Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Bom nước” treo trên đầu dân

Thứ sáu, 11/07/2014 - 13:39

(Thanh tra)- Mùa mưa lũ ở Đắk Lắk đã bắt đầu, dấy lên nhiều lo ngại về an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi toàn tỉnh đang hiện hữu hàng chục hồ đập thủy lợi, với dung tích hàng trăm triệu m3 nước nguy cơ bị đứt, vỡ bất cứ lúc nào...

Hồ thủy lợi thôn 6B (xã Hòa An, huyện Krông Pắk) mặt đập nứt dọc một đoạn dài khoảng 50m. Ảnh: Quỳnh Anh

“Lạnh gáy” với công trình quá đát

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh có tổng cộng 705 công trình thủy lợi, gồm 571 hồ chứa, 84 đập dâng, 51 trạm bơm và 1 hệ thống đê bao. Hầu hết các công trình này đều được xây dựng từ hàng chục năm trước. Lúc hư hỏng không được sửa chữa kịp thời, việc quản lý vận hành còn nhiều yếu kém nên đến nay, gần nửa tổng số công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, có tới 75 hồ chứa bị hư hỏng nặng, chỉ cần vài trận mưa lớn là vỡ tung, cuốn trôi người dân bất cứ lúc nào.

Điển hình là hồ thủy lợi thôn 6B (xã Hòa An, huyện Krông Pắk) mặt đập nứt dọc một đoạn dài khoảng 50m, rộng 2 - 5cm. Phía hạ lưu đập bị người dân đào ao lấn chiếm. Mái hạ lưu không đảm bảo an toàn. Muốn nâng cấp công trình này buộc phải đục bỏ phần bê tông, xử lý móng, gia cố lại phần bê tông đỉnh đập và mái hạ lưu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là kinh phí sửa chữa khoảng 15 tỷ đồng hiện… đang nằm trên giấy.

Ông Đoàn Thức, một người dân sống ngay dưới thân đập cho biết: Đầu năm 2011, đập này được tu sửa để tăng dung tích, nhưng phần móng của đập được đơn vị thi công làm qua loa nên 3 ngày sau khi hoàn thành, đập đã bị nứt. Thêm nữa, kênh xả lũ của đập lại được đơn vị thi công thiết kế chĩa thẳng vào nhà dân nên hễ cứ mưa lớn là chúng tôi phải đi lánh nạn.

Huyện Krông Búk có tới 8 hồ đập mất an toàn. Nổi cộm có hồ Vườn Ươm (xã Pơng Drang) hiện trạng công trình hư hỏng đe dọa nghiêm trọng. Cụ thể: Mái đập phía thượng lưu bị sạt lở. Tràn xả lũ bị người dân ngang nhiên lấn chiếm, làm nhà trên đường tháo lũ.

Bất chấp nguy hiểm, người dân vẫn lấn chiếm hồ chứa làm nhà ở, canh tác hoa màu. Ảnh: Quỳnh Anh

Ghi nhận của chúng tôi tại các công trình thủy lợi của tỉnh Đắk Lắk từ phần thân đến phần mái đập đều đã bị người dân bất chấp nguy hiểm lấn chiếm. Tại hồ Đội C19 (xã Ea Riêng, huyện Ma Đ’rắk), mái đập phủ một màu xanh mướt của cà phê, lòng hồ bị lấn chiếm biến thành đồng ruộng trĩu hạt trong khi thân đập bị thấm nước mạnh, tràn không đảm bảo khả năng thoát lũ. Vậy nhưng, người dân vẫn cuốc cày, điềm nhiên như không có gì bất thường đang xảy ra.

Phía dưới hạ lưu hồ Dang Kang Thượng (xã Dang Kang, huyện Krông Bông) cuộc sống của hàng trăm hộ dân diễn ra bình thường. Nhưng, mọi thứ sẽ thay đổi nếu chẳng may hồ Dang Kang Thượng bất chợt vỡ khi hiện tại hồ đang quá đát sử dụng. Thân đập xuất hiện nhiều vết nứt, lỗ thủng. Tràn xả lũ bị hư hỏng nhiều chỗ, tường cánh gà biểu hiện 3 đường nứt dọc kéo dài, mặt trên tường bị xô lệch vào phía trong sân tràn. Theo quan sát của chúng tôi, trên sân bê tông tràn còn có 1 lỗ thủng đường kính chừng 30cm, sâu hoắm, nước ăn thông qua lỗ này luồn dưới bê tông tràn thoát ra đuôi tràn. Hiện trạng công trình được chính quyền xã nỗ lực khắc phục tạm thời bằng cách trám xi măng, thậm chí dùng cả đất để trám vào các lỗ thủng.

Thiếu kinh phí, hư hỏng chồng hư hỏng

Mặc dù hiểm họa từ các công trình thủy lợi đang hiện hữu, nhưng để đầu tư, nâng cấp toàn bộ 75 hồ chứa không thể hoàn thành trong một sớm, một chiều. Bởi, muốn nâng cấp các hồ chứa trên địa bàn tỉnh cần số tiền lên đến 800 tỷ đồng.

Đưa vào sử dụng chưa được 1 năm nhưng đập thủy lợi Ea Mrông (xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) bị sụt, lún nghiêm trọng. Ảnh: Quỳnh Anh

Ông Phạm Tiến San, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão tỉnh Đắk Lắk thừa nhận: “Thực tế hàng nghìn tính mạng người dân đang bị uy hiếp bởi các công trình thủy lợi có thể vỡ bất cứ lúc nào. Theo địa hình, các hồ chứa được xây dựng theo dạng bậc thang, trên một dòng suối có nhiều hồ chứa. Đây lại là nơi thu hút dân cư. Vì vậy, khi gặp sự cố, các hồ chứa ở thượng nguồn sẽ gây ra thảm họa lớn cho hạ lưu nơi dân cư sinh sống. Tuy nhiên, hiện tại các địa phương chỉ biết khắc phục, gia cố tạm thời, còn lại thì… bó tay”.

Cũng theo ông San, trên địa bản tỉnh đang có rất nhiều công trình xuống cấp bởi các nguyên nhân như: Do nhu cầu sản xuất cà phê phát triển quá nhanh, việc xây nhiều hồ chứa chỉ mang tính giải quyết tình thế để trữ, tích nước; hầu hết các công trình đều không có tràn xả lũ; việc quản lý vận hành các công trình thủy lợi còn nhiều yếu kém; người quản lý không có kiến thức chuyên môn về thủy lợi... Vì thế khi lũ về, nước tràn qua đỉnh đập đất gây nguy cơ vỡ đập là điều không tránh khỏi.

Được biết, cuối tháng 12/2013, Sở NN&PTNT đã có Tờ trình số 294/TT-SNN gửi Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy lợi xem xét trình Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ cho tỉnh 523,50 tỷ đồng để sửa chữa gấp 42 công trình trong giai đoạn 2014 - 2015. Bộ NN&PTNT chỉ mới phê duyệt kinh phí để sửa chữa 6 công trình có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ tới. “Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi mùa mưa lũ đã bắt đầu, vốn do Bộ NN&PTNT rót về vẫn bặt vô âm tín”, ông San cho biết.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) ngày 26/6/2014, hiện cả nước có 6.648 hồ chứa với tổng dung tích trữ khoảng 11 tỷ m3 nước. Có 1.150 hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, không có khả năng xả lũ, cần phải sửa chữa, nâng cấp; trong đó, 334 hồ chứa bị hư hỏng nặng, cần đặc biệt quan tâm bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ năm 2014. 

Quỳnh Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm