Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 22/12/2015 - 07:09
(Thanh tra)- Bạo lực tình dục vẫn diễn ra và nhiều phụ nữ vẫn phải âm thầm chịu đựng trong bóng tối, không dám tố cáo. Khi họ đủ can đảm, không ngại “vạch áo cho người xem lưng” thì lại một lần nữa bị “xâm hại” bởi sự thờ ơ, vô cảm của quan niệm xã hội nói chung, hệ thống tư pháp, hành pháp nói riêng… Rõ ràng, đã tới lúc chấm dứt sự yên lặng!
Thường xuyên bị xã hội che giấu
Nhiều người cho rằng “cưỡng bức tình dục” chỉ do người lạ gây ra và thường để lại những tổn thương về thể xác cho nạn nhân. Thực tế, bạo lực tình dục hoàn toàn có thể xảy ra ngay tại gia đình hay nơi được cho là an toàn, bình yên nhất. Kết quả khảo sát mới được công bố cho thấy, có tới 86% vụ việc kẻ tình nghi lại có mối quan hệ quen biết với nạn nhân và phần lớn các vụ việc xảy ra tại nơi riêng tư mà không hề có sự tổn thương về thể xác. Tuy nhiên, 87% phụ nữ bị bạo hành thường không tìm đến các cơ quan có thẩm quyền vì không tin tưởng và lo ngại bị xã hội đánh giá “quyến rũ người khác”.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) dẫn lại câu chuyện về 1 bé gái 15 tuổi bị 2 ông trẻ (em bà nội) hãm hiếp nhiều lần. Sau khi vụ việc được đưa ra ánh sáng, 2 “yêu râu xanh” phải nhận án tù thì mọi sự kỳ thị, dè bỉu dân làng đổ dồn lên cháu bé, cho rằng, tại “cháu bé lẳng lơ” khiến gia đình 2 ông trẻ tan nát. Không chịu được sự tủi nhục, gia đình cháu bé đã phải chuyển nhà đi chỗ khác. “Hậu quả của bạo lực tình dục rất nặng nề, ảnh hưởng và ám ảnh suốt cả cuộc đời của nạn nhân, thậm chí đưa nạn nhân tới những tình huống tồi tệ”, bà Vân Anh nói.
Nhấn mạnh bạo lực tình dục thường bị xã hội che giấu, bà Shoko Ishikawa, Trưởng Đại diện Cơ quan Liên hiệp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam lý giải, khi một người phụ nữ nói rằng cô ấy bị cưỡng bức, ngay lập tức câu hỏi đặt ra là cô ấy đã làm gì để bị cưỡng bức? Phải chăng cô ấy đã đến nhầm một nơi nào đó, vào nhầm thời điểm, hoặc do cô ấy ăn mặc không đứng đắn vì quan niệm tình dục của nam giới mặc nhiên được coi là bản năng tự nhiên của con người?
Luật pháp “xâm hại” thêm lần nữa
Khi một người phụ nữ hay một bé gái bị xâm hại tình dục, điều đem lại công bằng và công lý cho họ không ai khác đó là hệ thống pháp luật và cơ quan chức năng. Vấn đề ở chỗ, quy định diện người trợ giúp pháp lý hiện nay còn hẹp, dẫn tới nhiều diện người cần được trợ giúp pháp lý, trong đó có các nạn nhân của bạo lực tình dục không được hưởng chính sách này. Điều này có thể thấy ngay tại Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, phụ nữ thuộc nhóm hộ gia đình có thu nhập trên chuẩn nghèo sẽ không được miễn phí trợ giúp pháp lý, kể cả khi họ không tiếp cận được nguồn thu nhập của gia đình hoặc là nạn nhân bạo lực tình dục.
Đáng nói, hệ thống hành pháp và tư pháp hiện nay vô hình chung đang làm hằn sâu nỗi đau của nạn nhân - luật sư Nguyễn Văn Tú, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bắc Giang nhận định và dẫn chứng lại vụ hiệu trưởng mua dâm diễn ra ở Hà Giang mấy năm trước, những nạn nhân là các em học sinh nữ đã phải kể đi, kể lại nỗi đau của mình rất nhiều lần với các cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ cho quá trình tố tụng.
“Ở nước ngoài khi lấy lời khai của nạn nhân bạo lực tình dục, người ta sẽ thu xếp để một nhà tâm lý trò chuyện và các câu hỏi của cảnh sát, cơ quan bảo vệ nạn nhân đều thông qua nhà tâm lý này. Số lần trò chuyện sẽ hạn chế tối đa để nạn nhân không bị khoét sâu thêm vết thương tâm lý. Ở Việt Nam, hệ thống tư pháp, hành pháp khi tiếp cận các vụ bạo lực tình dục mới chỉ ở góc độ đấu tranh tội phạm chứ chưa ở góc độ bảo vệ quyền, nhân văn”, luật sư Nguyễn Văn Tú nhận định.
Ngoài ra, sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xử lý vụ việc bạo lực tình dục cũng là nguyên nhân khiến hoạt động trợ giúp pháp lý cho nạn nhân chưa hiệu quả.
Cần mở rộng khái niệm bạo lực tình dục
Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái là một vấn đề nghiêm trọng. Ông Chris Batt, Quản lý Văn phòng Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: “Sự im lặng trước bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái cần phải bị phá vỡ. Để đối phó hiệu quả với vấn nạn này, chúng ta cần một cách tiếp cận lâu dài, có hệ thống và toàn diện nhằm thừa nhận và bảo vệ quyền con người bình đẳng và đầy đủ của phụ nữ”.
Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, pháp luật Việt Nam cần mở rộng thêm khái niệm về các tội bạo lực tình dục, như: Tội bạo lực tình dục, tội tấn công tình dục, tội đeo bám… Sửa đổi các quy định về chứng cứ đối với các tội về bạo lực tình dục. TS Phan Thị Lan Hương (Đại học Luật Hà Nội) khuyến nghị, nên ban hành nghị định riêng về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bạo lực, có quy định riêng về bạo lực tình dục đối với phụ nữ và bổ sung các hành vi vi phạm hành chính về bạo lực tình dục.
Cùng với đó, cần mở rộng đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý đến luật hóa trách nhiệm cung cấp thông tin về dịch vụ trợ giúp pháp lý sẵn có cho người bị bạo lực tình dục, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận pháp lý cho phụ nữ ở Việt Nam khi cần trợ giúp bảo vệ quyền lợi của mình.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 13/12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng đã ký văn bản về việc kiểm tra việc huy động vốn tại Dự án (DA) Khu dân cư và dịch vụ (KDC&DV) Cầu Hưng - Lai Nghi (giai đoạn 1), thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, do Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt (Cty Sài Gòn Thành Đạt) làm chủ đầu tư.
P. B
16:05 13/12/2024(Thanh tra) - Hôm nay (13/12), Bộ Công an phát động đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) trên phạm vi toàn quốc.
Trần Quý
15:58 13/12/2024Trần Quý
15:47 13/12/2024Trung Hà
15:36 13/12/2024Văn Thanh
15:18 13/12/2024Ngọc Giàu
13:51 13/12/2024Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà