghị định về quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu và về định danh, xác thực điện tử; sớm đề xuất phương án đẩy mạnh cấp chứng thư số cho người dân, doanh nghiệp theo hướng giảm chi phí cấp và duy trì hoạt động chứng thư số.

Đặc biệt, các bộ cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đề án cơ sở dữ liệu, như cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức (Bộ Nội vụ), dữ liệu về doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dữ liệu về đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), dữ liệu về bảo hiểm (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) và nghị định liên quan (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an), cơ sở dữ liệu về tài chính (Bộ Tài chính).

Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho biết, kết quả kiểm tra hôm nay sẽ được báo cáo đầy đủ tại phiên họp Chính phủ với các địa phương sắp tới; sau đó Tổ công tác sẽ tiếp tục kiểm tra trực tiếp tại các Bộ.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm