Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bản Pà Thẻn đón Tết

Thứ hai, 04/02/2019 - 13:35

(Thanh tra)- Xuân mới về với bản làng đồng bào dân tộc Pà Thẻn (thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú, Chiêm Hóa, Tuyên Quang) trong sắc hồng của đào chớm nở, sắc trắng của hoa mận, hoa mơ và sự háo hức, nhộn nhịp chuẩn bị cho Tết Quá chi (Tết cổ truyền). Năm nay, người Pà Thẻn đón Tết trong niềm vui ấm no, đổi mới.

Người phụ nữ Pà Thẻn chuẩn bị rượu uống Tết. Ảnh: Lê Quân

Đậm đà bản sắc

Pà Thẻn là một trong những dân tộc có phong tục ăn Tết cổ truyền đậm đà bản sắc và được gìn giữ lâu đời. Khác với người Kinh và đồng bào dân tộc khác, người Pà Thẻn gọi Tết Nguyên đán là Tết Quá chi. Tết bắt đầu sớm hơn, từ 25 tháng Chạp và kết thúc vào 12 giờ đêm 30 tháng Chạp. Ngày mùng 1, người  Pà Thẻn nghỉ ngơi và mùng 2 bắt đầu lao động sản xuất.

Ông Tái Văn Thạnh, dân tộc Pà Thẻn, thôn Khuổi Hóp cho biết, trước kia người Pà Thẻn có nhiều tục lệ kiêng khem lắm, nhưng bây giờ khác rồi, bỏ bớt những tục lệ rườm rà mà vẫn giữ được nét đặc sắc văn hóa truyền thống. Riêng phong tục ăn Tết sớm hơn người Kinh 5 ngày được gìn giữ bởi liên quan đến tục thờ cúng ông bà, tổ tiên.

Vào những ngày cuối tháng 11 Âm lịch, lá dong gói các loại bánh sừng trâu, bánh chưng và thịt lợn, gà đã được người dân chuẩn bị đầy đủ. Bà Nguyễn Thị Vững, dân tộc Pà Thẻn chia sẻ: Tết năm nay, gia đình tôi đã mổ một con lợn khoảng 70kg, một thúng gạo nếp để gói bánh sừng trâu, bánh chưng dài (loại bánh cổ truyền của người Pà Thẻn) và một đàn gà cũng được nuôi từ đầu năm.

Bà Vững kể, bánh sừng trâu được làm từ gạo nếp, gạo để khô không vo mà gói luôn. Lá thì kỳ công hơn, phải là loại lá nón lấy từ trong rừng hoặc lá vầu, lá giang. Khi gói lá được xoay 360 độ, tạo thành hình nón hoặc hình phễu, rồi cho gạo vào nén chặt, gấp lại lá thừa để tạo thành chiếc bánh đơn. Khi gói xong, buộc bánh lại thành từng cặp rồi ngâm nước khoảng 2 tiếng mới luộc. Bánh sừng trâu khi đã chín có màu sắc đẹp của nếp, tỏa ra mùi hương ngọt ngào của lá, trông rất hấp dẫn. Bánh sừng trâu không có nhân, vì thế mà sau nhiều ngày vẫn giữ được độ dẻo, mùi thơm và không sợ hỏng…

Việc thờ cúng của người Pà Thẻn cũng có nét đặc sắc riêng, trên bàn thờ có một bát hương chung và một bát nước tinh khiết. Bà Vững nói, trước đây làm rẫy, đến gần Tết nhà nào cũng mang gạo tẻ đi xay về nắm thành từng nắm để lên bàn thờ. Sau mấy ngày Tết mang xuống xem, nếu nắm bột mốc đỏ là năm tới được mùa, mốc xanh là mất mùa. Giờ không làm rẫy nữa, người dân đã bỏ dần phong tục này, chỉ còn làm cơm cúng tổ tiên, thần linh để mong năm mới có sức khỏe và may mắn.

Cho củi vào bếp để nấu rượu, bà Vững kể tiếp: “Mẻ rượu này tôi nấu để Tết gia đình dùng, nấu từ men lá cây rừng và thóc nếp, mỗi năm chỉ nấu dịp rằm tháng 5 (lễ cầu mùa của người Pà Thẻn) và Tết Quá chi thôi. Bây giờ tiến bộ rồi, đồng bào không uống nhiều rượu nữa, để sức làm ăn, nuôi dạy bọn trẻ có chữ, có nghề. Người Pà Thẻn chỉ giữ những phong tục đẹp như tục cưới hỏi, trang phục, ẩm thực. Điều đặc biệt ở dân tộc Pà Thẻn là vợ chồng không bao giờ được bỏ nhau và phải chung thủy một vợ, một chồng”.

Cuộc sống đổi thay

Thôn Khuổi Hóp có 40 hộ với 164 người Pà Thẻn sinh sống. Anh Tái Đức Văn, Trưởng thôn cho biết: Dân tộc Pà Thẻn trước đây chỉ sống nhờ nương rẫy nên chọn núi rừng để định cư, vì thế mới ở lại Khuổi Hóp. Cuộc sống gần như khép kín, tự sản tự tiêu là chính. Nhưng 4 năm trở lại đây, bản làng đã “thay da đổi thịt”. Diện tích đất rừng làm nương trước đây đã chuyển sang trồng rừng sản xuất, đồi thấp thì được bà con trong bản canh tác chè búp sạch theo hướng đặc sản…

Theo thống kê của Trưởng thôn Tái Đức Văn, thôn hiện có trên 300ha rừng sản xuất. Mỗi nhà có từ 5 -10ha rừng, chỉ duy nhất một hộ không có rừng.

Khoảng cuối tháng 11 Âm lịch, người Pà Thẻn đã chuẩn bị lá dong để gói bánh chưng. Ảnh: Lê Quân

Bà Đinh Thị Ngần, thôn Khuổi Hóp có trên 10ha rừng, hiện đã trồng cây mỡ, keo. Số trồng sớm đã sang tuổi thứ 4, số mới trồng được 2 năm tuổi, chỉ còn 1ha trồng cây hàng năm. Bà Ngần phấn khởi kể: “Dạo trước, đất rừng để trồng lúa nương, ngô, sắn chứ không trồng cây. Nhưng có năm được, năm mất nên cũng chỉ đủ ăn, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Những năm gần đây, được cán bộ xã, huyện vận động trồng rừng bán gỗ cho nhà máy giấy, người Pà Thẻn mới trồng rừng. Nhà tôi cũng thế, trồng mấy đận đến nay gần hết 10ha rồi. Độ 5 năm nữa thì được thu hoạch cả”.

Bà Ngần bảo, từ ngày không làm rẫy mà chuyển sang trồng rừng lấy gỗ, con cái bà rảnh rỗi hơn, đi làm ở công ty, mỗi tháng thu nhập vài triệu. Sau này rừng được khai thác, coi như tiền để dành làm việc lớn như xây nhà, sắm xe, đầu tư cho tương lai…

Cùng với kinh tế rừng, cây chè lấy búp đang mở ra hướng phát triển kinh tế cho bà con dân tộc Pà Thẻn ở Khuổi Hóp. Bà Nguyễn Thị Vững trồng 1 vạn cây chè PH8, năm 2017 đã bắt đầu cho thu hoạch, chất lượng ngon do phù hợp với chất đất nâu đỏ ở đây.

Bà Vững chia sẻ, đất và khí hậu ở đây hợp với cây chè. Ngày trước bà con đã trồng chè bản địa để uống, chè có vị hơi đắng nhưng ngon hơn trồng ở nơi khác. Năm 2015, được Nhà nước hỗ trợ trồng chè PH8 theo chương trình 135. Sau 2 năm trồng và chăm sóc đơn giản, cây chè đã cho thu hoạch. Nước có màu xanh nhạt, uống để lại vị ngọt ở cổ họng, người dân trong xã khá ưa dùng.

Tiếng lành đồn xa, năm nay cả người ở TP Tuyên Quang cũng tìm mua chè búp sạch ở Khuổi Hóp. Cuối năm 2017, UBND xã Linh Phú đã thành lập Hợp tác xã (HTX) chè Pà Thẻn để phát triển vùng chè tập trung và xây dựng thương hiệu sản phẩm chè búp sạch Pà Thẻn theo chủ trương xây dựng mỗi xã một sản phẩm của tỉnh. Đây là cơ hội, mở hướng phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc Pà Thẻn.

Ông Hà Ngọc Thọ, Giám đốc HTX chè Pà Thẻn Linh Phú cho biết: Hiện HTX có 16 hộ thành viên trồng với diện tích 26,9ha, trong đó có 4ha mới bắt đầu cho thu hoạch năm 2017. Năm 2018, HTX đã trồng 10,5ha, dự kiến đến năm 2025 sẽ phát triển trên 70ha, tập trung ở hai thôn Khuổi Hóp, Nà Luông là nơi chủ yếu người dân tộc Pà Thẻn sinh sống.

Cũng theo ông Thọ, cây chè PH8 phù hợp với đất, khí hậu địa phương và tập quán canh tác của người dân. Năm 2017, chè búp của người Pà Thẻn được người tiêu dùng đánh giá khá cao. Tuy nhiên, vì mới canh tác, người dân chưa biết cách chăm sóc cũng như chế biến nên chất lượng, mẫu mã chưa đạt như mong muốn.

Nói về hướng phát triển giúp bà con vươn lên thoát nghèo, Giám đốc HTX chè Pà Thẻn Linh Phú chia sẻ: Nhiệm vụ của HTX là kết nối người sản xuất, trao đổi kinh nghiệm để tạo ra sản phẩm tốt nhất. Thời gian tới, lãnh đạo HTX sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cũng như cơ quan chuyên môn huyện, tỉnh để hướng dẫn các thành viên trồng, chăm sóc chè đúng quy trình, sản xuất theo hướng sạch để tạo ra sản phẩm chè búp chất lượng, cung cấp cho thị trường và xây dựng thành đặc sản riêng của người Pà Thẻn ở Linh Phú.

Dẫu rằng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng mỗi dịp Tết đến Xuân về, đồng bào dân tộc Pà Thẻn ở Khuổi Hóp đều gác lại mọi bộn bề, lo toan để ngồi lại bên nhau. Trong từng nếp nhà sàn, quanh bếp lửa bập bùng, họ lại quây quần thưởng thức hương vị đặc biệt của ngày Tết, cùng cầu chúc cho nhau mọi điều tốt đẹp và bản làng thêm một mùa Xuân mới đủ đầy, ấm no...

Lê Quân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng lừa đảo khách hàng dùng điện

(Thanh tra) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng mạo danh nhân viên điện lực để đòi nợ tiền điện và yêu cầu khách hàng thao tác các bước theo đường dẫn (link) đối tượng cung cấp.

Theo EVNNPC

21:24 12/12/2024
Điện lực Bát Xát nhận nuôi trẻ mồ côi do bão số 3 gây ra

Điện lực Bát Xát nhận nuôi trẻ mồ côi do bão số 3 gây ra

(Thanh tra) - Hưởng ứng lời kêu gọi “Mỗi cơ quan, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và với tinh thần tương thân tương ái, Điện lực Bát Xát (thuộc Công ty Điện lực Lào Cai) đã có một nghĩa cử cao đẹp khi nhận nuôi và hỗ trợ em Lý Thanh Chiêu (sinh năm 2015), một trẻ mồ côi cha do hậu quả của cơn bão số 3 vừa qua.

Theo EVNNPC

21:11 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm