Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 02/02/2014 - 10:02
(Thanh tra)- Mất gần một giờ đồng hồ “vật lộn” trên chiếc xe ô tô bán tải từ trung tâm huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, chúng tôi mới lên đến độ cao 1.050m so với mặt nước biển để cùng hưởng hương vị ngày Tết truyền thống với đồng bào người H’Mông tại xã Chiềng Hắc.
Đại diện lãnh đạo HĐND, UBND thăm dự án trồng cây Sơn Trà. Ảnh: Trần Quý
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là nhà ông Hãng Đức Chu, Bí thư Chi bộ bản Tà Số 1. Sau những cái bắt tay thân tình và những lời chúc Tết đầu năm, ông Chu vui vẻ cho biết: Năm nay, bà con ở bản ăn Tết vui vẻ, sung túc hơn mọi năm vì gia đình nào cũng dồi dào lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, Tết năm nay trùng với Tết Dương lịch nên có ý nghĩa hơn.
Thấy chúng tôi tò mò về những tờ giấy bản được dán ở các vật dụng, ông Chu cười và bảo: Khác với người Kinh, người H’Mông xã Chiềng Hắc ăn Tết vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 Âm lịch hàng năm. Từ ngày 25, 26 tháng 11, người H’Mông bắt đầu nghỉ ngơi chuẩn bị đón Tết. Các vật dụng được dán giấy bản lên để làm lễ, nhằm tạ ơn một năm vất vả cùng với con người làm ra của cải.
Qua quan sát, chúng tôi thấy, các vật dụng từ xe máy, dao, cối… đến chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm đều được dán giấy bản các màu, những vật dụng nhỏ được đưa lên bàn thờ để lễ.
Từ ngày mùng 2 trở đi, họ mặc quần áo mới, tham gia các hoạt động như: Đá bóng, bóng chuyền, ném pao, múa khèn, múa ô, chơi cầu lông gà, hát ống, hát dân ca, đua ngựa, bắn nỏ... nhất là lễ hội Sải Sán hay Gầu Tào (hội cầu phúc). Người H’Mông ăn Tết kéo dài khoảng 1 tháng.
Nếu trong ngày Tết mà chủ nhà cắm một cành cây trước ngõ ra vào là báo hiệu nhà đang có việc, không được vào. Nếu ai vào thì phải đền tất cả số lễ mà nhà đang cúng. Hoặc chủ nhà không muốn ai đó vào nhà mình, khi thấy họ đến gần thì đem cành cây ra cắm là người đó không dám vào nhà.
Chưa rời chén, chúng tôi được “lệnh” đến nhà Trưởng bản Tà Số 1 Hãng A Long uống tiếp. Cũng chừng ấy món, song rượu thì “vô biên”, nhưng không “ép”, ai uống được bao nhiêu thì tùy. Theo quan sát của chúng tôi, người H’Mông thời nay không lấy uống làm chính như trước đây mà trên mâm cơm ngày Tết họ vẫn bàn cách giúp nhau làm ăn. Vui chén rượu đầu Xuân, Trưởng bản Hãng A Long tranh thủ báo cáo với lãnh đạo huyện về dự án trồng cây Sơn Trà (táo mèo). Mặc dù mới bắt đầu thử nghiệm, song theo ông Long, cây Sơn Trà phát triển tốt, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở đây. Để giúp đỡ bà con triển khai dự án tốt, đoàn đại diện của UBND huyện đã đi thực địa diện tích trồng cây Sơn Trà của gia đình ông Long.
Chung vui chén rượu đầu Xuân với người dân H’Mông bản Tà Số 2, ông Phạm Văn Hợi, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã có 1.728 hộ, 7.985 nhân khẩu, trong đó, người H’Mông chiếm 22% dân số. Hiện nay, thu nhập đầu người không ngừng được tăng lên, nếu như thu nhập bình quân của người H’Mông năm 2012 đạt 15,5 triệu đồng/người thì năm 2013 tăng lên 17 triệu đồng/người và năm 2014 phấn đấu đạt 18 triệu đồng/người.
Hiện nay, mỗi người dân bản Tà Số 1 có khoảng 1,5 - 2ha đất canh tác, ngoài việc trồng ngô, khoai dong theo thời vụ, hộ nào cũng đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trung bình mỗi hộ thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Hầu hết các gia đình tại bản Tà Số 1 và bản Tà Số 2 đều sống trong những ngôi nhà rộng hàng chục m2, được xây cất chắc chắn, nền được láng xi măng hoặc lát gạch hoa, điện sáng lung linh. Hầu như nhà nào cũng có xe máy, ti vi, đáng chú ý, có tới 47 hộ đã sắm được ô tô tải phục vụ sản xuất…
Một mùa Xuân ấm áp lại về với người dân H’Mông ở Chiềng Hắc.
Dân tộc H’Mông gồm nhiều nhóm: Mông Đơ (Mông Trắng), Mông Lềnh (Mông Hoa), Mông Sí (Mông Đỏ), Mông Đú (Mông Đen), Mông Súa (Mông Mán). Dân tộc H’Mông cư trú tập trung ở miền núi vùng cao thuộc các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Nghệ An. Người Mông có một hệ lịch riêng. Theo đó, người Mông tổ chức Tết vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 Âm lịch. Tuy nhiên, ngày nay đa số các vùng người Mông đã ăn Tết Nguyên đán như người Kinh, chỉ trừ một bộ phận nhỏ, chẳng hạn người Mông ở Mộc Châu vẫn duy trì lễ Tết theo hệ lịch riêng của họ. |
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.
Nam Dũng
14:11 15/12/2024(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân