Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cái nghèo đeo đẳng cao nguyên đá

Thứ tư, 16/04/2014 - 07:57

(Thanh tra)- Được thiên nhiên ưu đãi cho trữ lượng đá khổng lồ trên mặt đất, những tưởng cuộc sống của người dân ở Kông Chro, một trong những huyện khó khăn nhất tỉnh Gia Lai sẽ có cuộc sống đầy đủ, tươm tất, thế nhưng, nhiều năm qua, cái nghèo vẫn cứ đeo bám họ. Hình như câu thơ “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” không phù hợp với mảnh đất được mệnh danh là “thiên đường đá” này.

Ở vùng đất toàn là… đá, nhiều gia đình phải bỏ nhà đi vùng khác mưu sinh. Ảnh: Trung Đức

Sỏi đá chẳng thành cơm

Một mùa khô nữa lại hiện hữu trong cuộc sống của người dân ở xã Kông Yang, huyện Kông Chro. Cái nóng, cái gió khắc nghiệt ở vùng cao nguyên dường như làm cho vùng đất vốn đã nghèo, lại càng đìu hiu hơn. Ở đây, cái gì cũng thiếu nhưng lại thừa… đá. Đá hiện diện khắp nơi, đá trải dọc các thôn làng, đá phủ trên nương rẫy, đá bủa vây những gốc cây... Mặc dù mới hơn 10 giờ sáng, nhưng trên cánh đồng khung cảnh lại vắng hoe, hiếm hoi lắm mới có một vài phụ nữ lớn tuổi chậm rãi ngồi nhìn con bò cố gặm nốt cọng rơm khô còn sót lại trên những đám đất khô cằn, nứt nẻ. Khác với nhiều vùng đất khác của tỉnh Gia Lai, giờ này bà con nông dân đang tất bật cho niên vụ mới, thì ở xã Kông Yang, đất đai lại bị bỏ hoang, bởi một lý do thường trực: Thiếu nước tưới tiêu. 

Trong ánh nắng như đổ lửa, bà Nguyễn Thị Én, ở thôn 4 (xã Kông Yang) cắm cúi “mót” những cọng lúa hiếm hoi vương vãi trên đồng. Bắt đầu công việc từ lúc mặt trời vừa mới nhú đến khi gần đứng bóng, bà mới kiếm được một ít lúa khô. Với từng ấy, chỉ đủ cho anh Nguyễn Thanh Cảm (37 tuổi), đứa con bị tâm thần của bà vừa được lưng bụng. Cũng như nhiều hộ gia đình khác ở xã Kông Yang, gia đình bà Én là một trong những “điển hình” của cái nghèo. Chồng mất đã lâu, một mình bà chèo chống nuôi 3 đứa con nhỏ. Cần mẫn làm việc, nhưng mảnh đất mấy sào cằn cỗi, đầy sỏi đá của gia đình không đủ để nuôi đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn, nên bà phải làm đủ thứ việc: Hái bắp, nhổ mì và cả bốc vác đá thuê. Ấy vậy mà vẫn nghèo, vẫn thiếu ăn. 

Rồi những đứa con của bà cũng lớn, lần lượt lập gia đình, lại đi vào vết xe của cha mẹ và cũng nghèo. Còn lại đứa con trai tâm thần, không thể tự nuôi thân, phải sống nhờ vào đôi bàn tay của bà. Gánh nặng đè vai nên trông bà khá hom hem, già cỗi so với độ tuổi ngoài 50 của mình. “Trước đây có sức khỏe, tôi còn có thể đi bốc vác đá hay cày cuốc thuê, kiếm ngày dăm chục ngàn đong gạo. Nhưng giờ chân tay cứ đau nhức nên tôi không lao động nặng được. Vì vậy, mẹ con tôi phải sống dựa vào mấy sào lúa mất mùa nhiều hơn được và công việc mót lúa”, bà Én than thở.Sống ở cao nguyên đá, gia cảnh bà Phạm Thị Én rất khó khăn. Ảnh: Trung Đức

Không khá hơn gia cảnh bà Én là bao, gia đình ông Đinh Đắp (41 tuổi), dân tộc Ba Na ở làng Bà Băh (xã Kông Yang) cũng “bạc mặt” kiếm cái ăn cho đàn con 6 đứa. Với người đàn ông này, ước mơ cao sang nhất là làm sao kiếm đủ gạo cho vợ con được “no cái bụng”. Đơn giản là vậy nhưng chẳng mấy khi Đinh Đắp được toại nguyện. Với gần 1ha đất rẫy cha mẹ cho khi về theo chị Đinh Thị Dor “về dinh”, Đinh Đắp làm việc không ngơi tay để xây dựng tổ ấm. Mồ hôi, công sức đổ ra, thế mà đất đai lại phụ công người. Vườn điều đang tươi tốt, vậy mà một thời gian ngắn tự dưng rủ nhau héo vàng. Chuyển sang trồng mì, trồng lúa, những nhát cuốc bổ đến đâu, đá trơ ra đến đó, đầu tư bao nhiêu phân bón và công sức nhưng hạt lúa, củ mì thu về không đủ cho đàn con nheo nhóc của Đinh Đắp no bụng nổi vài mùa trăng. Khổ hơn nữa, vào mùa khô, nương rẫy nhà Đinh Đắp chỉ biết phó thác vào… trời, vì nguồn nước tưới duy nhất chỉ dựa vào mưa. Mà mùa khô, kiếm vài cơn mưa còn khó hơn… lên trời nên Đinh Đắp đành để ruộng hoang, rồi đi xin làm đá cho những mỏ đá trên địa bàn. Vậy mà, chẳng nơi nào chịu nhận do Đinh Đắp không có tay nghề.


Theo người dân ở xã Kông Yang, nguyên nhân khiến cái nghèo cứ đeo đẳng mãi cuộc sống của họ là do đất đai cằn cỗi, đá nhiều hơn đất, khí hậu trong vùng khắc nghiệt, thường thiếu nước vào mùa khô, trong khi kinh tế chủ yếu của bà con vẫn là trồng trọt. Không có nước tưới, nhiều hộ gia đình phải bỏ ruộng hoang để đi vùng khác làm ăn. Một số hộ khác có điều kiện hơn thì bỏ ra một số tiền không nhỏ để khoan giếng. Mỗi cái giếng ở đây phải đào sâu từ 30 - 40m, thế nhưng không phải lúc nào cũng có nước.


Ông Xa Văn Thạo (dân tộc Mường) ở thôn 1, xã Kông Yang than thở: “Người ta có tài nguyên thì giàu, còn bà con quê tôi sống trên tài nguyên mà vẫn cứ nghèo. Dù chúng tôi lao động cật lực nhưng đá… chẳng thành cơm”.


Nghèo vẫn hoàn nghèo

Kông Yang là xã vùng đặc biệt khó khăn của Kông Chro - huyện nghèo nhất tỉnh Gia Lai. Đây là nơi sinh sống của 900 hộ với hơn 4.000 khẩu, trong đó hơn một nửa là đồng bào Ba Na. Theo thống kê, cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn 45% dân số của xã. Nghề nghiệp chủ yếu của người dân vùng này là làm nông và làm đá, hay có liên quan đến nghề đá. Nhưng, mối “lương duyên” với nghề đá cũng chẳng giúp họ khá hơn là bao, khi nhiều căn nhà của dân làm đá vẫn vương vấn đói nghèo. 

Mà cũng thật lạ, không hiểu sao ở Kông Yang lại nhiều đá đến vậy. Những cột đá to dài như khúc gỗ, phẳng phiu bóng lộn được chôn đứng sin sít nhau dưới đất, cách mặt đất chỉ khoảng hai gang tay. Chỉ cần bóc lớp đất mặt này, người ta dễ dàng cẩu những cột đá này lên và cứ thế mang đi. Đá này là đá bazan trụ, chủ yếu dùng để làm đá trang trí, xây dựng …

Theo báo cáo của UBND huyện Kông Chro, trước đây lúc cao điểm có tới 10 doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá trên địa bàn huyện, với diện tích khoảng 20ha, tập trung chủ yếu ở xã Kông Yang. Những doanh nghiệp này đã giải quyết cho khoảng 200 lao động phổ thông tại địa phương, với mức thu nhập bình quân khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Sau khi có chủ trương ngừng cấp phép hoạt động của UBND tỉnh Gia Lai (tháng 7/2008), trên địa bàn huyện chỉ còn 4 doanh nghiệp đang khai thác và 2 doanh nghiệp khác chuẩn bị hoạt động (tất cả đều tập trung ở xã Kông Yang). Vì vậy, số lao động nói trên đã “ngoài tầm kiểm soát” của chính quyền địa phương, bởi hầu hết đều là lao động “chui”. Các doanh nghiệp khai thác đá ở Kông Yang rất ít tuyển dụng lao động địa phương. Ảnh: Trung Đức

Anh Đinh Tấn Hoàng, một người dân ở thôn 2 (xã Kông Yang), tâm sự: “Không có nhiều đất sản xuất nên cả hai vợ chồng tôi đều đi làm thuê cho các mỏ đá, thu nhập tuy không cao nhưng cũng tạm đủ để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, kể từ ngày một số mỏ đóng cửa, việc làm của vợ chồng tôi ít hẳn đi. Vì vậy, chồng tôi phải vào Kbang, địa phương liền kề để làm thuê, còn tôi giờ chỉ quanh quẩn lo việc nhà và chăm sóc rau màu trong vườn…”. 

Ông Vũ Văn Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Kông Yang cho biết: “Hiện nay, ngoài tài nguyên đá, sản xuất nông nghiệp của xã Kông Yang đang đối diện với muôn vàn khó khăn. Cả xã có hơn 2.000ha đất nông nghiệp, thì có đến gần 700ha đất bạc màu không thể trồng các loại cây lương thực nên đành bỏ trống, vì dưới lớp đất mặt chỉ toàn là đá. Bên cạnh đó, xã Kông Yang cũng không có công trình thủy lợi nào để giúp người dân thuận lợi trong việc dẫn nước về phục vụ sản xuất. Chỉ một số diện tích đất nằm gần các lưu vực sông, suối, người dân mới trồng được mía, mì, bắp… diện tích còn lại phải trông chờ vào nước trời nên năng suất không cao. Dù một số nơi trong xã, cũng đã đào ao tích nước, nhưng mùa khô cũng bị cạn kiệt. Chính vì vậy, xã Kông Yang không thể nào phát huy hết lợi thế của mình để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho nhân dân”.

Như một nghịch lý, từ bao đời nay, người dân ở các vùng giàu tài nguyên - khoáng sản ở nước ta luôn đối mặt với cuộc sống đầy khó khăn, môi trường sống bị ô nhiễm. Ở huyện Kông Chro, đá thì đầy đồng, nhưng thời tiết quanh năm khô hạn, đất đai cằn cỗi, người dân rất khó đủ đầy từ đồng ruộng. Có lẽ, nghề khai thác và chế biến đá ở địa phương này chỉ “làm giàu” cho một số doanh nghiệp, cũng như tạo công ăn việc làm cho lao động tỉnh ngoài; còn bà con tại chỗ thì vẫn sống lắt lay qua ngày đoạn tháng…


Trung Đức

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm